Thứ sáu, 06 Tháng 2 2015 14:13

Là tổ chức xã hội có chức năng bảo trợ, chăm sóc NKT, TMC, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam xác định dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NKT là một trong 6 chương trình trọng tâm của Hội. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã và đang nỗ lực thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại cộng đồng. Từ 32,1 tỷ đồng nguồn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia, quỹ Hội và đóng góp của đơn vị dạy nghề, 5 năm qua, Hội đã tổ chức dạy nghề cho 8.530 NKT, trong đó 80% đã được giải quyết việc làm. Các mô hình của Hội đã và đang phát huy hiệu quả tốt, mang lại việc làm bền vững cho NKT.

Những kết quả đáng mừng

Giai đoạn 2010 - 2014 Bộ LĐ-TB&XH giao cho Hội xây dựng mô hình thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội đã tập trung tổ chức dạy nghề trên địa bàn nông thôn, các cơ sở sản xuất có nhu cầu tiếp nhận lao động NKT. Hình thức dạy nghề, truyền nghề được mở rộng, có lúc tập trung theo lớp, xen ghép với người lành, có lúc tổ chức dạy tại xưởng sản xuất, tại nhóm, hộ gia đình, vừa học vừa làm, cầm tay chỉ việc.

Sau 2 năm triển khai (2010 - 2011), Hội và các tổ chức thành viên thực hiện dạy nghề cho 3.423 người (trong đó các tổ chức thành viên dạy nghề cho 2.544 người và Trung ương Hội phối hợp thực hiện (năm 2010) là 879 người từ Chương trình Mục tiêu quốc gia). Từ năm 2012, Hội tiếp tục thí điểm xây dựng và mở rộng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại cộng đồng. Kết quả năm 2012, toàn hệ thống Hội dạy nghề cho 2.090 NKT, trong đó Trung ương Hội được Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức dạy nghề cho 587 người, số có việc làm đạt 74%.

Bước sang năm 2013 - 2014, Hội mở rộng mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT theo quy định mới với mức hỗ trợ được điều chỉnh tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học (tăng 100% so với năm 2012). Các tổ chức thành viên của Hội trong thời gian này đã dạy nghề cho 3.900 người. Riêng Trung ương Hội được Nhà nước giao 4,4 tỷ đồng để thực hiện dạy nghề cho NKT và đã phối hợp tổ chức dạy được 855 NKT, trong đó khoảng 80% có việc làm và tự tạo việc làm. Đặc biệt năm 2014, Hội đã khảo sát, tổ chức thí điểm 02 lớp dạy nghề cho người khuyết tật để hòa nhập với các thành viên khác trong gia đình tại 01 cơ sở sản xuất ở Thái Bình.

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch tỉnh Hội Thái Bình cho biết năm 2014, tỉnh Hội tổ chức đào tạo nghề cho 200 NKT từ 3 nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm; Chương trình dạy nghề theo kinh phí của tỉnh hỗ trợ và 02 lớp thí điểm của Trung ương Hội cho 38 học viên của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Trong đó, 02 lớp dạy nghề của Trung ương Hội được tổ chức tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (Tiền Hải), sau học nghề đã có việc làm 100%.

Tại Vĩnh Long, trong năm 2014 tỉnh Hội đã tổ chức được 3 lớp dạy nghề cho NKT tại HTX Thanh Thanh, huyện Long Hồ. Sau học nghề, HTX đã tạo việc làm tại chỗ cho 100% học viên. Ông Ngô Ngọc Bỉnh, Chủ tịch tỉnh Hội cho biết: ''Ngoài dạy nghề tập trung, tỉnh Hội đã tổ chức tạo việc làm tại chỗ cho NKT rất hiệu quả. Đã có hơn 1.500 NKT được tạo việc làm ở mô hình này. Theo đó, tùy theo khả năng và nhu cầu của NKT, tỉnh Hội hỗ trợ họ xây dựng dự án, vận động hỗ trợ vốn, phương tiện cho họ để họ tự tạo việc làm. Ví dụ như cấp xe lăn, xe lắc để NKT có phương tiện đi bán vé số, cấp vốn để họ kinh doanh nhỏ, (có thể bán hàng rong), làm thủ công, lột hạt điều, chăn nuôi... Mô hình này tỉnh Hội mới làm 2 năm nay nhưng đã phát huy hiệu quả rất thiết thực''.

Còn nhiều những trăn trở

Tiếp nối những kết quả đạt được, trong kế hoạch năm 2015, Hội đặt ra chỉ tiêu dạy nghề cho 1.500 NKT, trong đó Trung ương Hội là 750 người từ Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề. Thí điểm mô hình dạy nghề giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn huyện gắn với cơ sở sản xuất kinh doanh (dự kiến ở 02 huyện). Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này, công tác dạy nghề cho NKT của Hội đang gặp nhiều vướng mắc. Cơ chế, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT còn nhiều bất cập.

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch tỉnh Hội Thái Bình chia sẻ "Phương pháp dạy nghề của tỉnh Hội là đào tạo tại trung tâm và liên kết đào tạo tại cộng đồng (chủ yếu). Tỉnh Hội tranh thủ tất cả các nguồn của Nhà nước và của Hội để tập trung cho dạy nghề. Tuy nhiên, vẫn rất khó khăn. Vì kinh phí hỗ trợ thấp, phân bổ lại không đều. Tiền ăn của học viên quá thấp, khó khăn trong khâu tuyển dụng học viên...Sau đào tạo nghề, NKT rất khó tuyển dụng vào các doanh nghiệp lớn vì khả năng sức khỏe. Có tới 95% đào tạo ra là các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ tiếp nhận. Nghề "vua" ở Thái Bình là nghề may. Nhưng yêu cầu đào tạo giáo viên phải có trình độ sư phạm ngoài trình độ nghề. Như vậy không phù hợp với dạy nghề cho NKT vốn là cầm tay chỉ việc".

Dạy nghề tạo việc làm cho NKT do các tỉnh, thành Hội thực hiện rất cần được quan tâm, giúp đỡ của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan ở địa phương, đặc biệt là ngành LĐTB&XH, nhưng ở một số địa phương vấn đề này còn hạn chế. Tại Cà Mau, theo ông Lữ Thanh ý, Chủ tịch tỉnh Hội, việc dạy nghề cho NKT rất vất vả. Năm 2014, tỉnh Hội chỉ tổ chức được 2 lớp ở huyện Đầm Dơi và Năm Căn. Trong đó, huyện Đầm Dơi có nhiều thuận lợi hơn vì có Trung tâm dạy nghề giải quyết việc làm. Tại đây, Hội hợp đồng với họ dạy nghề xong tạo việc làm luôn. Còn tại Năm Căn, tỉnh Hội tổ chức dạy nghề tại cộng đồng và đang gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn lực đến học viên đi học. Đặc thù của vùng sông nước Cà Mau đi lại khó khăn, chủ yếu bằng ghe, xuồng. Để đến được lớp học nghề, NKT có khi phải đi vài tiếng đồng hồ rất vất vả. Trong khi chế độ hỗ trợ ăn uống, đi lại của Nhà nước rất bất cập khi đánh đồng mức hỗ trợ, thời gian học nghề của lao động khuyết tật giống như lao động lành lặn ở nông thôn...".

Trong kế hoạch dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt ra chỉ tiêu dạy nghề tạo việc làm cho 455.000 NKT. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phấn đấu dạy nghề cho 8.000 NKT, riêng năm 2015 là 1.500 người. Để đạt được các chỉ tiêu này, tổ chức Hội nói riêng và các tổ chức, đơn vị dạy nghề cho NKT rất mong Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách dạy nghề cho phù hợp như: nghiên cứu ban hành giáo trình, chương trình khung dạy nghề dành riêng cho NKT; Xây dựng mức chi phí đào tạo cho từng nghề, thời gian học nghề phù hợp với NKT; thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu về công tác dạy nghề cho NKT cần đơn giản, thiết thực đối với hình thức vừa học, vừa làm, kèm cặp, truyền nghề... Việc chuyển kinh phí tạm ứng, thủ tục quyết toán kinh phí dạy nghề cần sửa đổi, bổ sung phù hợp tính chất hoạt động của cơ sở dạy nghề cho NKT. Cần sửa đổi, bổ sung chế độ tiền ăn, tiền đi lại cho NKT cho hợp lý hơn. Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với NKT tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho NKT; các cơ sở SXKD tiếp nhận nhiều NKT. Có như vậy mới động viên, khuyến khích cộng đồng cùng chung tay giải quyết việc làm bền vững cho nhóm đối tượng yếu thế này.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi