Thứ sáu, 06 Tháng 2 2015 10:48

Tại Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ I - năm 2014 do Trung ương Hội tổ chức, với sự chuẩn bị tỉ mỉ, công phu, đoàn nghệ thuật người khuyết tật thành phố Đà Nẵng đã vượt qua 36 tỉnh, thành và đạt giải Nhất toàn đoàn. Thành quả ấy không chỉ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, diễn viên trong đoàn mà còn khẳng định năng lực văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật Đà Nẵng, góp phần động viên, khích lệ họ vươn lên, hòa nhập cuộc sống.

Một hoạt động sáng tạo và vì quyền của NKT

Năm 2014, Trung ương Hội tổ chức Hội thi Tiếng hát người khuyết tật (NKT) toàn quốc lần thứ Nhất. Nhận thức được ý nghĩa của hội thi, theo chủ trương của trung ương Hội, thành Hội Đà Nẵng đã tiến hành một loạt giải pháp cần thiết phù hợp với hoàn cảnh của địa phương. Thành Hội đã chủ động phối hợp với các ngành và cơ quan chức năng (Sở LĐ-TB&XH, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch cùng Đài PT-TH Đà Nẵng) để thống nhất nhận thức và có biện pháp triển khai kịp thời. Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức hội thi được thành lập.

Theo chỉ đạo của thành Hội các đơn vị trực thuộc Hội và các tổ chức, cá nhân NKT toàn thành phố đã nhiệt tình chuẩn bị và tích cực tham gia cuộc thi. Chỉ trong gần hai tháng, đã có gần 50 đơn vị, hàng trăm cá nhân NKT trên địa bàn 7 quận, huyện của thành phố đã tiến hành cuộc thi ở cấp cơ sở với hàng trăm tiết mục dự thi thuộc nhiều thể loại. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt văn nghệ rộng khắp và hào hứng, lôi cuốn sự tham gia nhiệt tình của NKT và các tổ chức, đơn vị hoạt động của NKT. Điều đặc biệt là công sức và kinh phí cho các hoạt động hoàn toàn là sự tham gia đóng góp tự nguyện của những người trong cuộc mà không hề có những đòi hỏi, yêu cầu đối với Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức. "Được tham gia là hạnh phúc rồi, cần chi phải nhận hỗ trợ tiền bạc" – một diễn viên NKT đã nói như vậy sau khi diễn xong một tiết mục từ cơ sở.

Từ không khí hào hứng đó, thành Hội đã quyết định lấy các tiết mục văn nghệ của NKT làm nội dung chính của chương trình "Những trái tim hồng - lần thứ III" - một hoạt động truyền thống của thành Hội Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Điều đó tạo nên sự khác biệt, vì những lần trước, các tiết mục văn nghệ trong sự kiện này thường do các diễn viên chuyên nghiệp hoặc các ngôi sao biểu diễn. Chính sự biểu diễn nhiệt tình, đầy cảm xúc, không kém phần tài năng của các diễn viên khuyết tật đã tạo nên nét hấp dẫn đặc biệt, đem đến nhiều cảm xúc chân thành và tình cảm tốt đẹp cho công chúng khi xem chương trình. Nhiều khán giả tại đêm biểu diễn hoặc qua màn ảnh nhỏ đã không kìm được nước mắt xúc động và không khỏi ngỡ ngàng trước khả năng của các diễn viên khuyết tật. Hàng trăm triệu đồng ủng hộ qua đêm biểu diễn đã nói lên sự mến mộ và thương yêu của cộng đồng đối với NKT qua hoạt động đầy cảm xúc này. Một lãnh đạo thành phố đã nhận xét: "Thật bất ngờ khi NKT thành phố Đà Nẵng lại có thể trình diễn một chương trình hấp dẫn, đầy xúc động như vậy".

Sau thành công của "Những trái tim hồng", Ban Chỉ đạo Hội thi đã chọn 5 tiết mục tiêu biểu đại diện cho Đà Nẵng tham gia Hội thi Tiếng hát NKT toàn quốc khu vực miền Trung, Tây Nguyên do Trung ương Hội tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An) với sự tham gia của 11 Đoàn. Tại cuộc thi này, với những cố gắng hết mình, đoàn Đà Nẵng đã vượt qua vòng loại để tham dự chung kết hội thi tại Hà Nội. Sau khi "đua tài" cùng 10 đoàn tiêu biểu đại diện cho 3 khu vực trên toàn quốc, kết quả đã không phụ công tập luyện, dàn dựng của các anh chị em. Đoàn diễn viên NKT thành phố Đà Nẵng đã xuất sắc đạt giải Nhất toàn đoàn.

Theo đánh giá của lãnh đạo thành Hội, kết quả mà đoàn nghệ thuật NKT Đà Nẵng có được trước hết là nhờ có chủ trương đúng đắn của Trung ương Hội cùng các cơ quan phối hợp trong việc mạnh dạn tiến hành một hoạt động sáng tạo chưa có tiền lệ trong chương trình của Hội: tổ chức cuộc thi văn nghệ của NKT trên phạm vi toàn quốc. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch thành Hội khẳng định: "Thành Hội Đà Nẵng luôn nhận thức rằng nhu cầu văn nghệ của NKT cũng cần thiết như các nhu cầu về đời sống khác sức khỏe, học hành, làm việc, sinh hoạt (vật chất và tinh thần,...). Đó chính là "quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc" của con người mà Bác Hồ đã từng nhắc nhở. Vì vậy, thành Hội xác định mục tiêu tham gia cuộc thi do Trung ương Hội chủ trương là cơ hội để Hội đáp ứng một nhu cầu thiết yếu của NKT, cũng là thực hiện chức năng bảo trợ NKT của Hội. Và giải thưởng - nếu được - chỉ là sự ghi nhận những nhận thức và cố gắng đó".

Những giọt mồ hôi phía sau sân khấu

Ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, thành công mà đoàn nghệ thuật NKT Đà Nẵng đạt được cũng chính nhờ sự đóng góp của tập thể, cá nhân, cán bộ Trung tâm Văn hóa thành phố, Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở LĐ-TB&XH), Văn phòng Hội, lãnh đạo các đơn vị (Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hội người khuyết tật các quận, huyện...). Họ đã không quản những ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc gặp gỡ, trao đổi tìm những phương án tốt nhất cho chương trình, cho từng tiết mục. Sự phân công, phân cấp rõ ràng và trách nhiệm cao về chức năng, nhiệm vụ vủa mỗi thành viên Ban tổ chức đã làm cho khối công việc đồ sộ từ việc tổ chức triển khai chủ trương, phát động sự tham gia của NKT đến việc xây dựng tiết mục, dàn dựng chương trình, tổ chức tham gia thi các cấp, công tác hậu đài, phục vụ, truyền hình trực tiếp... được tiến hành nhịp nhàng, đồng bộ, suôn sẻ...

Và trong kết quả đó, không thể không nói đến sự nhiệt tình đầy xúc động của những diễn viên và những người làm nghệ thuật với NKT. Có hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả cả về tâm trí và thể lực của lao động nghệ thuật, hiểu hoàn cảnh về thể trạng và đời sống của NKT mới cảm nhận được giá trị của tiết mục mà những "đạo diễn" và "diễn viên" khuyết tật đã thể hiện trên sân khấu.

Tiết mục múa "Đêm trăng tháp cổ" của đoàn Đà Nẵng

Ví dụ như tiết mục múa "Đêm trăng tháp cổ" (ảnh) - tiết mục được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, đạt 2 Huy chương Vàng khu vực và toàn quốc. ý tưởng ban đầu của biên đạo múa Thanh Tâm chỉ dành cho 4 diễn viên. Nhưng khi tiếp xúc với các em Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thấy nguyện vọng và tài năng của các em, cô quyết định huy động 9 diễn viên để tiết mục thêm hoành tráng, huyền ảo và hấp dẫn hơn. Khi luyện tập, để bảo đảm được việc định hướng và định vị - một yêu cầu rất cơ bản trong tốp múa - cho các diễn viên khuyết tật, biên đạo múa phải hướng dẫn và uốn nắn từng cử chỉ, động tác cho các em rất công phu và kiên trì. Làm sao cho các em khiếm thính nghe được tiếng nhạc để thể hiện động tác, làm sao rèn cho các em khiếm thính liếc nhìn các em khiếm thị để thể hiện động tác của mình. Để tư thế của mỗi em phù hợp với yêu cầu diễn xuất, phải tập cho các em quan sát người hướng dẫn ở dưới sân khấu làm chuẩn cho các động tác của điệu múa... Có thể nói công sức của người hướng dẫn cũng như diễn viên thật sự rất đáng nể phục. Nếu không có sự khổ luyện, say mê và một phương pháp luyện tập tốt, rất khó mà đạt được sự uyển chuyển và nhịp nhàng đầy hấp dẫn trong điệu múa mà khán giả và ban giám khảo thấy trên sân khấu của "Đêm trăng tháp cổ".

Có rất nhiều người, kể cả những người làm công tác Hội trực tiếp chỉ đạo, theo dõi quá trình luyện tập, biểu diễn của các diễn viên NKT Đà Nẵng đã thực sự bất ngờ về sự hưởng ứng nhiệt tình và năng lực nghệ thuật thật đáng quý của NKT nói chung cũng như NKT thành phố Đà Nẵng nói riêng. Điều đó cho thấy ý nghĩa và sự tác động tích cực của Hội thi đến cộng đồng xã hội. Hội thi đã kết thúc, nhưng hình ảnh về những gương mặt rạng ngời niềm vui của các đại biểu, khán giả, đặc biệt là niềm xúc động, cảm kích của các diễn viên NKT vẫn còn lưu giữ mãi. Điều đó càng khích lệ NKT tự tin thể hiện mình trong cuộc sống và động viên Hội tiếp tục thực hiện những chương trình trợ giúp thiết thực, hiệu quả như Hội thi Tiếng hát NKT.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi