Theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, ở Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7% dân số (tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới thì con số có thể cao hơn, khoảng 10%). Riêng về tình trạng nghèo, ngày 22/2/2022, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 215/QĐ- LĐTBXH công bố kết quả rà soát hộ cận nghèo, hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn quốc, theo đó cả nước có 609.049 hộ nghèo (bằng 2,23% và 850.202 hộ cận nghèo (bằng 3,11%) tổng số hộ.
Trung ương Hội tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng sống cho người khuyết tật trong môi trường chuyển đổi số
Theo Nghị định số 27 (ngày 27/1/20210 quy định về chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, với mức chuẩn thu nhập bình quân tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/1 người/1 tháng ở nông thôn và từ 900.000 đồng lên 2 triệu đồng/1 người /1 tháng ở thành thị thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% số hộ có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ với trên 17 triệu dân). Nếu tách 2% số đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 5,77% hộ cận nghèo thì số hộ nghèo là 10,83%. Năm 2022, theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân và đặc biệt là của chính các hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chung theo chuẩn đa chiều của cả nước giảm khoảng 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Dân tộc thiểu số giảm khoảng 3%, tỷ lệ hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm khoảng 4 - 5%. Đây là kết quả hết sức tích cực, tiếp tục tạo đà cho Sự nghiêp giảm nghèo của những năm sau.
Tuy nhiên, tình trạng nghèo đối với người khuyết tật (NKT) có thể khác, vì khi chuẩn nghèo được nâng lên, số NKT rơi vào tình trạng nghèo cũng sẽ tăng lên. Chưa có một điều tra chính thức về tỷ lệ nghèo đối với NKT nhưng căn cứ vào thực tế thì tỷ lệ này sẽ có thể cao hơn tỷ lệ chung rất nhiều; bởi vì trong khoảng 6,2 triệu NKT, chỉ có 29% (1,8 triệu người) là NKT nặng và đặc biệt nặng và chỉ nhóm này mới được tính vào diện “bảo trợ xã hội” và không tính vào tỷ lệ hộ nghèo chung. Số còn lại (khoảng 4,5 triệu người) có khoảng 1,9 triệu người có việc làm ổn định và không ổn định với thu nhập đa số là rất thấp. Ngoại trừ một số ít NKT sinh ra trong những gia đình có thu nhập cao thì có thể nói tỷ lệ nghèo trong NKT là rất cao. Để góp phần khắc phục tình trạng này, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, từ chính sách của Nhà nước đến sự vào cuộc của cả xã hội, tuy nhiên căn cơ nhất vẫn là hỗ trợ để NKT có việc làm, tạo ra thu nhập tự mình thoát nghèo.
Trong điều kiện Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung đang thực hiện “Cuộc cách mạng 4.0” như hiện nay thì việc hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng thành thạo Công nghệ thông tin (cao hơn nữa là thực hiện chuyển đổi số đối với NKT) vừa là yêu cầu khách quan, vừa là con đường rất hiệu quả góp phần để NKT vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ chính lao động của mình. Thực tế đã có những tấm gương chứng minh điều đó. Như anh Nguyễn Văn Bộ (vợ là chị Nguyễn Thị Linh) ở thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), anh chị xuất thân từ những gia đình lao động bình thường, thu nhập thấp. Anh Bộ học hết lớp 12 phải nghỉ học ở nhà trợ giúp bố mẹ làm kinh tế. Năm 2002, anh chị kết hôn và mở một cửa hàng nhỏ để buôn bán. Chẳng được bao lâu, ngày 23/3/2003, trong 1 lần đi lấy hàng, anh Bộ bị tai nạn giao thông, gãy đốt sống cổ C3 C4 C5 và bị liệt 2 chân, hoàn toàn phải dựa vào xe lăn mới di chuyển được. Sau những ngày bi quan, chán nản, có lúc đã định tìm đến cái chết để giải thoát, anh Bộ dần lấy lại tinh thần, một mặt cố gắng luyện tập, mặt khác quay trở lại bán hàng. Lúc đầu, chưa có máy tính hỗ trợ, anh chị khá vất vả trong kinh doanh. Gần đây anh Bộ học cách sử dụng máy tính trong kinh doanh, lúc đầu chỉ là để theo dõi quản lý doanh thu, sử dụng hệ thống mạng nội bộ để giám sát, bảo vệ hoạt động của cửa hàng, sau dần anh đã sử dụng phần mềm bán hàng, quản lý hàng nhập, hàng bán ra, hàng tồn kho; quản lý công nợ của khách hàng, công nợ nhà cung cấp… Anh Bộ nói, sử dụng máy tính giúp quản lý kinh doanh dễ dàng hơn, tính tiền nhanh, tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức. Đặc biệt từ năm 2018, anh chị mua 540 m2 đất đầu tư xây dựng mô hình Siêu thị tiện ích với tổng vốn 5 tỷ đồng kinh doanh trên 3000 mặt hàng: vật tư nông nghiệp (phân bón, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…) , điện nước, đồ gia dụng, tạp hóa tổng hợp… Do công việc phát triển, năm 2022, anh chị xây dựng được ngôi nhà 4 tầng khang trang trị giá 3 tỷ đồng.
Trung ương Hội tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng sống cho người khuyết tật trong môi trường chuyển đổi số
Trường hợp của anh Bộ chỉ là một điển hình, một nhân chứng sinh động cho sự cần thiết và khả năng của NKT trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, những người như anh Bộ chưa phải là nhiều. Trong một Hội nghị do Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tổ chức tại Nam Định, khảo sát ngay tại Hội nghị cho thấy trong tổng số 120 NKT tham dự Hội nghị, có tới 16 người không biết chữ (lý do chủ yếu là sống phụ thuộc gia đình và gia đình, đặc biệt là cha mẹ không cho đi học với suy nghĩ “khuyết tật thế học cũng chẳng để làm gì”), chỉ có 1 người có trình độ Đại học, 14 người học hết THPT và chỉ có 6 người biết sử dụng máy vi tính. Như vậy, để hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng được công nghệ thông tin (nhất là máy tính) cần thực hiện rất nhiều nội dung, nhiều bước; từ trang bị kiến thức, hỗ trợ trang thiết bị, hướng dẫn sử dụng để phục vụ các hoạt động sinh kế, phục vụ cuộc sống.
Tin rằng, bằng phương pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin trong xã hội hiện đại, phù hợp với sức khỏe, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của NKT, sẽ góp phần không nhỏ trong việc trợ giúp NKT có “chiếc cần câu”, mang lại cho họ cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, cơ hội được làm việc và cơ hội thoát nghèo, tự tin làm chủ cuộc sống. Bởi vậy, cần lắm sự chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng.
Đỗ Mạnh Hùng
PCT Hội BT NKT& TMC Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Thừa Thiên Huế được giao tiếp nhận và trao 488 xe lăn cho người khuyết tật vận động - 23/03/2023 11:43
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh tổ chức chiến dịch truyền thông “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ khuyết tật trong việc giám sát các Luật” - 23/03/2023 11:14
- Thành hội Hà Nội: Tập huấn sử dụng và cấp phát xe lăn cho người khuyết tật huyện Thạch Thất - 23/03/2023 03:05
- Hiệu quả từ hoạt động bếp ăn miễn phí hỗ trợ người nghèo trong khám, chữa bệnh tại Vĩnh Long - 22/03/2023 09:10
- Trao học bổng từ Dự án UpRace 2022 cho học sinh khuyết tật, mồ côi và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa - 21/03/2023 10:46
Các tin khác
- Trao 25 suất học bổng cho học sinh học sinh khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn huyện Quế Võ, Bắc Ninh - 20/03/2023 11:04
- Gia đình thương hiệu Lucies Luxury trao yêu thương đến học sinh khó khăn tỉnh Thái Nguyên - 19/03/2023 10:57
- Trách nhiệm mới, phương thức mới tham gia giảm nghèo của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam - 17/03/2023 08:55
- Tỉnh Hội Hậu Giang: Trao 70 xe lăn cho người khuyết tật vận động - 16/03/2023 13:11
- Trao học bổng và hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế thành phố Hồ Chí Minh - 12/03/2023 12:48