Thứ tư, 05 Tháng 4 2017 10:08

Nhiệm kỳ IV (2012 - 2017) khép lại với những kết quả mang tính bền vững và có ý nghĩa thực tiễn cao; ghi dấu ấn quan trọng trong chặng đường 25 năm hoạt động của Hội. Với bước phát triển mạnh, toàn diện, đa dạng, hoạt động Hội nhiệm kỳ IV đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật, trẻ mồ côi. Hội đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh đặt ra trong chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2012 - 2017, góp phần vào chính sách xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội, thúc đẩy đổi mới nhận thức về công tác trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Nhiệm kỳ IV (2012 - 2017) của Hội diễn ra trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế xã hội cả nước đã được cải thiện nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Nhu cầu và xu hướng bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi Hội phải đa dạng hóa hoạt động và chuyển sang phương thức tiếp cận dựa trên quyền. Bằng sự năng động, sáng tạo, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, các tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và hội viên đã khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện nhiều chương trình đạt kết quả đáng khích lệ, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu mà Đại hội nhiệm kỳ đề ra.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tích cực vận động Qũy

Bằng sự tích cực, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã góp phần nâng cao hình ảnh, khẳng định vị thế, vai trò của Hội, tạo niềm tin cũng như thu hút  sự quan tâm, ủng hộ của các nhà tài trợ và cộng đồng dành cho công tác trợ giúp NKT, TMC. Đồng thời, thông qua các hoạt động này cũng góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá và tiếp cận vấn đề người khuyết tật, trẻ mồ côi; thừa nhận và tôn vinh năng lực của nhóm đối tượng này.

Vì vậy Hội đặc biệt quan tâm, thực hiện các chương trình nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật. Nhân các dịp kỷ niệm như Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/04, Ngày quốc tế NKT 3/12... Hội đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như: Hội thi tiếng hát người khuyết tật với chủ đề “Những trái tim khát vọng”; Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV và thứ V; Tổ chức chương trình đi bộ tại Hà Nội (11/2014) và tại TP. Hồ Chí Minh (4/2014); Tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Một trái tim - Một thế giới” hàng năm... Các tỉnh, thành Hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, hội nghị biểu dương gương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu.

4anh bai Tong ket nhiem ky V 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Chương trình đi bộ vì người khuyết tật (tháng 4/2014)

 

Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội tiếp tục phát triển trang website thành kênh thông tin quan trọng tuyên truyền hoạt động Hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT, TMC, vận động, khai thác các nguồn tài trợ cho quỹ Hội. Tạp chí Người Bảo trợ tuy có nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phối hợp thực hiện các chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền chương trình, đề án gắn với nhiệm vụ Nhà nước. Một số tỉnh, thành Hội đã xây dựng được chuyên mục, chuyên trang định kỳ tuyên truyền về NKT, TMC trên cơ quan báo chí địa phương.

Trong hoạt động thể dục, thể thao, một số tỉnh, thành đã định kỳ hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dành cho NKT; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giải thể thao NKT, lựa chọn vận động viên tham dự Giải thể thao NKT toàn quốc, bồi dưỡng vận động viên đi thi đấu quốc tế; quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần cho NKT, TMC.

Hoạt động bảo trợ hướng đến kết quả bền vững

Với nguồn lực vận động Quỹ cao đã tạo thuận lợi để Hội tổ chức thực hiện thành công 6 chương trình trọng tâm mà Đại hội IV đề ra cũng như phát triển, thực hiện nhiều chương trình khác, tham gia thực hiện nhiều phong trào thi đua mà Đảng, Nhà nước, UBTƯ MTTQVN phát động.

Trong nhiệm kỳ IV, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp, hỗ trợ hơn 8 triệu lượt NKT, TMC và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác.

Hoạt động trợ giúp về y tế: Hội đã tổ chức phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 58.900 người khiếm thị (kinh phí 116 tỷ đồng); phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng cho 8.300 NKT (kinh phí 30 tỷ đồng); mổ tim cho 2.300 người, trong đó có 80% số ca là trẻ em (kinh phí 151 tỷ đồng); khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1,3 triệu lượt người (kinh phí 117 tỷ đồng); hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 84.000 lượt người NKT, TMC và một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo (kinh phí 6,8 tỷ đồng).

Hoạt động trợ giúp về phương tiện đi lại: Tặng 51.900 xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ khác cho NKT (kinh phí 107 tỷ đồng); 18.900 xe đạp cho trẻ mồ côi, khuyết tật có khả năng sử dụng (kinh phí 26,9 tỷ đồng).

Hoạt động trợ giúp cải thiện sinh hoạt khác: Xây mới, sửa chữa 5.300 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho NKT, TMC nghèo (kinh phí 135 tỷ đồng); Hỗ trợ xây dựng 1.800 đường tiếp cận tại nhà ở của NKT và tại các trụ sở, trạm y tế, nhà văn hóa tại thôn, xã (kinh phí 2,6 tỷ đồng); Hỗ trợ xây dựng 1.100 công trình vệ sinh, hỗ trợ cải thiện 299 hệ thống nước sinh hoạt (4,3 tỷ đồng); trợ cấp thường xuyên cho 170.000 người (kinh phí 60 tỷ đồng); tặng 66.800 suất học bổng (kinh phí 50 tỷ đồng); thăm hỏi, tặng quà cho 1,5 triệu lượt người (kinh phí 202 tỷ đồng).

Hoạt động trợ giúp sinh kế, giảm nghèo: Hội đã tổ chức đào tạo nghề cho 11.800 NKT (kinh phí là 44,7 tỷ đồng), hơn 70% được tạo việc làm, có thu nhập; hỗ trợ vốn để làm kinh tế cho 3.000 người (kinh phí 5,8 tỷ đồng); hỗ trợ vật nuôi cho 4.500 hộ gia đình (kinh phí 15 tỷ đồng).

Hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới; tham gia ứng phó biến đổi khí hậu: Đến năm 2016, các tổ chức Hội đã triển khai hỗ trợ NKT, TMC tại 296 xã xây dựng nông thôn mới, với sự hỗ trợ của Nhà nước, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đóng góp của gia đình dòng họ và quỹ Hội. Đã có 36.000 lượt người hưởng lợi cùng với nhiều công trình tiếp cận cho NKT và nhiều nhu cầu sinh hoạt khác, tổng số kinh phí là: 220 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần tích cực, có hiệu quả thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

4Anh bai Tong ket nhiem ky V 2

Hội tặng bò hỗ trợ sinh kế cho gia đình NKT An Giang

Ngoài việc tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm, Trung ương Hội và Hội thành viên ở địa phương đã phát triển, thực hiện một số hoạt động khác như: tặng máy tính, dụng cụ sản xuất, cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tổ chức bếp cơm tình thương, xây trường học, xây cầu, tặng góc học tập, nuôi dưỡng, trợ giúp NKT, TMC, người già, người nghèo, trợ cấp đột xuất, hỗ trợ mai táng... với tổng số tiền là 158 tỷ đồng.

Tham gia xây dựng chính sách, tăng cường quan hệ đối ngoại, chú trọng xây dựng tổ chức Hội

Trung ương Hội đã tham gia góp ý, xây dựng, phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản pháp luật, định hướng xây dựng một số văn bản pháp luật như: Hiến pháp 2013; Luật trẻ em; Luật về Hội; Bộ luật hình sự, dân sự (sửa đổi); hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban quốc gia về NKT Việt Nam; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều văn bản khác của Chính phủ, TTCP, Bộ, ngành. Các tỉnh, thành Hội cũng tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan ở địa phương. Ngoài ra, Hội đã thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NKT, TMC, tư vấn, giải đáp các thắc mắc, yêu cầu trợ giúp qua điện thoại, văn bản, đến trực tiếp tại Hội.

Một số tỉnh, thành Hội thường xuyên triển khai công tác trợ giúp pháp lý về NKT nhằm góp phần thực hiện Đề án 1019 về nội dung này; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giám sát, đề xuất giải quyết chính sách cho NKT, TMC.

Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội tiếp tục duy trì và phát triển tốt mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng như đại sứ quán của một số nước để tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp cả về vật chất và tinh thần.

Nhận thức được vai trò vị trí của công tác tổ chức, nâng cao năng lực của đội ngũ người làm công tác Hội đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội nên Trung ương Hội và Hội thành viên ở địa phương đã quan tâm tới việc củng cố tổ chức hội cũng như nâng cao năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên của Hội.

Trong nhiệm kỳ, Hội đã thành lập và kết nạp thêm: 5 tổ chức Hội thành viên cấp tỉnh, 41 Hội cấp quận, huyện; 344 Hội cấp xã, phường; 697 chi hội, phân hội cụm dân cư; 523 hội viên tập thể; 24.117 hội viên cá nhân.

Hội đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ, nhân viên của Hội, nội dung tập huấn bám sát các chương trình hoạt động Hội và chính sách liên quan đến đối tượng.

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ IV vẫn còn một số hạn chế, khiếm khuyết cần khắc phục như: hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên, đồng đều ở các tỉnh, thành Hội; hoạt động bảo trợ theo chương trình trọng điểm của Hội đạt mức còn thấp; vấn đề sắp xếp tổ chức, bộ máy, người làm công tác Hội ở Trung ương và một số tổ chức thành viên chậm được kiện toàn, củng cố và đang có xu hướng biến động. Đây sẽ là những vấn đề đặt ra đòi hỏi hoạt động Hội trong nhiệm kỳ tiếp theo cần có biện pháp, phương thức phù hợp để mang lại hiệu quả cao hơn.

*       *      *

Kết thúc nhiệm kỳ IV (2012-2017), những người làm công tác Hội có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được khi mà các chỉ tiêu Đại hội đề ra đều đạt và vượt; số lượng đối tượng được hưởng lợi ngày càng tăng cao. Các chương trình, hoạt động của Hội với hiệu quả bền vững, thiết thực đã giúp cải thiện, nâng cao đời sống, hỗ trợ NKT, TMC hòa nhập cộng đồng. Thông qua những phong trào, hoạt động Hội phát động, tham gia và thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức và sự chia sẻ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội đối với NKT, TMC; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi