Qủa đúng như vậy, lẽ đời vô cùng giản dị, giản dị như lời của Hippocrates dặn các môn sinh: “Với bệnh tật, hãy tạo thành hai thói quen - giúp đỡ, hoặc ít nhát, không tạo thêm thương tổn”. Đối với người làm công tác bảo trợ thì việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim và tỉnh Hội Lâm Đồng đã xem việc thắp lên niềm tin hồi phục cho bệnh nhân nghèo là trách nhiệm và tình thương của mỗi Hội viên, của mỗi tổ chức cơ sở Hội. Bởi người bệnh, người khuyết tật không chỉ cần sự giúp đỡ hảo tâm mà họ cần, rất cần sự trợ giúp tiếp cận với các dịch vụ y tế, được phẫu thuật, được điều trị để hồi sinh.
Tỉnh Hội Lâm Đồng chỉ mới đi vào hoạt động được 5 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm vận động tài trợ nhưng chúng tôi đã đặt lên hàng ưu tiên việc tổ chức các chương trình hỗ trợ y tế.
5 năm qua, Quỹ Hội đã tiếp nhận ủng hộ hơn 258 tỉ đồng từ 83 nhà tài trợ trong nước, quốc tế và hàng trăm mạnh thường quân cho các chương trình hỗ trợ mà Hội thực hiện. 817 bệnh nhân nghèo đã được tài trợ 100% chi phí phẫu thuật tim; 5.760 người được phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo theo phương pháp phaco; 729 lượt trẻ em khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng; 51 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chi phí chạy thận nhân tạo hàng tháng; 517 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, trẻ bị dị tật do bỏng, bị mãng hắc tố được phẫu thuật thẩm mỹ; 2.550 người khuyết tật và bệnh nhân bị bại liệt, tai biến được tặng xe lăn, xe lắc; hơn 94.000 lượt bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi và người già neo đơn được Hội cung cấp bữa ăn dinh dưỡng miễn phí; 9.000 phụ nữ được khám tầm soát ung thư phụ khoa và nhũ khoa; 85.000 lượt người nghèo được khám bệnh, khám mắt, khám tầm soát tim mạch, điều trị các bệnh về răng miệng; 650 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật, điều trị các bệnh hiểm nghèo; gần 4.000 người có hoàn cảnh khó khăn được Hội tặng thẻ bảo hiểm y tế…
Lãnh đạo, hội viên tỉnh Hội Lâm Đồng thăm hỏi tặng quà cho bệnh nhân nghèo
Để có được sự kết nối trên, yếu tố hàng đầu là phải tạo được lòng tin đối với các nhà tài trợ bằng việc công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn tài chính; là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện một cửa, một dấu trong hồ sơ tài trợ; Việc phối hợp giữa Hội và các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh trong việc tiếp nhận viện trợ, cấp phép khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ quốc tế đến địa phương thăm và giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ cho người khuyết tật cũng là một yếu tố giúp tỉnh Hội Lâm Đồng tạo được niềm tin, thu hút các tổ chức nhân đạo và các nhà tài trợ. Đội ngũ lãnh đạo Hội, anh chị em hội viên luôn có mặt trong các chương trình để kịp thời hỗ trợ về cả nhân lực và vật chất dành cho đối tượng ở bất cứ địa điểm, thời gian nào. Tinh thần trách nhiệm đó cũng góp phần tạo niềm tin, thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Tôi vẫn nói với anh chị em Hội viên rằng: Trong mỗi con người đều có trái tim nhân ái, một khi chúng ta khơi dậy được lòng nhân ái trong họ thì ai cũng sẵn lòng đóng góp hỗ trợ. Bớt đi gói thuốc lá để bệnh nhân nghèo có thêm tô cháo thịt, bớt đi chai bia để người bệnh có được viên thuốc đặc trị, bớt đi tô phở để các cháu mồ côi có bát cơm đầy, việc đó ai cũng làm được. Với bản thân tôi, cho dù ngồi làm việc ở văn phòng hay nằm trên giường bệnh, tôi luôn nghĩ đến, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nỗi đau, sự khó khăn của các bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và các cháu mồ côi. Từ những cay đắng của bệnh tật người ta mới học được sự ngọt ngào của sức khỏe, vì thế khi có được sức khỏe, chúng ta hãy giúp đỡ cho người bệnh tật, khiếm khuyết. Việc làm của tỉnh Hội Lâm Đồng trong những năm qua cũng chỉ bởi lẽ đời giản dị như thế.
Những ngày nằm trong bệnh viện, tôi đọc được bài thơ trên mạng xã hội:
Cô gái giường số 10 đang trong cơn sốt
Dìu người đàn bà giường số 11
Đi tìm người báo suất cháo thay cơm
Cụ già giường số 13 nhường nửa trái cam
Cho chị giường bên mấy bữa rày lạt miệng
Nhà chị đông nhưng nghe đâu toàn người nhiều công chuyện
Nửa tháng rồi không ai thăm nuôi!
Họ chỉ là người dưng của nhau thôi
Khác bệnh tật nhưng chung niềm phiền muộn
Đồng cảnh ngộ, họ đồng thương, đồng cảm
Ôi lẽ đời giản dị, có chi đâu?
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch tỉnh Hội Lâm Đồng
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Phát triển hoạt động kết nối cộng đồng hỗ trợ nhu cầu đối tượng hiệu quả hơn - 07/04/2017 03:12
- Hiệu quả từ hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho người thuộc hộ cận nghèo - 07/04/2017 03:09
- Hiệu quả từ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn - 07/04/2017 03:06
- Tổng kết nhiệm kỳ IV (2012 - 2017): Bước phát triển bền vững của hoạt động Hội - 05/04/2017 03:08
- 25 Năm đồng hành cùng người khuyết tật, trẻ mồ côi - 05/04/2017 03:01
Các tin khác
- Hỗ trợ, động viên đối tượng vươn lên trong cuộc sống - 04/04/2017 04:40
- Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản góp phần giảm nghèo bền vững đối với hộ người khuyết tật - 04/04/2017 04:36
- Hỗ trợ đối tượng tiếp cận nguồn nước sạch, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu - 04/04/2017 04:34
- Xây dựng và phát triển mô hình đường tiếp cận cho người khuyết tật - 04/04/2017 04:28
- Huy động nguồn lực hỗ trợ làm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cho hộ người khuyết tật và bệnh nhân nghèo - 04/04/2017 04:25