Cuối năm 2010, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An được kiện toàn tổ chức sau nhiều năm thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Sau một năm, Quỹ Hội đã đạt 3,2 tỷ đồng và đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động trở lại, Hội đã thu hút ủng hộ Quỹ gần 75 tỷ đồng với nhiều hoạt động tuyên truyền, trợ giúp hiệu quả, được chính quyền, nhân dân và đối tượng trên địa bàn đánh giá cao. Góp phần quan trọng vào thành công đó, có vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo đầy tâm huyết, năng động - ông Nguyễn Hải Thanh – Chủ tịch tỉnh Hội
Làng quê Đan Nhiệm (huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An), quê hương của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và Lê Hồng Sơn là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, hun đúc cho ông Nguyễn Hải Thanh bao hoài bão, ước mơ. Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng với sự ham học, miệt mài trau dồi tri thức, ông đã sớm trở thành người cán bộ được dân mến, dân tin. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp Trung học quản lý kinh tế, ông Thanh được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp khi mới 23 tuổi. Trong vai trò người Chủ nhiệm, ông luôn cố gắng chọn lựa những cách làm phù hợp, đúng đắn, nắm bắt nguyện vọng, mong mỏi của xã viên để Hợp tác xã ngày càng phát triển, người dân có cuộc sống khấm khá.
Ông Nguyễn Hải Thanh trao hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.
Từ những cách làm hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển không chỉ cho Hợp tác xã, xã viên mà còn góp phần xây dựng làng quê đổi mới, ông đã được điều động giữ trọng trách Phó ban rồi Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Nam Đàn, sau đó là Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực văn hóa đời sống và tiếp tục được giao nhiệm vụ ở vị trí Phó Chủ nhiệm chuyên trách ủy ban Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh và năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
Suốt thời gian công tác, ông có dịp được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn giúp ông hiểu được tâm tư, suy nghĩ, mong mỏi của người yếu thế. Thôi công tác, người cán bộ được dân mến, dân tin ấy tiếp tục bắt nhịp với các hoạt động trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An, nỗ lực kết nối các mạnh thường quân, mang lại những điều kiện, cơ hội làm việc, sự tự tin cho đối tượng.
Ông còn nhớ, vào năm 2010, những ngày đầu ông công tác tại tỉnh Hội, mặc dù được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn không tránh khỏi những khó khăn về trụ sở làm việc, nhân sự, kinh phí hoạt động Hội... Trước những khó khăn, ông cần mẫn đi kêu gọi tài trợ, tận dụng chỗ thân quen để vận động nguồn lực, xây dựng tiêu chí hoạt động Hội như tập trung tuyên truyền, tư vấn, phối hợp thực hiện chương trình và hoạt động trợ giúp đối tượng, bên cạnh đó học hỏi kinh nghiệm hoạt động của Trung ương Hội và các tỉnh Hội bạn để đẩy mạnh hơn hoạt động tỉnh Hội.
Từ cách làm chủ động và học hỏi kinh nghiệm, trong những năm tham gia công tác Hội, ông và các cộng sự đã trợ giúp cho gần 200 nghìn lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi với số tiền gần 75 tỷ đồng, thông qua nhiều hình thức phong phú như tặng hàng nghìn xe lăn, xe đạp, học bổng, thực hiện Chương trình hỗ trợ sinh kế cho đối tượng tại 23 xã xây dựng nông thôn mới của 7 huyện, thị thành phố, hỗ trợ vốn cho trên 2.000 hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, dạy nghề và tạo việc làm cho 600 đối tượng, xây mới, sửa chữa 263 nhà tình thương, đại đoàn kết, làm 69 đường tiếp cận, 37 công trình vệ sinh, nhà tắm, nước sinh hoạt, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế... Đặc biệt năm 2016, tỉnh Hội đã vận động trên 14 tỷ đồng, trợ giúp 53 nghìn lượt người, trong đó nổi bật hỗ trợ 235 gia đình chăn nuôi trâu, bò, gần 300 người được học nghề.
Trong những năm gần đây, người Chủ tịch Hội nhiệt huyết đã nghiên cứu, học hỏi phương thức chuyển hoạt động mang tính nhân đạo sang tiếp cận quyền của người khuyết tật và trọng tâm thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, tạo việc làm với tiêu chí cho đối tượng cần câu hơn cho xâu cá. Cách làm này nhằm khơi dậy ý chí, nghị lực, khả năng lao động và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Để đẩy mạnh hoạt động toàn diện về trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi, ông hướng tới việc tập trung vận động nguồn lực, nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020.
Suốt thời gian hoạt động Hội, điều khiến ông hạnh phúc nhất khi giúp đỡ, sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn, giúp họ được thụ hưởng các chính sách xã hội. Những đóng góp, những nỗ lực vì người khuyết tật, trẻ mồ côi trong suốt 7 năm qua của ông đã được Trung ương Hội ghi nhận, trao tặng 3 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 3 Bằng khen và đặc biệt được lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh dành tặng tỉnh Hội Nghệ An - nơi ông đang làm Chủ tịch một danh hiệu cao quý - Hội hoạt động có hiệu quả, thiết thực. Danh hiệu này thực sự là món quà tinh thần vô giá khích lệ ông và các cộng sự tiếp tục cống hiến cho các hoạt động công tác xã hội
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trao 50 xe đạp cho học sinh mồ côi, học sinh nghèo - 08/05/2017 06:24
- Tình người từ những chuyến đi - 08/05/2017 04:39
- Trao tặng 140 xe đạp và 40 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, học sinh mồ côi hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị - 02/05/2017 15:21
- Đại Hội đại biểu Hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ II (2017- 2022) - 21/04/2017 06:51
- Người thắp lửa yêu thương - 10/04/2017 03:27
Các tin khác
- Phát triển hoạt động kết nối cộng đồng hỗ trợ nhu cầu đối tượng hiệu quả hơn - 07/04/2017 03:12
- Hiệu quả từ hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho người thuộc hộ cận nghèo - 07/04/2017 03:09
- Hiệu quả từ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn - 07/04/2017 03:06
- Tổng kết nhiệm kỳ IV (2012 - 2017): Bước phát triển bền vững của hoạt động Hội - 05/04/2017 03:08
- 25 Năm đồng hành cùng người khuyết tật, trẻ mồ côi - 05/04/2017 03:01