Thứ hai, 03 Tháng 4 2017 15:12

Trên cơ sở 6 chương trình hoạt động trọng tâm của Hội bảo trợ NTT-TMC Việt Nam nhiệm kỳ IV, Hội bảo trợ NKT-TMC Thái Bình đã xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hội tập trung vào 6 nội dung chủ yếu là: Công tác thông tin tuyên truyền; Hoạt động bảo trợ; Xây dựng Quỹ Hội; Dạy nghề và tạo việc làm cho NKT; Công tác tổ chức Hội; Thi đua khen thưởng. Bằng nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng với phương châm "Hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở" hoạt động của Hội thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Về hoạt động thông tin tuyên truyền, Hội đã phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan, đơn vị để tổ chức các chương trình như: Trái tim nhân ái, Hội diễn văn nghệ, thể thao; Hội thi tay nghề giỏi; Hội thi gói bánh chưng xanh; Trợ giúp pháp lý lưu động dành cho NKT-TMC; Tuyên truyền luật NKT, công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT Các hoạt động trên đã có sức lan tỏa rộng và thu hút được nguồn lực đáng kể để hỗ trợ cho NKT-TMC.

4Thai Binh kinh nghiem hoat dong

Lãnh đạo tỉnh Hội Thái Bình tiếp nhận tài trợ ủng hộ Quỹ

 

Về hoạt động bảo trợ, từ năm 2012 đến nay Hội đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, cụ thể: trên 40.000 lượt NKT-TMC được thăm hỏi tặng quà; hơn 5.000 người được khám chữa bệnh miễn phí; gần 1.500 người NKT-TMC được cấp các dụng cụ trợ giúp đi lại như xe lăn, xe lắc, xe đạp và các dụng cụ trợ giúp khác; xây mới 5 nhà tình thương cho hộ nghèo có NKT; hỗ trợ sinh kế cho gần 100 hộ nghèo có NKT ở 4 xã xây dựng nông thôn mới với số tiền và hiện vật quy ra tiền gần 20 tỷ đồng.

Công tác xây dựng Quỹ Hội, bằng các hình thức hoạt động phong phú như vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, Hội đã huy động gần 20 tỷ đồng để thăm hỏi tặng quà và hỗ trợ sinh kế cho NKT-TMC.

Hoạt động dạy nghề và tạo việc làm, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2012 đến 2016), Hội đã hoàn thành tốt các chương trình dạy nghề cho NKT của Trung ương Hội và tỉnh giao cho, liên kết dạy nghề cho NKT tại cộng đồng với các nghề may công nghiệp, tin học văn phòng, thêu ren, điện tử điện lạnh, gỗ mỹ nghệ, đan móc sợi với số tiền 1 tỷ 760 triệu đồng cho 602 học viên với tỷ lệ 65 -70% có việc làm và có thu nhập. Hiện nay ở Thái Bình có gần 100 đơn vị, cá nhân mở các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu để thu hút lao động là NKT trong đó có 10 cơ sở được Sở LĐ TB&XH cấp giấy chứng nhận là cơ sở SXKD của NKT. Có nhiều NKT trở thành ông chủ, bà chủ sở hữu số vốn hàng tỷ đồng.

Về công tác tổ chức, Hội thường xuyên kiện toàn củng cố Ban chấp hành và các chức danh lãnh đạo Hội từ tỉnh đến các huyện, nhằm đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong hoạt động.

Công tác thi đua khen thưởng, năm 2015 Hội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương khen thưởng 70 cá nhân tiêu biểu trong SXKD; tuyên dương trẻ khuyết tật, mồ côi vượt khó học giỏi vào dịp đầu năm học mới.

Bên cạnh các chương trình trên, Hội còn tổ chức một số hoạt động khác như: Hội trại "Chắp cánh yêu thương - Hè 2017" dành cho trẻ khuyết tật - mồ côi đang theo học ở các trường tiểu học và THCS trong toàn tỉnh; phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh tổ chức gặp mặt, động viên gần 100 chùa trên tổng số gần 1.000 chùa trong toàn tỉnh trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi; vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm đỡ đầu cho gần 100 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi tháng 200.000 đồng/người (thời gian từ 1 - 2 năm)...

Để có được kết quả hoạt động trên, tỉnh Hội Thái Bình đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tranh thủ sự quan tâm của Trung ương Hội, sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mở rộng các hoạt động liên kết, phối hợp; chú ý tăng cường chất lượng hoạt động của tổ chức Hội nhất là ở cơ sở; làm tốt và kịp thời công tác khen thưởng động viên. Hội cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động theo từng chuyên đề và có phân công trách nhiệm cho từng người phụ trách và có tổng kết rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tỉnh Hội đã chú trọng việc nắm tình hình NKT để tham mưu cho tỉnh, đặc biệt trong công tác đào tạo nghề để có chương trình, kế hoạch đào tạo các loại hình ngành nghề phù hợp với từng đối tượng trên cơ sở các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Ông Mai Xuân Trường - Chủ tịch tỉnh Hội Thái Bình

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi