Thứ hai, 03 Tháng 4 2017 15:03

Những hoạt động và thành tựu nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ IV vừa qua mang ý nghĩa không chỉ thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hội mà còn đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Nhà nước vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, đặc biệt là người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Từ những kết quả chung đã tổng kết, tôi muốn nhấn mạnh đến một số hoạt động mà trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Hội đã quan tâm chỉ đạo và triển khai, thể hiện vai trò của Hội trong việc gắn công tác Hội với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Theo tôi, tính chủ động và nhạy bén sáng tạo của Hội ta thể hiện tập trung ở 4 nội dung chính sau đây:

Một là, có nhiều cách và phối hợp với nhiều lực lượng xã hội tham gia vận động gây quỹ hoạt động bảo trợ. Hình ảnh nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham gia đồng hành cùng người khuyết tật trong Cuộc đi bộ "Chung bước yêu thương, Trao niềm hy vọng" tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 2014 là một biểu tượng sinh động có nhiều ý nghĩa rấ t thiết thực và tượng trưng cho hoạt động này. Chúng tôi được biết, nhiều địa phương, trong đó có Thành Hội Đà Nẵng cũng tiến hành các hoạt động gây quỹ với nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả. Điều đáng mừng là Trung ương Hội đã bước đầu tổng kết các phương thức vận động này để phổ biến cho Hội các địa phương vận dụng thực hiện.

Hai là, an sinh xã hội là một lĩnh vực vừa bức thiết vừa rộng lớn, ngày càng mở rộng và nâng cao. Tuy vậy, khi nguồn lực và điều kiện còn hạn chế và nhiều tổ chức từ thiện cùng hoạt động trên lĩnh vực này thì việc lựa chọn ưu tiên là một giải pháp tối ưu tạo ra hiệu quả. Vì vậy, trong nhiệm kỳ vừa qua, TW Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các Hội địa phương tập trung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với việc hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC rất thiết thực. Cùng với kinh phí hơn 200 triệu đồng hỗ trợ của TW Hội, thành Hội Đà Nẵng đã coi đây là một ưu tiên nên trong thời gian qua đã vận động hơn 1 tỷ đồng cho chương trình này. Có thấy niềm vui của những ngườì được thụ hưởng và sự ghi nhận của chính quyền cơ sở, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội gắn với nhiệm vụ chính trị của nhà nước, chăm lo cho người yếu thế ở từng địa phương.

Ba là, cùng với sự phát triển về nhận thức và nâng cao trách nhiệm với đối tượng bảo trợ, Hội ta cũng đã chuyển cách tiếp cận từ hỗ trợ nhân đạo từ thiện sang tiếp cận về quyền của đối tượng bảo trợ. Cách tiếp cận này không chỉ đòi hỏi sự thay đổi đơn thuần về tư duy và tình cảm mà còn là một sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện về nội dung, phương thức cũng như điều kiện thực hiện các hoạt động bảo trợ. Để hiện thực hóa cách tiếp cận dựa trên quyền, tạo chuyển biến trong tư duy, TW Hội cũng như một số tỉnh, thành Hội đã tổ chức lớp tập huấn trợ giúp pháp lý cho cán bộ Hội để cách tiếp cận này không chỉ là khái niệm mà còn có yêu cầu, nội dung và cách thức hoạt động cụ thể.

Bốn là, xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc, công tác nhân đạo từ thiện đã có một lịch sử lâu dài với nhiều kinh nghiệm phong phú. Tuy nhiên sự phát triển của cuộc sống - xã hội, công tác này không thể dừng lại ở đó. Hoạt động nhân đạo từ thiện ngày càng phát triển, mang tính chuyên nghiệp và đang dần trở thành một nghề: nghề công tác xã hội. Trong khi đó, do đang ở thời kỳ chuyển đổi và do bối cảnh lịch sử cụ thể nên đại bộ phận - nếu không nói có nơi là tất cả - nhân sự làm công tác này hầu hết là những người cao tuổi về hưu, có thế mạnh là tâm huyết, trách nhiệm, nhiều kinh nghiệm và lợi thế về uy tín và quan hệ nhưng có những hạn chế nhất định về nghiệp vụ công tác xã hội và sức khỏe. Nhận thấy được đặc điểm đó, nhiệm kỳ qua, TW Hội đã rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, thành Hội. Có thể nói đó là một nét nổi bật trong hoạt động của Hội và tạo nên tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động của Hội.

Để tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa hiệu quả những kinh nghiệm và bài học trên, tôi xin kiến nghị:

Thứ nhất, việc trang bị kiến thức nghiệp vụ và hệ thống luật pháp liên quan là yêu cầu hàng đầu và thường xuyên trong công tác xây dựng Hội. Đồng thời Hội cũng cần xác định trách nhiệm tham gia xây dựng giám sát, phản biện các chính sách, Luật liên quan, đặc biệt là Luật về người khuyết tật và Luật nuôi con nuôi để tiếp tục đưa Luật vào cuộc sống.

Thứ hai, công tác vận động Quỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khách quan, TW Hội nên quan tâm nghiên cứu để có giải pháp xử lý phù hợp. Hội cần góp tiếng nói thúc đẩy nhanh hơn việc ra đời của Luật về Hội; làm việc với các cơ quan Nhà nước về việc xác định chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức hoạt động nhân đạo để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo đối tượng, trùng lắp chức năng nhiệm vụ.

Thứ ba, để hoạt động Hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước, cần làm rõ nhận thức và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp ở cả hai phía. Về bản hất, hoạt động của Hội từ khi thành lập đến nay không ngoài các yêu cầu và nhiệm vụ của Nhà nước, tuy nhiên để làm tốt hơn yêu cầu này, cần tiếp cận ở góc độ luật pháp và hoạt động thực tiễn. Chỉ có trên cơ sở luật pháp và những cơ chế cụ thể thì việc gắn hoạt động với nhiệm vụ của Nhà nước, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội mới mang tính khả thi và có hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Thành Hội Đà Nẵng

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE nhiệm kỳ IV , mục tiêu , nhiệm vụ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi