Hỗ trợ người khuyết tật cải thiện cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng không chỉ là mục tiêu, trách nhiệm của các tổ chức vì người khuyết tật và của người khuyết tật mà còn là của toàn cộng đồng xã hội. Để làm tốt công tác này, việc lắng nghe ý kiến của những “người trong cuộc” để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của họ là cơ sở để có được phương pháp hỗ trợ thích hợp - Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nha, NKT vận động bẩm sinh, hiện đang là thư ký của Hội NKT tỉnh Hải Dương.
Trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, nhờ có Luật NKT, các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… nên đời sống vật chất, tinh thần của NKT đã có những đổi thay đáng kể. Các tổ chức của và vì người khuyết tật với những chương trình, hoạt động của mình đã thực sự tác động, thay đổi nhận thức xã hội, từ đó thu hút mạnh mẽ sự ủng hộ, tham gia hỗ trợ của cộng đồng cho công tác trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng. Đó là nguồn động viên lớn lao, giúp NKT chúng tôi phấn khởi, tự tin hơn bởi thấy mình đã và đang được xã hội quan tâm, ghi nhận.
Do bị khiếm khuyết về cơ thể nên đa số NKT bị hạn chế về năng lực, sở trường, nhận thức nên việc tiếp cận học tập, học nghề và tạo việc làm càng khó khăn. Hầu hết, chúng tôi sống đều phải dựa vào gia đình, sự cưu mang của xã hội. Ngay cả những người làm công tác Hội NKT như chúng tôi cũng chưa được hỗ trợ kinh phí để hoạt động nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Bởi vậy, việc bảo trợ của nhà nước, các tổ chức xã hôi, sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội, những mạnh thường quân những người có tấm lòng vàng đối với những người yếu thế, trong đó có NKT rất cần thiết. Nếu được tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi thì chắc chắn NKT cũng có thể làm được mọi việc người không khuyết tật đang làm, bởi chúng tôi chỉ bị khuyết về thể lực chứ không khuyết về năng lực.
Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi hướng đến việc bảo vệ, chăm sóc NKT, TMC đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật. Đây là cơ hội thuận lợi cho NKT vươn lên chính mình và vơi dần đi mặc cảm với xã hội. Hội chính là mái nhà chung cho chúng tôi được giao lưu, học hỏi, là cầu nối giúp chúng tôi hoà nhập cộng đồng.
Qua thực tế làm công tác trợ giúp NKT của bản thân mình, tôi nhận thấy nhà nước tuy đã có chính sách quan tâm đến NKT nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa có hướng dẫn thật cụ thể, rõ ràng. Ví dụ như những quy định về cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với NKT không thuộc hộ nghèo theo Nghị định số 136/NĐ-CP của Chính phủ, hoặc chưa bổ sung các quy định về xác định mức độ khuyết tật đối với người mắc bệnh thần kinh, tâm thần, người mắc bệnh hiểm nghèo ung thư, suy thận mãn tính, tim bẩm sinh… Với thực tế như vậy, hiện nay, còn không ít những NKT chưa được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của nhà nước, vì vậy, điều kiện sống của họ rất khó khăn.
Làm sao xoá bỏ những rào cản, không chỉ là những rào cản về vật chất và điều kiện tiếp cận trong sinh hoạt đời sống thường ngày, mà còn là những rào cản về tinh thần, về định kiến xã hội cũng như của chính thân nhân, gia đình của NKT đối với vấn đề khuyết tật và khả năng của NKT. Làm sao để NKT được mọi người, mọi giới trong cộng đồng xã hội được đối xử bình đẳng, được tiếp cận mọi cơ hội trong cuộc sống một cách công bằng, trong sự quan tâm hỗ trợ đầy trách nhiệm và thiện tâm là vấn đề mà chúng tôi quan tâm.
Một trong những cách giúp NKT thiết thực và hiệu quả nhất vẫn là nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội và của chính NKT về vấn đề khuyết tật. Bởi khi khi nhận thức đã được rõ ràng, không còn ngộ nhận, thì tự nhiên cả cộng đồng cũng như chính NKT cùng những người thân, sẽ tìm ra cách phù hợp nhất để giải quyết những mong đợi vẫn còn tồn tại về vấn đề khuyết tật.
Để giúp NKT được cải thiện về sức khoẻ và cuộc sống, tạo điều kiện để họ vươn lên hoà nhập cộng đồng, theo tôi, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật NKT, các nghị định, quyết định, hướng dẫn của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan đến chế độ của NKT và tổ chức thực hiện tốt các văn bản đó, tạo điều kiện cho NKT ngày càng được trợ giúp nhiều hơn về vật chất, tinh thần, giúp họ vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Đối với các tổ chức Hội NKT cấp tỉnh, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động. Hiện nay,các Hội này đều phải tự trang trải kinh phí hoạt động nên gặp rất nhiều khó khăn. Đối với NKT đang hoạt động chuyên trách ở các tổ chức của NKT cấp tỉnh và cấp huyện, đề nghị Nhà nước cũng nên hỗ trợ một phần kinh phí tạo điều kiện để họ yên tâm công tác và cống hiến cho hoạt động xã hội, nhân đạo. Đối với cộng đồng xã hội, chúng tôi mong mọi người hãy mở rộng lòng nhân ái, xoá bỏ sự phân biệt, kỳ thị với NKT. Đối với bản thân NKT, mỗi người hãy cố gắng khắc phục khó khăn về sức khoẻ, bệnh tật, xác định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân mình, tích cực vươn lên hoà nhập cộng đồng, phấn đấu trở thành người có ích nhiều hơn trong xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Mong muốn, quyết tâm của các tỉnh, thành Hội mới thành lập - 02/02/2016 11:19
- Nhộn nhịp những phiên chợ Tết vùng cao - 01/02/2016 10:01
- Đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/5/2016 - 29/01/2016 04:02
- Tham luận của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại Đại hội Đảng lần thứ XII - 27/01/2016 05:12
- Bảo đảm mọi người dân đều có Tết - 27/01/2016 05:05
Các tin khác
- Dự án chăm sóc y tế và đào tạo phục hồi chức năng cho NKT Việt Nam của USAID - 20/01/2016 05:34
- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Mùa xuân cho em” lần thứ 9 - 18/01/2016 05:49
- Sử dụng lao động cao tuổi làm việc nặng nhọc phải theo điều kiện nghiêm ngặt - 15/01/2016 10:03
- Đề xuất chính sách hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp - 15/01/2016 09:59
- Đảm bảo hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động - 12/01/2016 08:50