Từ một chàng trai khoẻ mạnh, tương lai sáng lạn, là trụ cột kinh tế trong gia đình, chỉ một phút sơ sẩy trong quá trình làm việc đã khiến anh vĩnh viễn trở thành người khuyết tật. Không chỉ là cú sốc lớn, tai nạn còn ảnh hưởng lâu dài đến thể chất, tinh thần của anh. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, với quyết tâm “tàn nhưng không phế” anh đã “làm lại từ đầu” và gặt hái được những thành công nhất định.
Năm 19 tuổi, anh Nguyễn Vũ Hội tình nguyện nhập ngũ. Suốt 9 năm quân ngũ, anh phục vụ tại Cục Hậu cần, Quân đoàn 2. Đầu năm 1990, anh chuyển ngành, làm lái xe tại Xí nghiệp Khai thác than Hà Ráng (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Lái xe ở vùng đất mỏ được mấy tháng thì một tai nạn kinh hoàng ập tới. “Đó là vào ngày 10-7-1990, khi tôi đang sửa xe ô tô cho xí nghiệp than thì bị sập kích, toàn bộ phần khung sau xe đè xuống quá nửa cơ thể, từ bụng tới chân. Tôi được anh em giải thoát và đưa đi cấp cứu kịp thời nên mới giữ được tính mạng…”, anh Hội bồi hồi nhớ lại.
Tuy giữ được mạng sống, nhưng vụ tai nạn đó đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của anh và để lại nỗi đau khổ, day dứt cho anh trong một khoảng thời gian dài. Theo chẩn đoán, anh bị gãy đốt sống D6-D7, liệt tủy, teo hoàn toàn hai chi dưới, mất 95% sức lao động. Để có thể đi lại, di chuyển, anh phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn.
Đau đớn về thể xác cũng dần qua đi, nhưng nỗi đau về tinh thần, sự mặc cảm cứ đeo bám anh. Nhiều đêm nằm thức trắng nghĩ về hoàn cảnh của mình với nỗi tuyệt vọng, bi quan đến cùng cực, thậm chí có lúc anh đã nghĩ đến cái chết để giải thoát. Nhưng rồi khát vọng được sống và làm việc đã giúp anh vượt lên tất cả.
Với bản tính nhanh nhạy, luôn biết nắm bắt cơ hội, tình hình thị trường, anh đã có những thay đổi chính xác trong việc kinh doanh, làm ăn. Từ việc bán đồ điện tử cũ, chở vật liệu xây dựng, mở xưởng làm tóc giả xuất khẩu… Năm 2009, anh thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Anh Phương, chuyên cung cấp vật tư xây dựng, làm tóc giả xuất khẩu. Cũng năm 2009, anh còn lập một xưởng may thủ công, sau này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người bị thương tật nhẹ, được chăm sóc ở Trung tâm Người khuyết tật tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, đã được giới thiệu vào làm tại xưởng may của anh. Những công việc nhẹ như may, vá, thùa khuy, cắt chỉ… đã giúp nhiều người khuyết tật có thu nhập khá ổn định, sống ý nghĩa hơn. Hiện nay Công ty của anh đang tạo việc làm cho 45 người, mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Thấu hiểu hơn ai hết những mất mát to lớn khi làm việc trong một môi trường thiếu an toàn. Vì vậy, với mỗi lao động làm việc tại công ty, anh Hội luôn chủ động thông tin, tuyên truyền, giáo dục họ về công tác an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Anh thậm chí còn lấy bản thân mình ra để cảnh báo họ về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra khi để mất an toàn lao động.
Anh Nguyễn Vũ Hội chia sẻ “Tuy công việc tại xưởng làm tóc giả không tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động nhưng nguy cơ về cháy nổ, chập điện vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, vợ chồng tôi trong mỗi lần kiểm tra nhà xưởng đều phải nhắc nhở công nhân thu dọn sạch sẽ, sắp xếp nguyên phụ liệu gọn gàng, ngăn nắp, tắt thiết bị điện và ngắt cầu dao trước khi ra về. Nhiều khi chỉ đơn giản là đeo khẩu trang, lái xe phải thắt dây an toàn, nhưng mình nhắc nhở thường xuyên, kiểm tra chặt chẽ thì công nhân họ sẽ nhớ và làm theo. Nhờ đó, gần 15 năm hoạt động, Công ty chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào”.
Cũng theo anh Hội, những người khuyết tật nói chung và người khuyết tật do tai nạn lao động nói riêng đều mong muốn được hòa nhập, tái hoà nhập với cộng đồng. Việc làm chính là cầu nối tốt nhất để giúp họ hòa nhập. “Tôi mong các anh chị, các bạn, các em, các cháu… cùng cảnh ngộ hãy luôn giữ vững niềm tin và đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Nếu người khuyết tật nào còn khả năng lao động mà chưa tìm được việc làm thì có thể liên lạc với tôi, trong khả năng của mình tôi sẽ hết lòng giúp đỡ”.
Với những nỗ lực, cố gắng trong công việc, cuộc sống và giúp đỡ những người đồng cảnh, tháng 4 vừa qua anh Nguyễn Vũ Hội đã vinh dự là một trong 48 doanh nhân tiêu biểu tham dự chương trình Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh là người khuyết tật do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức.
Tin mới
Các tin khác
- Ông Lương Văn Tự: Sự đồng điệu giữa tâm hồn một chính khách và nhà thơ - 20/07/2018 04:00
- Người phụ nữ 25 năm âm thầm làm từ thiện - 18/07/2018 08:57
- Giám đốc thương binh đưa y học cổ truyền vươn tầm quốc tế - 18/07/2018 03:07
- Hoà thượng Thích Thanh Nhã: Nỗ lực vì sự nghiệp Phật môn và mang đến phước lành cho người yếu thê - 05/07/2018 08:17
- Tấm lòng “hành đạo” của vị trụ trì - 13/04/2018 07:45