Là một nhà chính trị, ngoại giao, một chuyên gia kinh tế, ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại chính phủ, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, Trưởng đoàn đàm phán cộng đồng kinh tế ASEAN còn được biết đến là một thi sĩ với 6 tập thơ đã được xuất bản. Cũng bởi thế, trong câu chuyện về những vấn đề kinh tế của đất nước của ông luôn đan xen vào những vần thơ, điệu nhạc đã giúp ông thư thái tâm hồn, giải tỏa căng thẳng trong mỗi chuyến đi, mỗi cuộc đàm phán, ký kết.
Sắc sảo, bao quát khi nhận định về vấn đề kinh tế
Tháng 01 năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ chỗ bị bao vây, cấm vận kinh tế, nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước”, chúng ta đã tham gia vào hầu hết các thiết chế toàn cầu. Gần đây nhất, ngày 18/3/2018 Việt Nam lại ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo ông Lương Văn Tự, so với WTO thì CPTPP có quy mô nhỏ hơn, nhưng mức độ cam kết cao hơn, mở rộng hội nhập sâu hơn và có nhiều nội dung mới. Nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hoá, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, … mà còn xử lý những vấn đề mới như lao động (đề cao vai trò của Công đoàn), môi trường, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử… CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hoá.. Đây được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh chính trị, đối ngoại, kinh tế…
Là người đã theo dõi tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam từ những năm đầu tiên hội nhập và phát triển đồng thời cũng là người có đóng góp công sức không nhỏ cho sự thành công của quá trình đàm phán, ký kết hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và đặc biệt là Hiệp định thương mại toàn cầu WTO, khi được hỏi về tầm quan trọng của các Hiệp định kinh tế này, ông Lương Văn Tự đánh giá: Mỗi một Hiệp định có một giá trị lịch sử khác nhau. Không cái nào quan trọng hơn cái nào. Ví dụ như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết năm 2001 là mở màn cho quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ về thương mại, nhưng BTA không bỏ được cấm vận thương mại, thời hạn Hiệp định chỉ kéo dài 3 năm. Đến khi Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ phải trao quyền thương mại vĩnh viễn cho Việt Nam. Sân chơi của WTO là sân chơi toàn cầu, còn sân chơi của CPTPP điều kiện cao hơn, mức độ cam kết cao hơn, mở rộng hội nhập sâu hơn nhưng quy mô chỉ giới hạn ở 11 nước thành viên.
Với CPTPP, cơ hội và thách thức rất rõ ràng. Chúng ta có thêm thị trường, từ đó cũng sẽ buộc mình phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Hệ thống luật pháp sẽ dần hoàn thiện hơn, đầu tư nước ngoài tăng. Nếu trước đây chúng ta bị hạn chế nhiều thì với CPTPP, người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam được tự do đi lại hơn, tự do đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả các Hiệp định tự do mở chỉ tạo ra cơ hội, còn cơ hội đó giải quyết được không là do Chính phủ và doanh nghiệp, có biết chớp cơ hội và tận dụng nó hay không?
Nồng nàn với thơ ca
Người ta bảo người làm kinh tế thường khô khan, nhưng với ông Lương Văn Tự lại hoàn toàn ngược lại. Ông không chỉ sắc sảo, linh hoạt trong các cuộc đàm phán, chuẩn xác, bao quát các vấn đề kinh tế, ngắn gọn, súc tích trong các bài báo mà còn rất ngọt ngào, lãng mạn qua các bài thơ, là cảm xúc ùa về sau mỗi chuyến đi, mỗi sự kiện kinh tế, ngoại giao hay mỗi lần bắt gặp những khung cảnh hữu tình: “Nắng vàng tắt gió heo may/Ngũ sắc vẫn nở lạ thay hoa trời/Sáng ra màu trắng nụ cười/Trưa về tím Huế gửi người thủy chung/Chiều tà màu chuyển ngọc hồng/Ngày thu đọng lại nỗi mong, nỗi chờ”(Chiều thu)
Là người yêu thơ, giàu cảm xúc nên bất kể lúc nào cảm xúc dâng trào là ông Tự đều có thể sáng tác. Đó có thể là một buổi sáng đẹp trời bên mặt hồ gió hiu hiu thổi: “Sáng ra ngắm lá cây vườn/ Viết vài câu gửi người thương chưa về!”, là kỷ niệm, dấu ấn khi ông đặt chân đến một vùng đất mới, khi vừa kết thúc một cuộc đàm phán căng thẳng, đôi khi là nỗi khắc khoải nhớ nhà, nhớ quê hương sau những tháng ngày dài trên đất khách, đấu trí với hằng hà sa con số, câu hỏi, chất vấn của đối tác. “Cây xanh trút lá cây đau/ Chờ nhau mỏi mắt đông sầu sắp sang” (Hoa trái mùa), “40 năm sôi động/ Văn Miếu hồn thiêng/ Chứng giám một bên/ Đầy tình Việt – Bỉ” (Việt Bỉ)
Những vần thơ của ông không mỹ miều nhưng vẫn có sức lôi cuốn kỳ lạ, nhiều bài đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và được công chúng biết đến như Tổ quốc tôi, Một thoáng Tây Nguyên, Sông Thêm – Sông Vân, Lăng Cô, Tràng An tiên cảnh, Tình xuân, yêu em…
Vừa để thỏa “cơn yêu thơ, thèm thơ” vừa để đáp ứng sự nhiệt tình của bạn bè, gia đình và nỗi lòng mong mỏi muốn gửi gắm tâm tình của mình cho mọi người… đến nay, ông đã cho ra đời 6 tập thơ: Thơ và tôi (tập 1, 2) Xuân hội nhập, Thơ hoa (xuất bản năm 2016, 2016, 2017). Dù được sáng tác ở những thời điểm khác nhau nhưng điểm chung nhất trong thơ của ông Lương Văn Tự vẫn là những lời trữ tình mộc mạc, trong sáng, giản dị và mênh mông, đủ cho ta thấy “một người đàn ông yêu thương con người và trân trọng cuộc đời này hơn bất kỳ ai hết”.
Tin mới
- Nghị lực từ những bức tranh vẽ bằng chân của Tây - 06/06/2019 03:17
- Cậu học trò nghị lực - 06/05/2019 03:04
- Hành trình phi thường của cô nữ sinh không tay - 26/02/2019 05:41
- Nam sinh lớp 7 giành 15 huy chương vàng Toán - 05/10/2018 06:19
- Quyết tâm “làm lại từ đầu” của ông chủ khuyết tật - 23/07/2018 07:12
Các tin khác
- Người phụ nữ 25 năm âm thầm làm từ thiện - 18/07/2018 08:57
- Giám đốc thương binh đưa y học cổ truyền vươn tầm quốc tế - 18/07/2018 03:07
- Hoà thượng Thích Thanh Nhã: Nỗ lực vì sự nghiệp Phật môn và mang đến phước lành cho người yếu thê - 05/07/2018 08:17
- Tấm lòng “hành đạo” của vị trụ trì - 13/04/2018 07:45
- Bài học từ nghị lực tuyệt vời và trái tim nhân hậu - 30/03/2018 03:06