Năng động, hoạt bát và sống rất có tình - đó là nhận xét của các hội viên Hội người mù thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) về nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Không bi lụy, tự ti trước định mệnh cuộc đời, ngược lại Nhung luôn nỗ lực khẳng định mình và trở thành chỗ dựa cho người đồng cảnh.
Không buông xuôi số phận
Được sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm, nhưng mới tròn 4 tháng tuổi, đôi mắt của cô bé Nguyễn Thị Tuyết Nhung dần chìm vào bóng đêm. Sự xuất hiện của căn bệnh nhiễm trùng mắt quá đỗi đột ngột, khiến ba mẹ Nhung hoang mang, lo lắng. Trước hoàn cảnh khó khăn, nguồn thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông chờ từ vài sào ruộng khoán và chăn thêm đàn gà, con heo nhưng Nhung vẫn được ba mẹ đưa đi khám chữa ở khắp các bệnh viện trong tỉnh đến Bệnh viện Mắt trung ương. Tiêu tốn bao tiền bạc, thời gian nhưng niềm hy vọng cứu vãn bệnh tình cho Nhung vẫn không mang lại kết quả như mong đợi. Nhìn cô con gái bé bỏng lớn lên từng ngày trong màn đêm cuộc sống, càng khiến ba mẹ Nhung thêm xót xa.
Cũng như các bạn đồng trang lứa, Nhung mong lắm được cắp sách tới trường nhưng vì ngày đó, nơi Nhung ở không có trường dành riêng cho trẻ khiếm thị, còn một số ngôi trường công lập chỉ tiếp nhận học sinh sáng mắt, bởi thế ước mơ đến lớp học chữ, làm tính đành gác lại. Tuy vậy, qua những lần nghe chị đọc bài và được chị hướng dẫn học, Nhung đã nhớ hết bảng chữ cái và làm được các phép tính nhẩm đơn giản.
Nhung chia sẻ: “Mãi đến năm tôi lên tuổi 11, ba mẹ xin được cho tôi vào học tại Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị thành phố Hồ Chí Minh. Hồi đó, tôi vui lắm vì biết mình được đi học. Những ngày đầu xa tổ ấm thân thương, nỗi nhớ ba mẹ và sự lạ lẫm khi sống trong một môi trường mới khiến tôi có ý định bỏ cuộc. Nhờ sự đùm bọc, khích lệ của các thầy cô và bè bạn, tôi đã vững tâm hơn”.
Bằng sự cần cù, siêng năng, sáng dạ trong học tập đã giúp Nhung đạt được kết quả học sinh giỏi nhiều năm liền và luôn đứng trong tốp dẫn đầu của lớp. Qua thời gian dài sống xa gia đình, được tham gia các lớp học kỹ năng sống do nhà trường tổ chức, Nhung trưởng thành hơn rất nhiều, là tấm gương sáng về học tập và nghị lực chiến thắng số phận.
Dạy nghề và tạo việc làm cho người đồng cảnh
Hoàn thành chương trình học phổ thông, Nhung trở về quê hương sum vầy bên gia đình. Trong một lần gặp lại người bạn thân, Nhung được biết ngay tại huyện nhà có tổ chức Hội dành cho người khiếm thị nên đã viết đơn xin tham gia sinh hoạt. Với sự năng động, khả năng ăn nói lưu loát và nhiệt tình trong các hoạt động của Hội nên chỉ sau một thời gian ngắn, Nhung đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch và hiện nay đang gánh vác trọng trách Chủ tịch Hội người mù thành phố Cao Lãnh.
Không bằng lòng với những kiến thức thu nhận được từ khi theo học tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa mong muốn làm tốt vai trò của một cán bộ Hội, Nhung quyết định đi học thêm tin học và các kỹ năng mềm để bổ trợ cho công việc.
Nhung cùng các hội viên trong một buổi sinh hoạt (người thứ 4 nhìn từ phải sang)
Có được vốn kiến thức tin học và tấm chứng chỉ loại khá sau khóa học, Nhung chịu khó mày mò vận dụng kiến thức vào công việc của mình như tự soạn thảo các công văn, chương trình, kết nối và tìm hiểu các phương pháp tổ chức hoạt động Hội hiệu quả với các tỉnh, thành, huyện hội qua mạng Internet... Sau khi sử dụng thành thạo tin học, nữ cán bộ Hội đã nhiệt tình hướng dẫn hội viên làm quen với tin học qua phần mềm dành riêng cho người khiếm thị.
Sự thành công đã vượt quá mong đợi của Nhung, bởi có một số hội viên đã tìm được niềm vui sống khi có thể giao lưu, kết bạn và chia sẻ suy nghĩ, tâm tư qua các diễn đàn dành cho người khuyết tật, một số khác đã đăng ký tham gia các lớp tin học tại một số Trung tâm dạy nghề để nâng cao kiến thức, trình độ.
Không chỉ dành sự quan tâm, động viên và thăm hỏi hội viên vào các dịp lễ, Tết, Nhung luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm cách hỗ trợ thiết thực nhất cho các hội viên, bởi hiện nay số đông hội viên đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình và nguồn trợ cấp của xã hội.
Theo Nhung, cách giúp đỡ tốt nhất để các hội viên vơi bớt mặc cảm và có thể tự lập cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, đó là tổ chức các lớp dạy nghề và tạo việc làm cho họ. Xuất phát từ ý tưởng đó, nữ cán bộ hội nhiệt huyết ấy đã tổ chức khai giảng gần chục lớp dạy nghề làm hương, tăm, hoa lụa và mở thêm lớp dạy chữ Braille. Các hội viên được tham gia lớp học đều rất phấn khởi, chịu khó học hỏi tích lũy kinh nghiệm để sớm tự lập cuộc sống, vơi bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Với vai trò Chủ tịch Hội, Nhung luôn tìm cách kêu gọi các cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hội viên sau khi hoàn thành khóa học, còn những trường hợp chưa đạt yêu cầu sẽ được tạo điều kiện tiếp tục học thêm, nâng cao tay nghề. Nhung mừng lắm vì hiện nay một số hội viên có tay nghề khá, giỏi đều có việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Nữ cán bộ Hội hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm kinh phí mở rộng xưởng học nghề, mua sắm trang thiết bị để vừa đào tạo, vừa tổ chức sản xuất, giúp hội viên cải thiện đời sống.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam : Triển khai công tác dạy nghề cho người khuyết tật năm 2015 - 29/06/2015 02:18
- Trung ương Hội: Tập huấn và trao 550 xe lăn cho người khuyết tật - 26/06/2015 03:45
- Tỉnh Hội Thái Bình: Tích cực góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nghệ thuật cho người khuyết tật - 03/06/2015 05:29
- Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2015 – “Lắng nghe trẻ em nói” - 02/06/2015 06:10
- Lãnh đạo Trung Ương Hội chúc mừng Giáo hội Phật mùa Phật đản 2015 - 28/05/2015 10:05
Các tin khác
- Tỉnh Hội An Giang: Xây mới, sửa chữa 70 nhà tình thương - 22/05/2015 03:34
- Tỉnh Hội bắc Kạn: Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ nhất 2015 - 22/05/2015 02:31
- Việc làm thiện tâm của một Đại đức - 21/05/2015 07:10
- Vì nụ cười của người khuyết tật - 21/05/2015 06:59
- Hội người khuyết tật Hà Nội với công tác giải ngân vốn vay cho người khuyết tật - 21/05/2015 06:50