Thứ năm, 21 Tháng 5 2015 13:59

Để động viên, khích lệ các đối tượng trong tỉnh tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, hưởng ứng chương trình “Nụ cười Hạ Long” do tỉnh Quảng Ninh phát động, vừa qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cho 30 người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh đi tham quan Vịnh Hạ Long. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Hội mà còn khơi dậy trách nhiệm, sự chung tay của nhiều tổ chức, đơn vị khác trong tỉnh. Tất cả vì quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Huy Quân, Phó Chủ tịch tỉnh Hội về hoạt động này.

 

Phóng viên: Thưa ông, lý do nào khiến Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh tổ chức chuyến tham quan vịnh Hạ Long cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh?

 

Ông Nguyễn Huy Quân: Vịnh Hạ Long - kỳ quan hùng vĩ và thơ mộng được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962, được tổ chức UNESCO 2 lần công nhận là Di sản thế giới. Để quảng bá thương hiệu Vịnh Hạ Long đến với khách du lịch trong và ngoài nước và xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ninh thân thiện, mến khách, tỉnh Quảng Ninh đã phát động chương trình “Nụ cười Hạ Long”.

Vịnh Hạ Long nổi tiếng và hấp dẫn là vậy mà nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh chưa một lần được chiêm ngưỡng, được đắm mình trong kỳ quan kỳ ảo ở ngay quê hương mình đó là điều rất đáng tiếc. Hiểu được tâm lý đó, ý thức được chức năng của Hội không chỉ bảo trợ, chăm sóc nhóm đối tượng này về vật chất mà cả tinh thần, với mong muốn giúp người khuyết tật có thêm nghị lực và bản lĩnh để phấn đấu vươn lên, Thường trực tỉnh Hội đã họp bàn và thống nhất tổ chức chuyến tham quan cho 30 đối tượng, trong đó có 5 cháu mồ côi, còn lại là người khuyết tật vận động thuộc nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Anh dien dan11

Đoàn tham quan người khuyết tật giao lưu trên tàu du lịch

 

Phóng viên: Để tổ chức một chuyến du lịch cho người khuyết tật trên bộ đã rất vất vả, đây lại là chuyến đi lênh đênh trên biển, yếu tố an toàn hẳn là điều đầu tiên tỉnh Hội quan tâm?

 

Ông Nguyễn Huy Quân: Việc thăm quan Vịnh Hạ Long bình thường tổ chức cho người lành cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì phải lên xuống tàu. Trong khi người khuyết tật tham gia đợt này chủ yếu ngồi xe lăn, chống nạng, đi lại không thuận tiện, có người chưa quen với sóng biển… Vậy nên ban đầu đưa vấn đề ra bàn, mọi người đều ngần ngại. Nhưng để thỏa nỗi khát khao của nhiều đối tượng, chúng tôi vẫn quyết định tổ chức.

Để đảm bảo an toàn cho đoàn người khuyết tật, trẻ mồ côi tham quan vịnh, ngoài cán bộ của văn phòng tỉnh Hội, chúng tôi huy động thêm hơn 20 người phục vụ thuộc nhiều lực lượng khác nhau. Từ thanh niên tình nguyện, cán bộ y tế, thủy thủ, thuyền viên tàu VICTORY 08- QN5968, cán bộ, nhân viên cảng tàu du lịch, cảnh sát giao thông... Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, tâm huyết, trách nhiệm của mỗi cán bộ mà chuyến đi đã thành công tốt đẹp, vấn đề an toàn được đảm bảo tuyệt đối.

 

Phóng viên: Có thể nói, chương trình tham quan vịnh cho người khuyết tật mà tỉnh Hội tổ chức không chỉ thành công về vấn đề an toàn mà còn huy động được sự tham gia của rất nhiều đơn vị. Làm thế nào để tỉnh Hội có thể huy động được lực lượng này thưa ông?

 

Ông Nguyễn Huy Quân: Tổ chức một chuyến du lịch cho người khuyết tật quả thực có rất nhiều việc, cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện nguồn lực của Hội có hạn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, với tấm lòng hảo tâm, gắn bó với Hội trong nhiều năm, các đơn vị khi được Hội đặt vấn đề đều sốt sắng nhận lời, không chỉ ủng hộ về vật chất, nhân lực mà còn trực tiếp tham gia hỗ trợ đối tượng trong quá trình thăm quan.

Như Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, ủng hộ vé cho đoàn và còn cử hướng dẫn viên giỏi đi phục vụ; Công ty TNHH Vận tải khách Bài Thơ và trực tiếp là bà Vũ Thị Bích Hồng - Phó Giám đốc Công ty tài trợ tàu làm phương tiện tham quan, nước uống, hoa quả và một số dịch vụ khác; Trung tâm điều dưỡng người có công, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hỗ trợ ăn trưa, phương tiện di chuyển trên bộ, cử 10 thanh niên tình nguyện, 2 cán bộ y tế đi theo phục vụ đoàn; lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hạ Long khi được lãnh đạo Hội đặt vấn đề đã nhận lời sẵn sàng làm nhiệm vụ an ninh trên bộ để đoàn tham quan được an toàn.

Phóng viên: Theo đánh giá của tỉnh Hội, chuyến đi có ý nghĩa như thế nào đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh?

Ông Nguyễn Huy Quân: Từ trước đến nay, Hội cũng chưa lần nào tổ chức được một chuyến đi tương tự như thế này. Quả thật, tiếp xúc với đối tượng mới thấy nhu cầu hòa nhập và hưởng thụ tinh thần của họ cần thiết đến chừng nào. Niềm phấn khởi, hào hứng và cả sự cảm kích thể hiện rõ trên gương mặt họ.

Tàu vừa rời bến, mọi người làm quen với nhau rất nhanh. Chuyến đi có 5 cháu mồ côi (3 nữ, 2 nam), mỗi cháu một quê, vậy mà chỉ ít phút đã thân nhau như chị em. Cháu Dương Thị Duyên, (dân tộc Dao, ở thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ), mồ côi bố, học lớp 6, trường PTCS xã Sơn Dương cho biết: đây là lần đầu được cháu ra thành phố Hạ Long, lại được thăm quan vịnh Hạ Long thì chưa bao giờ dám mơ tới.

Trong số những người khuyết tật đi thăm quan vịnh lần này có một số người đã từng tham gia Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc do Trung ương Hội tổ chức, có người là cựu chiến binh, thương binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam… Chuyến thăm quan Vịnh như là dịp hội ngộ của những đồng đội, như một chuyến lưu diễn của những người đam mê nghệ thuật… ở đó không còn khái niệm khuyết tật, mồ côi nữa mà chỉ có niềm lạc quan tin tưởng, sự hòa đồng và thân tình.

Tuy chuyến tham quan chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ, nhưng đã để lại cho đối tượng và cả những người tổ chức như chúng tôi rất nhiều cảm xúc.

 

Phóng viên: Vậy trong tương lai, tỉnh Hội có kế hoạch tổ chức các chuyến đi tương tự, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Huy Quân: Người khuyết tật, trẻ mồ côi họ rất cần sự sẻ chia của cộng đồng về vật chất và cả tinh thần. Nhưng trước đây, chúng ta vẫn chưa có điều kiện để đáp ứng đầy đủ cho họ. Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Ninh, cái nôi của phong trào văn nghệ quần chúng, sản sinh ra nhiều nghệ sỹ thành danh, cũng rất nên quan tâm tạo ra sân chơi cho những người khuyết tật, tạo cơ hội cho họ thể hiện mình và hòa nhập với cộng đồng. Thời gian tới, trong khả năng của mình, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh sẽ hết sức cố gắng chung tay, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa khác cho nhóm đối tượng của Hội. Trong đó sẽ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch của người khuyết tật. Bởi văn hóa, văn nghệ sẽ giúp cho người khuyết tật quên đi mặc cảm, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi