Đến xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra ngôi chùa Thanh Sơn nằm ven làng Thủy Triều bao năm nay vẫn bình dị, ấm áp tình người bởi tấm lòng nhân từ của Đại đức Thích Thanh Quang. Hơn chục năm qua, ngoài việc phụng sự nhà phật, vị Đại đức ấy luôn sẵn lòng dang rộng vòng tay chở che cho hơn một trăm trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa và mong muốn thực hiện một ước vọng giản đơn là hướng thiện và thắp lên tình thương yêu nhân ái.
Giúp người bằng tấm lòng từ bi
Xuất thân trong một gia đình nghèo khó nên Đại đức Thích Thanh Quang (thế danh Chế Hoàng Thọ) càng thấu hiểu, cảm thông trước những số phận khó khăn, thiệt thòi. Những ngày đầu năm 1996 về chùa Thanh Sơn trụ trì do Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa bổ nhiệm, Đại Đức Thích Thanh Quang được chứng kiến cuộc sống lam lũ, một nắng hai sương của người dân làng Thủy Triều. Với tấm lòng từ bi nhân ái, Đại đức đã quyết định nhận đỡ đầu gần chục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của Đại đức, các em có điều kiện học tập, ngày càng lễ phép, chăm ngoan, học giỏi. Sau việc làm thiện tâm đó của Đại đức, nhiều đứa trẻ xuất thân từ gia cảnh cơ hàn cũng tìm đến nhà chùa mong nhận được hỗ trợ. Như một nhân duyên hẹn trước, ngôi chùa Thanh Sơn từ đó đã trở thành nơi cưu mang trẻ mồ côi, khuyết tật và người già không nơi nương tựa.
Đại đức chia sẻ: “Đứa trẻ đầu tiên được nhà chùa nhận nuôi dưỡng chỉ mới 3 ngày tuổi, dần dần số trẻ mồ côi, khuyết tật xin được ở lại chùa ngày càng đông lên. Phần lớn trẻ mồ côi, khuyết tật được nhận về chùa là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước tình cảnh đáng thương của lũ trẻ, tôi không đành lòng để các con phải chịu đói khổ, thất học nên tôi cố gắng bù đắp tình yêu thương cũng như tạo điều kiện cho các con được học tập, phát triển trí tuệ để trở thành người có ích”.
Tất cả số trẻ mồ côi bị bỏ rơi trước cổng chùa, Đại đức đều đi làm giấy khai sinh và lấy họ Chế của mình đặt tên cho các con. Một số trường hợp trẻ bị khuyết tật, Đại đức ra sức kêu gọi nhà tài trợ, các mạnh thường quân để trẻ sớm được phẫu thuật phục hồi chức năng, giúp các con có thể đi lại, tự chủ trong mọi sinh hoạt. Trong những trường hợp được nhà chùa tiếp nhận, Đại đức ấn tượng nhất với hoàn cảnh của cậu bé Chế Kỳ Hà, khi được gửi đến chùa còn là trẻ sơ sinh, 2 chân bị khoèo bẩm sinh, không rõ cha mẹ. Đại đức Thích Thanh Quang đã quyết định lấy họ mình đặt tên khai sinh cho Hà, tận tình đưa đi bệnh viện khám chữa, phẫu thuật để mang lại đôi chân lành lặn cho con. Cậu bé thiệt thòi ấy đến nay đã 12 tuổi, đi lại gần như người lành, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Từ con số hơn chục trẻ mồ côi, khuyết tật được Đại đức tiếp nhận, đến nay đã có hơn 100 trẻ mồ côi, khuyết tật và người già không nơi nương tựa ở nhiều địa phương khác nhau tìm đến chùa xin được cưu mang, che chở. Trong số đó, trẻ nhỏ nhất chỉ vài ngày tuổi, lớn nhất là 20 tuổi và 17 người già đã ngoài 60 tuổi. Tuy họ đều là những người xa lạ và có hoàn cảnh khác nhau nhưng từ khi được Đại đức thu nhận và cùng được sống dưới “mái ấm” Thanh Sơn, họ đều coi nơi đây như gia đình thứ hai, luôn yêu thương, sẻ chia và đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.
Hướng thiện và thắp lên tình thương yêu nhân ái
Luôn đau đáu trong tâm khảm một suy nghĩ, đó là dạy dỗ, chỉ bảo, tạo điều kiện cho các con có cơ hội học tập, phát triển trí tuệ, chính điều đó đã thôi thúc Đại đức Thích Thanh Quang tìm cách kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ đàn con thiệt thòi được đến trường học tập theo đúng độ tuổi.
Dù công việc bộn bề, Đại đức vẫn dành thời gian đi chợ mua thức ăn và vui đùa bên đàn con của mình
Để có được khoản kinh phí ổn định chi tiêu hàng tháng 30 triệu đồng cho hơn 100 trẻ mồ côi, khuyết tật và người già không nơi nương tựa hiện đang sinh sống dưới “mái ấm” Thanh Sơn, ngoài nguồn thu nhập 20 triệu đồng/năm từ 4ha vườn xoài của nhà chùa, Đại đức thường xuyên kêu gọi sự hỗ trợ của các phật tử, các nhà bảo trợ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Cùng đồng hành thực hiện những việc làm thiện tâm ấy với Đại đức, luôn có sự hỗ trợ của chính người anh trai Chế Minh Tuyến của Đại đức, Công đoàn Công ty Vinpearl Nha Trang, Công ty Bất động sản Hưng Thịnh, Tổng Công ty Khánh Việt… thường xuyên hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn hỗ trợ vô cùng lớn về vật chất cũng như tinh thần để Đại đức có thêm nền tảng vững chắc, tiếp tục cưu mang các con đến tuổi trưởng thành và thu nhận những hoàn cảnh éo le, thiệt thòi. Bên cạnh đó, Đại đức còn có 3 cộng sự và một số người già không nơi nương tựa đã trở thành nguồn nhân lực chính giúp Đại đức chăm sóc, lo miếng ăn, giấc ngủ cho các con.
Đại đức chia sẻ rằng, nhà chùa hiện có 57 em đang được đi học ở cả 3 cấp học, ngoài ra có 15 em đang theo học các trường Đại học Y Dược, Ngân hàng, Kiến trúc và Đại học Nha Trang, trong số đó có nhiều trẻ rất thông minh, sáng dạ, thường xuyên được nhà trường chọn cử đi dự thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố. Hiện tại có 6 em là bác sĩ, Cử nhân Kinh tế, ngân hàng đã có việc làm, tự lập cuộc sống. Vào những ngày nghỉ lễ, Tết hay nhà chùa có công việc lớn, các em đều về thăm và cùng góp sức với nhà chùa có thêm kinh phí chăm lo cho những người đồng cảnh. Không chỉ lo lắng bữa ăn, giấc ngủ cho những đứa con nhỏ, Đại đức còn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các con đang theo học Đại học như hỗ trợ tiền học phí, ăn uống, thuê nhà trọ gần trường và chi trả toàn bộ tiền thuê hàng tháng. Một trong số những hoàn cảnh đó là hai anh em Vũ Tiến Trình và Vũ Tiến Đạt, quê ở xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa. Ba mẹ hai em bị tai nạn, không còn khả năng lao động nên đã tìm đến chùa xin được cưu mang. Sau hơn 10 năm nương nhờ cửa Phật, giờ đây Trình đã trở thành sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, còn Đạt là học sinh lớp 11, trường THPT Trần Bình Trọng.
Đại đức cho biết: “Bên cạnh việc chăm lo nơi ăn, chốn ở, tạo điều kiện cho các con tới trường, tôi đã cho xây dựng 1 phòng học vi tính và mở lớp dạy thêm tiếng Anh ngay tại chùa giúp các con có thể tiếp cận với công nghệ thông tin và nâng cao kiến thức. Để thực hiện thường xuyên hoạt động của các lớp học này, tôi mừng lắm khi được Hội Bảo trợ Yersin hàng tháng ủng hộ 3 triệu đồng để hỗ trợ cho giáo viên”.
Dù công việc bộn bề và mất nhiều thời gian chăm sóc, lo lắng cho những hoàn cảnh được nhà chùa cưu mang, Đại đức vẫn cố gắng tổ chức nhiều chuyến đi tặng quà từ thiện ở mọi miền đất nước. Qua những việc làm thiện tâm của mình, qua việc dạy dỗ, chỉ bảo cho những đứa trẻ thiệt thòi, Đại đức mong muốn thắp lên tình thương yêu nhân ái và khơi dậy tính hướng thiện trong cộng đồng xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2015 – “Lắng nghe trẻ em nói” - 02/06/2015 06:10
- Lãnh đạo Trung Ương Hội chúc mừng Giáo hội Phật mùa Phật đản 2015 - 28/05/2015 10:05
- Nữ cán bộ Hội tâm huyết giúp người đồng cảnh - 22/05/2015 07:16
- Tỉnh Hội An Giang: Xây mới, sửa chữa 70 nhà tình thương - 22/05/2015 03:34
- Tỉnh Hội bắc Kạn: Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ nhất 2015 - 22/05/2015 02:31
Các tin khác
- Vì nụ cười của người khuyết tật - 21/05/2015 06:59
- Hội người khuyết tật Hà Nội với công tác giải ngân vốn vay cho người khuyết tật - 21/05/2015 06:50
- Mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo Cao Bằng và Hưng Yên - 20/05/2015 03:50
- Tỉnh Hội Trà Vinh: Trao 150 xe lăn cho người khuyết tật - 20/05/2015 03:35
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Trao 450 suất quà cho đối tượng - 20/05/2015 03:34