Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Cách Hà Nội chừng 100 km về phía Nam, danh thắng Đầm Đa (huyện Lạc Thuỷ - tỉnh Hoà Bình) còn giữ được nhiều nét nguyên sơ hiếm có với một thung lũng nằm giữa những đồi keo xanh mướt, những hang động thạch nhũ kỳ vĩ, nhiều màu sắc. Đặc biệt, nhiều hang động còn lưu giữ dấu vết của người Việt cổ xưa với bầu sữa mẹ, bọc trăm trứng, đài sen, nón ba tầng, suối vàng, suối bạc... là những vật phẩm thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Đầm Đa là tên gọi chung của một quần thể các đền chùa, hang động. Đầm Đa mở hội vào mùng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Mặc dù vẫn còn là một cái tên “hơi là lạ” trong ngành du lịch nhưng Đầm Đa lại là một điểm đến thường xuyên mỗi độ xuân về đối với những phật tử ở địa phương và các vùng lân cận.
Địa danh Đầm Đa còn được gọi là cụm di tích chùa Tiên, được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá, gồm các đền chùa như đền Trình hay còn gọi là Quán Trình, đền Mẫu, chùa Tiên… thờ những nhân vật trong truyền thuyết. Nơi đây cũng là một di chỉ khảo cổ cấp quốc gia với nhiều dấu tích của người Việt cổ ở động Tiên, hang Hồ.
Hành trình khám phá Đầm Đa được bắt đầu từ đền Trình. Khách du lịch tới khám phá địa danh này đông nhất từ đầu tháng giêng tới tháng ba âm lịch. Từ đền Trình, theo một con đường nhỏ nằm bên cạnh cánh đồng lúa xanh mướt, du khách sẽ cùng hòa vào dòng người đang tấp nập đi lễ tại đền Mẫu Âu Cơ, đền thờ Mẫu của người dân nơi đây. Đền Mẫu Âu Cơ là một nhà sàn tựa lưng vào núi. Trước kia ngôi đền vốn chỉ là một nhà sàn nho nhỏ, sau này đền được xây dựng lại rộng rãi hơn, đẹp hơn nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa.
Ngoài những giá trị về văn hoá - lịch sử, Đầm Đa còn là một vùng đất có nhiều hang động thiên nhiên mang vẻ đẹp tuyệt mỹ như Thuỷ Tiên, Cung Tiên. Cửa vào các hang động này hầu hết đều nằm ở lưng chừng các núi gần kề nhau, bởi vậy du khách phải trải qua một hành trình leo núi hơi vất vả nhưng khá thú vị khi ghé thăm. Những khối thạch nhũ trong các hang động như những dòng thác đang tuôn chảy, khơi dậy trong trái tim lữ khách xúc cảm ngỡ ngàng đến kinh ngạc bởi nét đẹp kỳ vĩ mà tinh tế.
Con đường đến động Tam Tòa cũng gập ghềnh hơn rất nhiều so với các hang động khác, nhưng đến Đầm Đa mà chưa tới Tam Tòa thì coi như chỉ biết tới một nửa vẻ đẹp của quần thể danh thắng này. Mỗi khối thạch nhũ trong động Tam Tòa là một câu chuyện lý thú khơi gợi trí tưởng tượng của du khách, đó là cây Bồ đề, tòa sơn trang, giường Tiên...
ở Đầm Đa, các đền chùa hầu hết thờ các nhân vật trong truyền thuyết xa xưa như ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, cô Chín… và các am thờ đều được đặt ở trong các hang động. Những khối thạch nhũ, tuyệt tác của tạo hóa với vẻ đẹp diệu kỳ, gắn với câu chuyện về chiếc bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, những quả đào tiên khổng lồ cùng những đụn vàng, đụn bạc càng làm tăng thêm vẻ đẹp lung linh, huyền bí. Quần thể hang động kỳ thú nằm trong những ngọn núi liên tiếp nhau tạo cho Đầm Đa sức hút hấp dẫn đến lạ kỳ.
Sau khi kết thúc cả một hành trình dài khám phá thú vị, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản “có một không hai” ở vùng đất này như cơm nếp xôi, cơm lam, ngô luộc, gà đồi.
Đến với Đầm Đa vào dịp đầu Xuân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian của núi rừng, thiên nhiên và tham gia lễ hội chùa Tiên với những nét đặc trưng và tiêu biểu của Văn hóa xứ Mường.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ