Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Xứ Huế nổi tiếng không chỉ gắn với vẻ đẹp cổ kính của những đền đài lăng tẩm, mà Huế còn là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nơi có dòng sông Hương thơ mộng. Sông Hương là thắng cảnh nổi tiếng của đất cố đô luôn hiện hữu, đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương và tồn tại trong tâm thức người dân từ thế kỷ 18 đến nay.
Sông Hương hay còn gọi là Hương Giang, là con sông chảy qua thành phố Huế và các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang đều thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, miền Trung Việt Nam. Có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ gọi là sông Hương bởi tại đầu nguồn sông có nhiều giống cỏ Thạch Xương Bồ đưa mùi hương vào dòng nước. Bởi thế sông Hương không chỉ đẹp mà nước sông còn thơm nữa. Người nước ngoài khi dịch tên con sông này sang tiếng Pháp, tiếng Anh cũng dùng chữ rivière des Parfums hoặc Perfume of River. Nhưng cũng có người cho rằng tên Hương của sông là gọi theo địa danh - sông chảy qua huyện Hương Trà (trước là Kim Trà) nên mới mang tên này.
Sông Hương có hai nguồn chính đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã, chảy theo hướng Tây Bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng, khoảng 3 km về phía Bắc khu vực lăng Minh Mạng. Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng Bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.
Cũng có cách giải thích khác về tên gọi sông Hương, đó là từ xa xưa, dòng sông này chảy qua những cánh rừng nhiều thảo mộc có hương thơm nên khi vào Huế, dòng sông đem theo hương thơm của cây cỏ thiên nhiên. Với độ dài 80 km, sông Hương uốn lượn trong thành phố Huế như một sự sắp đặt để làm vui lòng du khách.
Dòng nước trong xanh tĩnh lặng, thành quách, lầu xá hai bên bờ in bóng xuống dòng sông như tranh vẽ. Chiếc cầu Trường Tiền màu trắng bạc bắc qua sông Hương, duyên dáng như cô gái Huế trong chiếc áo dài tím rất Huế… Sông Hương cũng được ví như một dải lụa hiền hoà miên man chảy, khi lại như một người dẫn đường xuôi dòng nước đưa du khách đến miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng, rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không để phiêu diêu cùng với gió mây, với thế giới của hoa trơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ kính…
Đối với kiến trúc đô thị Huế, sông Hương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ thủ phủ Kim Long (1630 - 1687) đến các đô thị tiền thân của Huế ngày nay như thủ phủ Phú Xuân (1687 - 1712), Đô thành Phú Xuân (1738 - 1775), Kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn (1788 - 1801) đều lấy sông Hương làm trục chính để quy hoạch và xây dựng đô thị. Sông Hương còn được làm "Minh Đường", làm tuyến hào tự nhiên che chở Kinh Thành Huế, tuyến giao thông trọng yếu để từ Huế lên Tây xuống Đông và đi mọi miền đất nước.
Có thể nói, sông Hương là con sông gắn bó mật thiết với với đời sống văn hoá của người dân xứ Huế. Các hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống như nghe ca Huế trên sông, đua thuyền, thả đèn... đến nay vẫn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Sông Hương cũng là dòng sông gắn liền với thi ca, nhạc hoạ. Nhiều bài thơ, bức tranh và những bài hát nổi tiếng đã lấy dòng sông này làm nguồn cảm hứng sáng tác.
Cùng với núi Ngự Bình, sông Hương đã, đang và sẽ mãi mãi là biểu tượng của Huế. Nhiều người đã cho rằng, sông Hương là một trong những dòng sông đẹp nhất thế giới.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ