Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Từ ngã ba Nam Phước (huyện Duy Xuyên - tỉnh Quảng Nam), đi theo đường 537 khoảng 9km, du khách sẽ đến di tích kinh đô cổ Chămpa Trà Kiệu, nay là nhà thờ Núi Trà Kiệu. Trước năm 1975 Trà Kiệu còn có tên gọi khác là hòn Bửu Châu.
Trà Kiệu có diện tích hơn 10 nghìn ha, được coi là kinh đô Sinhapura hay “Kinh thành Sư Tử” của Vương quốc Champa từ khoảng thế kỉ VI đến thế kỉ VII. Simhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati - 1 trong 5 tiểu quốc của vương quốc Champa. Theo văn bia cho biết, người đặt đô đầu tiên ở đây là vua thứ 9 Vikrantavacman II vào khoảng 686 - 731, thuộc dòng Gangaraja trị vì từ thế kỉ III đến giữa thế kỉ VIII.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì tên Trà Kiệu được xuất phát từ cách gọi Chùm Chà. Chữ Chà phía sau đọc thành Trà, còn chữ Kiệu có thể hiểu rằng người ở nơi xa đến, ý chỉ những người đàng ngoài vào lập nghiệp tại vùng đất này.
Sau cuộc khai quật một phần kinh đô cổ Trà Kiệu của Claeys vào các năm 1927 - 1928, nhưng tầng văn hóa dưới lòng đất Trà Kiệu lại ngủ yên suốt hơn nửa thế kỷ. Từ thập niên 90 đến nay những nhát cuốc của các nhà khảo cổ đã rộn ràng đánh thức những di chỉ văn hóa ẩn chìm dưới lòng đất. Ngoài các di chỉ văn hóa Chăm, vùng đế đô xưa một thời vang bóng này còn chứa các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đầy lôi cuốn với những ai muốn soi rọi lại một phần quá khứ của hàng nghìn năm trước.
Đặc biệt, vào những năm 1980, có nhiều hiện vật nhỏ làm bằng vàng đã được khai quật. Chúng là những trang sức có hình mặt trăng, mặt trời, các vì sao, còn có cả những bức tượng thần rỗng ruột, tượng động vật và những cuốn sách thánh dày tạo bởi vàng lá dày 1cm khắc chữ Phạn, những miếng vàng hình tròn với những mẫu tự tiếng ả Rập. Tổng số vàng được tìm thấy lên đến vài kí. Điều này cho thấy sự giàu có, trù phú của thành Sinhapura trong thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ X.
Nói đến Simhapura, trước đây người ta thường nói đến ngôi đền chính trong Hoàng thành. Mỗi cạnh của nó dài tới 10m, chiều cao có thể lên tới 40m, là ngôi tháp đồ sộ nhất trong hàng kiến trúc Chămpa ở vùng Đông Nam á. Trong đền tháp này có một cái bàn thờ lớn hình vuông, mỗi cạnh 3m, cao 1,5m. Trên đó tạo 12 vũ nữ Apsara đứng múa trước đài sen. Bàn thờ đó đã trở thành kiệt tác trong điêu khắc cổ xưa của thế giới còn lại tới hôm nay.
Tất cả các đền thờ ở kinh đô Trà Kiệu đều thờ thần Siva và Visnu là hai chư thần bảo hộ cho các Vương triều Chămpa lúc bấy giờ. Chủ đề nổi bật của Trà Kiệu - Kinh thành Sư tử là các tượng đá Sư tử với nhiều tư thế sống động như đi, đứng, ngồi, nằm phủ phục, vươn mình, nhe nanh… mỗi tượng đều có bố cục độc đáo từ hình khối đến sắc thái biểu cảm trên đôi mắt, khối ngực, bước chân khỏe khoắn, dáng đứng oai vệ… Mặt khác đây là sự hóa thân công đức của Visnu, vì có lần đấng tối thượng này hóa thành Sư tử để bảo vệ loài người, bảo vệ chư thần thoát khỏi nanh vuốt của quỷ dữ. Cũng qua những di chỉ tìm được trong các cuộc khai quật khảo cổ sau này, người ta đã hình dung được vẻ đẹp kỳ lạ của các kiến trúc Chăm về đền đài, cung điện, lâu đài, thành quách… đã làm cho kinh đô Trà Kiệu thêm hấp dẫn để trở thành trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa của Vương quốc Chămpa với các nước láng giềng như Campuchia, Indonnesia hồi bấy giờ.
Có thể nói, nét hấp dẫn của kinh đô Trà Kiệu là một tổng thể không thể thiếu được trong nền văn minh, văn hóa á Đông, nhất là văn minh Chămpa là Kinh đô - Lăng Miếu, Thánh địa, Đền đài để thờ cúng các tiên vương, chư thần… Trà Kiệu ngày nay được chọn là trung tâm Thánh Mẫu, mỗi năm có hàng vạn người, cả lương lẫn giáo từ các tỉnh miền Trung tấp nập kéo nhau về đây cầu nguyện và xin ơn Đức Mẹ.
Hiện nay tại Trà Kiệu còn rất nhiều di tích vẫn chưa được tìm thấy. Theo các chuyên gia, trong tương lai, nơi đây sẽ còn có nhiều cuộc khai quật để thể thấy được sự vĩ đại của thành Simhapura. Các nhà chức trách địa phương cũng đã tiến hành lập một bảo tàng trưng bày các hiện vật khai quật được ở đây và tái hiện hình ảnh của Kinh đô xưa, để du khách khi tham quan có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của người Chăm. Đồng thời tạo nên một sản phẩm du lịch mới trên tuyến thăm quan di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ