Quảng Trị: Gấp rút hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ

Hiện tại các khu vực ngập lụt nặng nhất là các xã Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, (huyện Vĩnh Linh), chính quyền đang gấp...
Thứ ba, 09 Tháng 8 2016 10:23

Cuối tháng 7/2016, phim ngắn “Nơi nào dành cho em” (18 phút) do đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ phối hợp với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng sản xuất đã ra mắt báo giới. Bộ phim mang thông điệp: Nếu chúng ta không mở lòng ra và cảm thông với người khuyết tật, thì sẽ không bao giờ thấy được khả năng họ vốn có để trau dồi thêm cho họ...

 

ảnh bìa phim trái tim người mẹ

Phim Trái tim người mẹ.

 

Nhà sản xuất Hoàng Minh Phi kể: “Tôi và đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ từng làm phim và diễn kịch chung đến 8 năm. Khoảng năm 2008, tôi có quen mấy bạn khiếm thị có năng khiếu về văn nghệ nên “gom” về một đội hình để tập luyện với nhiều loại hình như nhạc kịch, ca nhạc, kịch... để biểu diễn ở những quán cafe, phòng trà hoặc phục vụ trong các chương trình thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa, event... Nhóm lấy tên là “Gánh hát Từ Tâm” gồm một số em khiếm thị có khả năng ca hát, ngoài ra còn có sự hợp tác của các bạn (không khuyết tật) đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và có thiện chí như đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ, Kiều Liên (diễn viên kịch, người mẫu ảnh), Quỳnh Hoa (diễn viên), Minh Đăng (truyền thông) và Hoàng Minh Phi (đạo diễn sân khấu và sản xuất truyền hình)...

 

Ảnh sinh hoạt của các bạn khiếm thị ở trung tâm Nhật Hồng

Trong Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng

 

Qua sinh hoạt, chúng tôi thấy được ước mơ, khát khao cháy bỏng của các em là được trở thành ca sĩ, đem hết khả năng vốn có của mình để phục vụ cộng đồng, đó chính là cảm hứng để chúng tôi thực hiện phim ngắn “Nơi nào dành cho em”. Và cũng chính các em khiếm thị đã là cầu nối để chúng tôi gặp gỡ và hợp tác với sơ Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ khuyết tật Nhật Hồng (phường Tam Bình, Thủ Đức - TP.HCM) nơi xuất thân của một số em trong nhóm. Sơ Vân Nga cũng đang có những ưu tư, trăn trở về những tệ nạn xã hội, về những cách thức giúp đỡ để người khuyết tật có nghề nghiệp và hòa nhập với cộng đồng. Chúng tôi rất tâm đắc trong quan điểm, nên đã cùng hợp tác triển khai đề tài làm phim. Phim đầu tiên chúng tôi và Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng hợp tác sản xuất là phim ngắn “Trái tim người mẹ” (kịch bản Hoàng Minh Phi, đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ, diễn viên: An Tịnh, Ngọc Thu, Mỹ Liên, Kiều Liên...).

 

Nội dung phim “Trái tim người mẹ” đề cập đến tệ nạn nạo phá thai và bỏ rơi trẻ sơ sinh đang là một thực trạng làm nhức nhối lương tri con người. Trái tim người mẹ còn nói lên sự khát khao được nuôi con của chính người mẹ nhưng rồi đã không vượt qua được rào cản là những lời dị nghị, đàm tiếu của những người chung quanh, sự không quan tâm chia sẻ của người thân, thậm chí có cả những việc bạo hành trong gia đình đã đẩy người phụ nữ lầm lỡ vào trạng thái bất an, đành bỏ đi núm ruột của mình để rồi kéo theo nhiều hệ lụy. Phim còn ca ngợi tấm lòng người mẹ và kêu gọi các bạn trẻ hướng về gia đình nhiều hơn!

 

Ảnh cô gái đang khóc trong phim nơi nào cho em

Cảnh trong phim “Nơi nào dành cho em”.

một cảnh khác của phim nơi nào dành cho em

Cảnh làm phim “Nơi nào dành cho em”.

 

Còn ở phim ngắn “Nơi nào dành cho em” (kịch bản Hoàng Minh Phi, đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ, diễn viên: Quỳnh Hoa, Kiều Liên, Tấn Hảo, Hoàng Minh Phi...) nói về ước mơ được đứng hát trên sân khấu của một cô gái khiếm thị, được hòa nhập lao động như những người bình thường khác và được cống hiến cũng như được xã hội thừa nhận khả năng, công sức của chính mình. Bộ phim cũng nhắc nhở chúng ta, những người lành lặn về ngoại hình luôn nhớ rằng bên cạnh chúng ta vẫn song hành một bộ phận đáng kể những con người chẳng may bị khuyết tật để chia sẻ và giúp đỡ, phim cũng gởi đến những bạn khuyết tật sự động viên về nghị lực sống, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh để sống có ích cho bản thân và xã hội...

 

Điểm chung của cả 2 phim ngắn này là kêu gọi cộng đồng quan tâm và chia sẻ với những con người có số phận không may. Giúp đỡ họ tự tin vào bản thân để sống có ích cho chính mình và xã hội hơn là tỏ thái độ miệt thị, có những lời nói khiến họ bị tổn thương!

 

Sơ Vân Nga chia sẻ: “Hiện nay, xã hội vẫn chưa quan tâm đúng mức đối với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, nên việc phát triển nghề nghiệp cũng như những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các em còn gặp nhiều khó khăn. Ở Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng hiện đang hướng nghiệp cho các em theo 7 nhóm ngành nghề. Chúng tôi dự định làm cho mỗi nhóm ngành nghề một phim ngắn nhằm giới thiệu với cộng đồng khả năng làm việc của các em và mong muốn được xã hội quan tâm, tạo điều kiện để các em có việc làm thích hợp. Các em được hội nhập vào cuộc sống, được chào đón với những công sức, nỗ lực của mình đã bỏ ra và mong muốn được xã hội công nhận những thành quả đó. Chúng tôi dự định 6 phim ngắn sau này cũng sẽ mang tên Nơi nào dành cho em (2, 3, 4, 5, 6). Riêng bộ phim đầu tiên này (1), thuộc nhóm nghệ thuật (ca hát, đánh đàn, chơi trống...), chúng tôi chọn lĩnh vực ca hát vì dễ tiếp cận khán giả hơn...”.

 

  Hỏi tại sao các anh không làm phim tài liệu mà chọn làm phim nghệ thuật, giải trí “phi thương mại”? Nhóm làm phim trả lời: “Chúng tôi không làm phim tài liệu vì theo thăm dò của chúng tôi thì có nhiều khán giả tỏ ra e ngại với thể loại phim này, mức độ tuyên truyền cũng không đạt hiệu quả cao. Chúng tôi chọn hình thức làm phim ngắn nghệ thuật, giải trí xen lẫn một chút tình yêu lãng mạn...Tuy nhiên những đề tài như thế này rất khó xin tài trợ. Chúng tôi không giàu có mà lại rất khó khăn nhưng cố gắng làm những sản phẩm mang tính cộng đồng với mong muốn thị trường giải trí đa dạng hơn! Nếu ai cũng chạy theo kiểu làm phim thương mại để có lợi nhuận thì làm gì có cái gọi là hoài bão đẹp! Nói thế không phải chê trách phim thương mại nhưng hầu như những nhà làm phim họ có tiền nhưng hiếm ai bỏ tiền ra làm một sản phẩm kiểu cộng đồng họ thích mà phải có tài trợ họ mới làm! Hoàng Minh Phi và Nguyễn Hoàng Vũ đã từng mượn tiền để làm phim rồi đi “cày” cho TVC (truyền hình cáp) và thực hiện, dàn dựng các show nghệ thuật để có tiền trả lại sau cho chủ nợ. Trung tâm Nhật Hồng cũng có ủng hộ một phần”.

 

 

Nguồn: Báo Người Tiêu Dùng

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi