Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 14:18

Do ham lợi nhuận, không ít chủ tiệm kinh doanh trà sữa trên địa bàn TP.HCM đã nhập nguồn hàng "siêu rẻ" bán trôi nổi từ chợ Kim Biên về để làm nguyên liệu chế biến trà sữa.

 

Với phương thức kinh doanh này, các chủ cửa hàng dễ dàng bỏ túi hàng triệu đồng mỗi ngày, bất bất chấp những mối nguy hại về sức khỏe của người tiêu dùng.

 

"Bột sữa Thái" 60 nghìn đồng/gói?

 

Để tìm hiểu thực trạng tràn lan của nguyên liệu làm trà sữa không rõ nguồn gốc, sáng ngày 3/8, trong vai một người mới mở cửa hàng kinh doanh trà sữa, chúng tôi đã tìm đến chợ Kim Biên (Quận 5)- "thủ phủ hóa chất" của TP.HCM.

 

HBT- ATTP9
Bột sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán ở chợ Kim Biên với giá 60 nghìn đồng

 

Sau khi lân la ở một vài cửa hàng bên ngoài chợ, chúng tôi được một tiểu thương ở đây giới thiệu vào gian hàng của bà Tình (khoảng 45 tuổi) ở khu vực gần cuối chợ. Thấy khách đến mua hàng, bà Tình niềm nở ra bắt chuyện: "Em muốn mua mặt hàng gì? Ở đây chị có bán đầy đủ cả từ bột sữa, bột trà, đến phẩm màu và các loại hương vị cho trà sữa... , chỗ chị là hàng lớn nhất trong chợ này".

 

Đặt vấn đề mua bột sữa để làm trà sữa, bà Tình lôi trong gian hàng ra một bịch bột màu xanh và cho biết có giá 230 nghìn đồng. Thấy chúng tôi chê đắt và cho biết là nếu mua loại bột này với giá cao về bán sẽ không có lời thì bà Tình nói: "Em mua về bán, vậy mà không nói sớm, chị tưởng em mua về nhà làm nên mới đưa loại "xịn" chứ mua về bán thì chị có "bột sữa Thái". Ở đây người ta mua về bán thì hay mua loại này".

 

Nói xong bà Tình lấy ra một túi bột màu xanh, bên ngoài có ghi rất nhiều chữ Trung Quốc và cho biết đây là "bột sữa Thái" được bán với giá chỉ 60 nghìn đồng/gói, loại này được các chủ cửa hàng trà sữa rất ưa dùng.

 

"Cái này là bột sữa Thái nhưng xuất xứ từ Trung Quốc nên có giá rẻ hơn, chứ bột sữa Thái thật vài trăm nghìn/1 gói mua về bán làm sao có lời. Chị cam đoan với em là khi mua về pha ra mùi vị sẽ giống hệt như bột sữa Thái. Có khi lại ngon hơn... ".

 

Nói về cách thức pha chế loại bột nói trên bà Tình cho hay, khi mua về người bán chỉ cần đổ loại bột trên vào một chiếc thau nhựa, sau đó cho nước vào khuấy đều thì sẽ có một hỗn hợp sữa thơm ngon chẳng khác gì bột sữa Thái. Sau cuộc trò chuyện với bà Tình, chúng tôi có mua một gói bột sữa Thái với giá 60 nghìn đồng về để làm tư liệu thì bà Tình căn dặn: "Lần sau có đến lấy hàng thì nhớ đến chỗ chị nhé, nếu lấy dần thành mối thì chị sẽ lấy với giá rẻ hơn".

 

Sau khi đã mua được bột sữa ở gian hàng của bà Tình, chúng tôi đến một gian hàng bên ngoài chợ nơi gần tiếp giáp với đường Vạn Tượng (phường 13, quận 5) để mua nước hương vị cho trà sữa.

 

Đứng từ bên ngoài cửa hàng quan sát vào, chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy được vô số can nhựa cỡ 1-2 lít được đặt trên các kệ hàng không có nhãn mác, nhưng bên ngoài có ghi dòng chữ: hương sầu riêng, hương dâu, hương vải,... đó là những loại hóa chất để tạo hương vị cho trà sữa theo đúng mùi yêu cầu của khách. Thấy chúng tôi đứng quan sát lâu, một người đàn ông khoảng 30 tuổi ra hỏi bán hàng.

 

HBT- ATTP9.1
Những loại hóa chất tạo mùi được bày bán tràn lan dùng làm nguyên liệu để chế biến trà sữa

 

Chúng tôi chỉ tay về phía những can nhựa đặt trên kệ hàng và hỏi: "Đó có phải là những hương liệu để tạo hương làm trà sữa không anh?". Người đàn ông bán hàng gật đầu và cho biết tại cửa hàng trên nguyên liệu tạo hương cho trà sữa được bán với giá khoảng từ 200-350 nghìn đồng/kg tùy theo loại hương liệu. Đắt nhất là hương chocolate với giá 350 nghìn đồng/kg và rẻ nhất là hương vải với giá 190 nghìn đồng/kg.

 

Nói xong người đàn ông bán hàng kéo vài can nhựa phía trên xuống đất để chúng tôi kiểm tra. Quan sát thấy những can nhựa trên đã cũ kỹ, phía trên có bám bụi khá nhiều do đã để lâu ngày không đụng đến.

 

Chúng tôi hỏi người bán hàng: "Cái này chắc đã để lâu ngày rồi không biết có còn hạn sử dụng? Uống vào có bị sao không?", thì người thanh niên bán hàng trả lời: "Cái này làm gì có hạn sử dụng, để đó bán năm này qua năm nọ, người ta mua về bán có nghe phản ánh ai bị ngộ độc gì đâu".

 

Như vậy, chỉ sau khoảng 1 giờ đồng hồ khảo sát ở chợ Kim Biên, chúng tôi dễ dàng mua được những nguyên liệu cần thiết để làm trà sữa. Điểm chung của các loại nguyên liệu được bày bán ở đây là có giá "siêu rẻ" và hầu hết đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên theo khẳng định của nhiều tiểu thương ở đây thì hàng ngày rất nhiều chủ tiệm trà sữa trên địa bàn TP.HCM tìm đến đây để mua nguyên liệu về làm trà sữa bán ra thị trường.

 

Chỉ bán chứ không dám uống

 

Thực trạng nguồn nguyên liệu được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc như vậy, còn ở các cửa hàng trà sữa thì sao? Để tìm hiểu thực trạng này, chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào các cửa hàng bán trà sữa trên địa bàn TP.HCM. Trong vai một người đi học nghề, chúng tôi tiếp cận một tiệm trà sữa ven đường trên đường Hòa Hảo (phường 2, quận 10).

 

Đây là tiệm trà sữa do bà Nhung (khoảng 43 tuổi) làm chủ. Sau nhiều ngày tiếp cận trò chuyện, bà Nhung tiết lộ với chúng tôi: "Trước kia chị mới mở tiệm ra bán thì chị dùng sữa đặc để hòa loãng làm nguyên liệu bán. Tuy nhiên, bán được khoảng 1 tháng thì cảm thấy "sập tiệm" do số vốn bỏ ra khá lớn lại chẳng thu hồi được bao nhiêu. Sau này chị lân la dò hỏi mấy tiệm khác mới biết là họ không dùng sữa đặc mà lại dùng bột sữa mua ở chợ Kim Biên để hòa tan làm sữa. Điều này giảm được gấp 5 lần vốn so với dùng sữa đặc như mọi người thường làm".

 

HBT- ATTP9.2
Pha chế bột sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ để làm trà sữa tại một tiệm ở quận 10

 

Nói về cách thức pha chế loại bột sữa để làm trà sữa bà Nhung tiết lộ, khi mua bột về người bán thường pha sẵn cho vào bình khuấy đều, sau đó cho vào tủ lạnh, khi khách có nhu cầu mua thì đem ra bán. Thông thường các chủ cửa hàng đều pha sẵn chứ không để dạng bột chờ khách vào mới pha vì sợ khách phát hiện. Bà Nhung còn cho biết, với 1 gói bột sữa Thái mua ở chợ Kim Biên với giá 60 nghìn đồng các chủ cửa hàng có thể pha chế được hàng trăm ly trà sữa.

 

Điều này mang lại siêu lợi nhuận. Khi chúng tôi đặt câu hỏi với bà Nhung là với loại bột không rõ nguồn gốc xuất xứ mua ở chợ Kim Biên về làm trà sữa như vậy có đảm bảo an toàn không, thì bà Nhung cho hay: Từ trước đến nay tôi bán thì chưa có ai phản ánh là uống trà sữa bị ngộ độc hay đau bụng gì cả. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ bán chứ không dám uống vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài sau này...".

 

Không chỉ dùng bột sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ để làm trà sữa, mà tại các tiệm trà sữa trên địa bàn TP.HCM vấn đề an toàn thực phẩm còn rất đáng báo động ở khâu bảo quản loại sản phẩm này. Theo đó, hầu hết ở các tiệm trà sữa trong quá trình bảo quản thạch, nhân để làm trà sữa, các chủ tiệm thường ngâm trong một loại nước "đặc biệt" để bảo quản các loại thạch, nhân này hàng năm mà không bị hư hỏng.

 

Anh Nguyễn Thành T. (nhân viên quán trà sữa X. trên đường 3 tháng 2, quận 10) tiết lộ: "Tôi đã có hơn 5 năm làm ở các tiệm trà sữa, thật tình mình cũng chỉ làm bán chứ không dám uống bao giờ. Ngoài sử dụng những loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc thì khâu bảo quản ở các tiệm trà sữa khá kém. Đặc biệt, quá trình bảo quản thạch người ta thường dùng hóa chất để thạch không bị hư và có mùi thơm ngon... ".

 

Nói về mức độ nguy hại đối với sức khỏe của các loại nguyên liệu làm trà sữa mập mờ, không rõ nguồn gốc, các chuyên gia y tế cho rằng: do mập mờ về nguồn gốc, chất lượng không được kiểm định rõ ràng, vệ sinh an toàn thực phẩm bị buông xuôi nên trong những nguyên liệu làm trà sữa giá rẻ có thể chứa những hóa chất, màu thực phẩm, đường hóa học... quá lượng quy định cho phép, gây hại cho cơ thể con người là điều không thể tránh khỏi.

 

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, trước đây một số nước trên thế giới đã từng ghi nhận thông tin một số loại nguyên liệu trà sữa có chứa chất gây ung thư, suy thận,... Ngoài ra theo nghiên cứu khoa học mới đây của Bệnh viện Quân y Quảng Đông, Trung Quốc thì việc uống nhiều trà sữa trân châu dù chúng có phải được làm bằng Polime hay không thì cũng gây mối nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là giảm lượng tinh trùng và tăng nguy cơ vô sinh. Những chất gây hại trong trà sữa tuy không tác động tức thì, nhưng về lâu dài là mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Phunutoday