Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và tại các chợ nói riêng luôn là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các tiểu thương về an toàn thực phẩm thì việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, đầu tư cải tạo chợ…vẫn rất cần thiết.
Hệ thống chợ là kênh phân phối, cung ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Còn khó kiểm soát
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay hệ thống phân phối thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội khá đa dạng. Hiện toàn TP. Nội có 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 435 chợ với khoảng 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…Trong đó, hệ thống chợ là kênh phân phối, cung ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
TP. Hà Nội có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam cùng 3 chợ có tính chất đầu mối gồm chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Các chợ đầu mối này kinh doanh một lượng lớn nông sản, thực phẩm.
Kết quả khảo sát do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội thực hiện trước đó cho thấy, có tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Tại chợ đầu mối phía Nam, chỉ có 9,5% các quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; 5,7% trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc bảo đảm an toàn…
Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) bà Lê Thị Hằng cho biết, tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, vấn đề nguồn gốc hàng hóa tại chợ truyền thống cũng là điều cần quan tâm. Theo quan sát, nhiều sản phẩm được bày bán tại đây đều ở tình trạng không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và không có thời hạn sử dụng.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ…
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm tại chợ.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Để hạn chế tình trạng trên, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 4727/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025".
Đề án đặt ra mục tiêu đến tháng 12/2025 có 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu của đề án và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% chơ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư, 100% chợ xây dựng mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó công tác đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được triển khai sâu rộng.
Theo đó, Sở đã hướng dẫn 533 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ.
Đến hết tháng 11/2022, Sở Công Thương cũng đã hoàn thành công tác rà soát, khảo sát thực trạng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ để phân loại, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, đối với đơn vị quản lý chợ cần tập huấn, tuyên truyền về cơ chế chính sách về phát triển, quản lý chợ; rà soát lại hệ thống chợ trên cơ sở tổng hợp danh mục cần đầu tư cải tạo chợ hàng năm để đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định. Từ đó, có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối an toàn thực phẩm kết hợp với phòng, chống bệnh…
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, bố trí vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hàng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tin mới
- 14 sản phẩm siro ho bị cấm ở một số quốc gia chưa được cấp phép tại Việt Nam - 24/04/2023 07:32
- Người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng sản phẩm ‘xanh’ - 17/04/2023 06:21
- Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn vệ sinh tại bếp ăn trường học - 13/04/2023 00:41
- Tạm giữ 2 tấn chân gà rút xương đông lạnh - 29/03/2023 06:44
- Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia: Có vi khuẩn gây ngộ độc trong cá chép muối ủ chua - 28/03/2023 04:18
Các tin khác
- Hà Nội kiểm soát chặt sản phẩm hỗ trợ đau xương khớp, giảm cân… - 07/03/2023 04:28
- Tăng cường kiểm tra nơi sản xuất, kinh doanh rượu - 02/02/2023 09:56
- Chỉ đạo khẩn về việc rà soát, kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh rau, củ, quả không đảm bảo ATTP - 22/09/2022 07:36
- Đưa thực phẩm an toàn vào trường học, bếp ăn tập thể - 21/09/2022 05:03
- Hàng loạt nhà hàng ở Hà Nội bị xử phạt vì kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP - 05/08/2022 03:36