Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ này đã đề xuất quy định về điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, điều kiện đối với kinh doanh thức ăn đường phố…
Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.
Bên cạnh đó, thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm. Nước chế biến thức ăn phải đáp ứng quy định về chất lượng nước ăn uống. Chất thải rắn phải được thu gom vào dụng cụ có nắp đậy. Cống rãnh ở khu vực chế biến phải có nắp đậy và không ứ đọng. Nguyên liệu, phụ gia dùng trong chế biến thức ăn phải có nguồn gốc xuất xứ và bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn và được chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải đội mũ, đeo khẩu trang, cắt ngắn móng tay; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực chế biến thực phẩm; sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Dự thảo nêu rõ, người đang mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp không được trực tiếp tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Điều kiện đối với kinh doanh thức ăn đường phố
Dự thảo cũng nêu rõ điều kiện đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể: Dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng, bao gói thức ăn không được thôi nhiễm vào thực phẩm. Thức ăn phải được bày bán trên giá kệ cao cách mặt đất ít nhất 60 cm và được che đậy để ngăn chặn bụi bẩn, côn trùng xâm nhập.
Nước phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng quy định về chất lượng nước ăn uống. Người kinh doanh phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh. Người đang mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.
Điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Theo dự thảo, thiết kế xây dựng nhà xưởng sản xuất phải đảm bảo quy trình sản xuất thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm; sơ chế, chế biến, đóng gói; nhà vệ sinh; rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan phải được bố trí riêng biệt; khu vực chiết rót nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí; cống rãnh thoát nước thải phải được che kín, không ứ đọng.
Bên cạnh đó, tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc. Không được bày bán phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong cơ sở kinh doanh hoá chất dùng cho mục đích khác. Nước sản xuất thực phẩm phải đáp ứng quy định về chất lượng nước ăn uống. Chất thải rắn phải được thu gom vào dụng cụ có nắp đậy. Nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, bao gói chứa đựng thực phẩm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ và được bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất. Thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải bảo đảm không gây thôi nhiễm vào thực phẩm.
Ngoài ra, phải có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm. Đảm bảo không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hoá chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.
Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, bao gói chứa đựng thực phẩm phải được tập huấn và được chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải đội mũ, đeo khẩu trang; cắt ngắn móng tay; không đeo đồng hồ, vòng, lắc. Không ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, dụng cụ, bao gói chứa đựng thực phẩm. Người đang mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp không được tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, bao gói chứa đựng thực phẩm.
Tin mới
- Hà Nội phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm - 07/08/2018 02:38
- An toàn thực phẩm mùa bão lũ - 20/07/2018 04:06
- Thu hồi 35 loại thực phẩm của Light Food, Vinanusoy - 13/06/2018 06:12
- Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh - 23/05/2018 03:12
- Bổ sung quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa - 21/05/2018 03:31
Các tin khác
- Đề xuất thí điểm thanh tra ATTP tại 9 tỉnh - 09/04/2018 10:25
- Thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại 7 địa phương - 26/03/2018 07:13
- Chưa thống nhất miễn kiểm tra an toàn thực phẩm - 19/03/2018 07:34
- Quy định mới về An toàn thực phẩm giảm 90% chi phí hành chính - 28/02/2018 07:15
- Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với phụ gia thực phẩm - 05/02/2018 03:11