Thứ ba, 06 Tháng 6 2017 15:06

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu lên những điểm mấu chốt trong bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề này, ngày 5/6.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về an toàn thực phẩm, ngày 5/6. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phó Thủ tướng cho biết, ngay trước khi Quốc hội có nghị quyết về giám sát tối cao đối với vấn đề ATTP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực Thế giới và Chính phủ một số quốc gia để tiến hành xây dựng báo cáo nghiên cứu độc lập về ATTP ở Việt Nam.

 

Cùng với đó, việc Quốc hội thực hiện giám sát về an toàn thực phẩm đã tạo ra những chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương, các ngành, các cấp.

 

Phó Thủ tướng cho biết, điểm đáng chú ý là báo cáo giám sát của Quốc hội và báo cáo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới cùng các tổ chức quốc tế cơ bản có sự tương đồng, giống nhau về nội dung đánh giá, cả về thực trạng, nguy cơ, đến nguyên nhân tồn tại, yếu kém và đề xuất giải pháp.

 

Trao đổi về một số vấn đề cụ thể, trước hết về các văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng cho rằng, dù luật ATTP, cũng như các văn bản dưới luật cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, sửa đổi nhưng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đi đầu trong khu vực về độ hiện đại và tiếp cận đúng xu thế của thế giới.

 

“Vấn đề là năng lực thực hiện của chúng ta chưa theo kịp. Như đại biểu Phong Lan (đoàn TPHCM) nói, chúng ta đã chuyển từ quản lý cắt khúc sang theo chuỗi nhưng vấn đề giữa các bộ vẫn còn những nét cắt ngang dù pháp luật không quy định nữa, điều này là do chúng ta thực hiện chưa tốt”, Phó Thủ tướng nói.

 

Về mô hình quản lý ATTP, từ thực tế trên thế giới không có một mô hình quản lý ATTP nào thành công cho tất cả các nước, Phó Thủ tướng cho rằng mô hình quản lý ATTP ở Việt Nam phải bảo đảm cân bằng, phù hợp với thực tiễn đất nước. Bởi bên cạnh việc quản lý những DN lớn thì chúng ta còn phải quản lý 9 triệu hộ sản xuất và nửa triệu hộ chế biến nhỏ lẻ. Mặt khác, cũng phải có cơ chế quản lý phù hợp khi Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu nông sản có thứ hạng trên thế giới; ẩm thực Việt Nam có sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách quốc tế...

 

“Vì vậy, mọi đánh giá về vấn đề ATTP đều phải bảo đảm tính cân bằng và sát với từng thời kỳ để từ đó đưa ra mô hình bộ máy tổ chức thực hiện phù hợp”, Phó Thủ tướng nhận xét và cho biết cơ chế quản lý ATTP phối hợp giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương đã được áp dụng ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Theo Phó Thủ tướng, “ở Trung ương chúng ta rất khó có thể tổ chức được một cơ quan thuộc Chính phủ hay một bộ chuyên về quản lý ATTP. Bởi Bộ NN&PTNT lo về nuôi trồng thì sao quản lý được thực phẩm chức năng thuộc Bộ Y tế. Chưa kể ngay trong sản xuất nông nghiệp cũng liên quan đến nước, không khí, đất… Vì vậy ở các nước đều phải có cơ chế là giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành và có một cơ chế điều phối chung”. Ông cũng cho rằng hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo liên ngành về ATTP ở các cấp phụ thuộc vào khả năng phối hợp giữa các ngành và trách nhiệm của người đứng đầu.



Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa Trung ương với địa phương từ công tác chỉ đạo đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền... Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm vận động toàn xã hội và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quản lý ATTP.

 

Chia sẻ quan điểm của một số đại biểu về “người tiêu dùng thông thái”, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thiết lập hệ thống đo kiểm dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giúp người tiêu dùng phân biệt được thực phẩm an toàn, không an toàn. Việc này không chỉ nằm ở các phòng thí nghiệm của các cơ quan thuộc ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT mà tất cả những phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ở các doanh nghiệp đều được tham gia.

 

Bên cạnh đó, trong điều kiện về luật pháp, tổ chức bộ máy như hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng việc xây dựng đội ngũ thanh tranh ATTP ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm ATTP.

Phó Thủ tướng cho biết, qua gần 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức thanh tra liên ngành ở 5 quận với 10 phường thuộc Hà Nội, TPHCM, sắp tới Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo mở rộng mô hình này tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đồng Nai…

 

Đồng tình với nhận định của đại biểu Quốc hội cho rằng bảo đảm ATTP vừa là tuân thủ pháp luật nhưng cũng là phạm trù đạo đức, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hoạt động tuyên truyền, vận động để huy động cả xã hội vào cuộc thay vì quan niệm coi đây là việc của các cơ quan, chính quyền.

 

“Không chỉ có những kênh truyền hình, phát thanh, chuyên mục, chuyên đề về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng ta cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội, cơ quan, chính quyền các cấp. Và điều quan trọng là phải kết hợp chặt chẽ với hệ thống đo kiểm thực phẩm để dần hình thành một thói quen thông tin, tuyên truyền về ATTP đều dựa trên bằng chứng, không mang tính suy luận”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

 

Kết thúc phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “ATTP là vấn đề rất lớn. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ xác định nỗ lực cần rất kiên trì, liên tục. Dù còn khó khăn về chính sách, thậm chí là một số văn bản pháp luật hay là sự phân công phối hợp, nhân lực, kinh phí nhưng với quyết tâm, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là những người đứng đầu ở tất cả các cấp thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Chính phủ rất đồng tình ý kiến của đại biểu Quốc hội là tới đây việc bảo đảm ATTP từ cơ sở trở lên phải dần dần đưa vào các tiêu chí thi đua như làng văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới”.

 

Nguồn: Chinhphu.vn