Thứ năm, 22 Tháng 12 2016 09:56

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét điểm nổi bật trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tiếp nối kết quả và hướng đi được xác định từ các năm trước, cùng sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, công tác vận động, tuyên truyền, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã tạo chuyển biến tích cực công tác ATTP. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Chiều 21/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

 

Thanh tra tăng, vi phạm giảm

 

Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đến các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra sự thay đổi và chuyển biến cơ bản tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Trong năm 2016, cả nước đã thành lập 22.667 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 345.112 cơ sở, phát hiện 56.984 cơ sở vi phạm, chiếm 16,5% (năm 2015 là 22,3%), xử lý 13.313 cơ sở trong đó phạt tiền 8.926 cơ sở với số tiền trên 33 tỷ đồng.

 

So với năm 2015, việc xử lý về ATTP trong năm 2016 mạnh mẽ hơn, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (2015) lên 23,4% (2016); hình thức cảnh cáo, nhắc nhở đã giảm và dần được thay thế bằng phạt hành chính, tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016).

 

Ngoài ra, qua các đợt thanh kiểm tra đột xuất, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm với tổng số tiền phạt trên 56 tỷ đồng; tịch thu và tiêu hủy lượng hàng hóa thực phẩm trị giá hơn 40 tỷ đồng; chuyển truy tố hình sự 4 vụ.

 

Việc công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên hơn, thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

 

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện/thị xã và phường/xã/thị trấn ở TPHCM và Hà Nội đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP.

 

Tại Hà Nội, lực lượng thanh tra chuyên ngành cơ sở đã thanh tra 710 cơ sở, phát hiện 313 cơ sở vi phạm, phạt tiền 139 cơ sở với tổng số tiền phạt 337,8 triệu đồng. Tại TPHCM đã thanh tra 446 cơ sở, phát hiện 99 cơ sở vi phạm, xử phạt 82 cơ sở với tổng số tiền 343 triệu đồng. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tuân thủ nghiêm túc hơn các quy định về ATTP, việc xử lý vi phạm được đẩy mạnh, 100% số thu được giữ lại để chi cho hoạt động bảo đảm ATTP ở cơ sở.

 

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra hầu hết các trường hợp vi phạm đều được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Năng lực của các đoàn thanh tra, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm ngay cả khi hàng hóa vi phạm còn để trong kho, chưa được lưu hành trên thị trường.

 

Công tác kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối 7.431 mẫu cho thấy tỉ lệ mẫu không đạt chỉ tiêu về lý hóa chiếm 6,5% (năm 2015 là 7,7%); không đạt về vi sinh vật chiếm 9,7% (năm 2015 là 11,9%).

 

Tỉ lệ mẫu thịt tươi có chất cấm Salbutamol là 1,27% (năm 2015 là 2,53%), đặc biệt trong 4 tháng từ tháng 7/2016-10/2016, cơ quan chức năng không phát hiện mẫu thịt nhiễm Salbutamol. Tỉ lệ rau,củ, quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 3,15% so với mức 8,6% của năm 2015. Tuy nhiên khảo sát ghi nhận sự gia tăng tỉ lệ mẫu thủy sản vi phạm chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm; tỉ lệ sản phẩm chế biến tồn dư hóa chất, phụ gia, chất bảo quản còn ở mức cao.

 

Đáng chú ý có 11 tỉnh/thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và giám sát chủ động về ATTP trên địa bàn đối với nước đóng bình, các mẫu thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, các mẫu giò chả, bún phở….

 

Ngộ độc thực phẩm đã giảm cả về số vụ, số người mắc, số tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, cả nước ghi nhận 166 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 2,4%); 4.386 người mắc (giảm 532 người), tử vong 12 người (giảm 42,9%). Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, do thức ăn đường phố, tại gia đình có xu hướng giảm, còn ngộ độc tại bếp ăn trường học, nhà hàng, khách sạn, tại các khu du lịch có xu hướng tăng.

 

Bên cạnh các kết quả tích cực, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá nguồn lực dành cho công tác bảo đảm ATTP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đầy đủ về nhân lực, kinh phí cho hoạt động này. Các xã/phương chưa nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong bảo đảo ATTP ở cơ sở.

 

Các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, rà soát đầy đủ các văn bản, quy định nhưng còn cần khắc phục những hạn chế trong việc công nhận, chỉ định các phòng kiểm nghiệm thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

Hướng đi đúng cần phát huy

 

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng những kết quả tích cực về ATTP trong năm 2016 là sự tiếp nối của năm 2015 và hướng đi được xác định từ các năm trước. Đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các bộ ngành, sự chủ động tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội trong vận động, tuyên truyền, giám sát thực hiện các quy định về ATTP ở cơ sở.

 

Đơn cử như việc thực hiện thí điểm thanh tra ATTP xã/phường đã hình thành nhen nhóm ý tưởng từ những cuộc họp của Ban Chỉ đạo trong năm 2013, 2014 và chính thức xây dựng đề án và triển khai từ năm 2015 đã đem lại kết quả rất tích cực.

 

Hay việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, sản an toàn đã được Bộ NN&PTNT, TP. Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành chuẩn bị nhiều năm để đến năm 2016 đã 141 chuỗi  tại 44 tỉnh, trong đó 129 chuỗi được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi.

 

“Điểm nổi bật nhất trong năm 2016 là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã tạo chuyển biến tốt trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét.

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 được các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất như: Triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội xuân năm 2017.

 

Tháng an toàn thực phẩm 2017 được đề nghị giữ nguyên chủ đề về nông nghiệp để tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP đối với các loại thực phẩm tươi sống, xử lý dứt điểm việc sử dụng các chất cấm như Salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm.

 

Bộ Y tế tập trung vào xây dựng các quy định bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể đối với những DN có đông công nhân; siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức.

 

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình giám sát ATTP trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP; theo dõi và kịp thời các sự cố mất ATTP tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang…

 

Đồng tình với những nhiệm vụ về bảo đảm ATTP triển khai trong năm 2017 theo đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những chuyển biển tích cực trong công tác ATTP có vai trò rất lớn của địa phương với những cách làm khác nhau như TPHCM đề nghị lập cơ quan chuyên về ATTP trong khi TP. Hà Nội lại siết chặt trách nhiệm bảo đảm ATTP đến tận quận/huyện, xã phường.

 

“Các bộ, ngành cần theo sát, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời trong quá trình triển khai tại các địa phương để đánh giá hai mô hình trên. Đồng thời khẩn trương báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm thanh tra ATTP ở quận/huyện, xã/phường làm rõ hiệu quả các mặt thực tiễn như biên chế không tăng, xử lý cơ sở vi phạm tăng, chuyển biến rõ về vấn đề ATTP, làm cơ sở đề xuất nhân rộng mô hình này tại một số địa bàn

nóng về vấn đề ATTP”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

 

Thanh tra phải đi đôi với kiểm nghiệm

 

Nhấn mạnh công tác thanh tra phải đi đôi với tăng cường năng lực kiểm nghiệm thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương huy động tất cả các phòng kiểm nghiệm sẵn có đủ điều kiện hoặc hỗ trợ những cơ sở đã gần đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm ATTP thậm chí cả trong kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế, DN tham gia vào hoạt động này, tránh tình trạng cục bộ của một số ngành, địa phương.

 

“Chúng ta cần phải tăng cường kiểm nghiệm kết hợp với công tác thanh tra mới chuyển biến”.

 

Từ những kết quả tích cực của các mô hình chuỗi thực phẩm nông, lâm, sản an toàn đã được triển khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý trong năm 2017 Bộ NN&PTNT tập trung phối hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân khi có các chương trình vay vốn của hội viên thì lồng ghép, vận động phát triển sản xuất theo chuỗi. Tại các đô thị lớn thì đẩy mạnh hệ thống phân phối, bán lẻ thực phẩm an toàn.

 

“Năm 2017, chúng ta nên tập trung vào chuỗi sản xuất, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm sạch và hệ thống bán lẻ, phân phối ở đô thị lớn. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng với truyền thông mạnh mẽ tại một số thành phố như Hà Nội, đã xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch, có thể nguồn gốc rõ ràng, chứ không chỉ có trong siêu thị như trước đây. Người tiêu dùng cũng đã ý thức hơn trong mua và sử dụng thực phẩm sạch. Điều này sẽ tạo chuyển biến về ATTP đến tận các chợ nhỏ lẻ, truyền thống”, Phó Thủ tướng nói.

 

 

Nguồn: Chinhphu.vn