Ngày 23/10/2017 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực người khuyết tật (DRD) đã tổ chức hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật”. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tất cả sinh viên khuyết tật tiếp cận giáo dục, tìm giải pháp của các bên liên quan.
Em Lê Minh Tú và câu chuyện bị nhiều trường từ chối cho nhập học bởi mang tật câm điếc bẩm sinh
Trong buổi hội thảo, nhiều sinh viên khuyết tật đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn mà bản thân các em gặp phải, từ đó mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan để giúp việc tới trường của các em được thuận lợi hơn.
Nhiều lãnh đạo các cấp cũng đã tham gia buổi hội thảo
“Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật” cũng có sự góp mặt của các bạn sinh viên
Bị nhiều trường từ chối cho nhập học bởi mang tật câm điếc bẩm sinh
Em Lê Minh Tú (hiện đang sinh viên năm nhất ngành tâm lý, đại học Văn Hiến) đã tâm sự về việc bản thân bị nhiều trường từ chối cho nhập học bởi mang tật câm điếc bẩm sinh. Tú kể, khi em tốt nghiệp lớp 12 thì được nhận vào trường cao đẳng Bách Việt nhưng khi đến nộp hồ sơ thì trường cao đẳng Bách Việt không chấp nhận cho Tú có sử dụng người phiên dịch và em phải đóng 2 phần học phí, bao gồm phần học phí để vào học và phí cho người phiên dịch. Bởi vì gia đình của Tú không đủ điều kiện nên em đã không được vào học.
Tiếp theo, Tú đã cùng bố đến trường đại học Công nghệ TP. HCM và trường đã nhận hồ sơ của em. Nhưng sau đó vào ngày nhập học, khi Tú đến trường thì Ban giám hiệu nhà trường mới nhận ra em là người khiếm thính và Ban giám hiệu đã nói rằng “không thể nhận người khiếm thính vào học được”, bởi vì vấn đề là Tú không đủ sức khỏe để có thể vào học bậc đại học. Trường đại học Công nghệ TP. HCM cũng không đồng ý cho người phiên dịch vào trong giảng đường chung với Tú. Hai bố con đã thất vọng rất nhiều về điều này.
Tú và bố lại tiếp tục đi tới trường đại học Văn Hiến và may mắn là nhà trường đã nhận Tú vào học và trao cho em học bổng. Thế nhưng trong suốt một tuần đầu tiên thì Tú không thể học được vì nhà trường không cung cấp phiên dịch cho em. Tú nói với nhà trường rằng khi em đi học thì cần phải có người phiên dịch nhưng nhà trường cho rằng “em cứ vào lớp ngồi, nhìn giáo viên giảng bài thì em sẽ học được thôi”. Sau đó Tú cùng với bố lên trình bày với nhà trường và cuối cùng nhà trường đã cho Tú vào lớp học cùng với người phiên dịch.
Còn em Nguyễn Hoàng Lâm (hiện đang là sinh viên ngành Sư phạm) lại gặp một vấn đề khác: “Trước đây em tốt nghiệp cao đẳng và sau đó học liên thông lên đại học. Khi học chương trình liên thông lên đại học thì em học hòa nhập với sinh viên của trường đại học Đồng Nai (trước đó, khi học cao đẳng thì em học đào tạo riêng). Chúng em gặp vấn đề khó khăn là nội dung lớp học sâu quá, có nhiều môn học chúng em không thể theo kịp nên rất mong muốn được hỗ trợ đội ngũ phiên dịch dành cho người khiếm thính trong trường đại học”.
Em Nguyễn Hoàng Lâm (hiện đang là sinh viên ngành Sư phạm) lại gặp một vấn đề khác
Sinh viên khuyết tật gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận giáo dục
Hội thảo cũng đã dành sự quan tâm lớn trước chia sẻ sâu sắc và chi tiết của em Nguyễn Ngọc Hiệp (sinh viên năm cuối ngành Quản lý giáo dục, trường đại học Sư phạm TP. HCM). Hiệp là một sinh viên khiếm thị và mong muốn chia sẻ những khó khăn của bản thân mình cũng như của cộng đồng khiếm thị.
“Người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề học tập cũng xuất hiện nhiều rào cản lớn. Các thầy cô giáo đôi khi cố gắng để cho các em khuyết tật lên lớp, “cứ cho lên lớp đi chứ mất gì đâu”. Thực tế thì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tri thức mà các em nhận được, ảnh hưởng một phần đến khả năng đáp ứng nhu cầu của học sinh đó.
Về vấn đề tài liệu, sách vở là những thứ đúc kết đã được nghiên cứu nhưng học sinh khiếm thị lại không thể đọc được những tài liệu đó, chỉ có thể nghe được các thầy cô chia sẻ thôi nên khó có thể mở rộng tri thức và tiếp thu những tri thức mới. Các trường cao đẳng, đại học chưa thể chuyển những giáo trình, tài liệu đó về dạng file mềm để giúp cho các sinh viên khiếm thị có thể học được thông qua các phần mềm. Nhưng việc mua sách, mua tài liệu, mua máy scan lại tốn một chi phí rất cao, mất thời gian của bạn học sinh đó.
Hội thảo cũng đã dành sự quan tâm lớn trước chia sẻ sâu sắc và chi tiết của em Nguyễn Ngọc Hiệp (sinh viên năm cuối ngành Quản lý giáo dục, trường đại học Sư phạm TP. HCM)
Ngoài ra, những người khiếm thị thường có kỹ năng sống rất yếu: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, kỹ năng xin việc, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý cảm xúc… bởi vì gần như ở các trường chuyên biệt thì việc giáo dục kỹ năng mềm chưa được chú trọng.
Vấn đề học, thực hành, kiến tập thực tập và việc làm của người khiếm thị cũng có nhiều khó khăn. Do bị thiếu hụt một phần về kiến thức chuyên môn trong quá trình được đào tạo, đồng thời những sinh viên khiếm thị đi kiến tập thực tập thì đa phần ở những trường, cơ sở trung tâm thì người ta thương cảm và tạo điều kiện nên những vô hình chung đã không giúp hình thành kỹ năng, chuyển những kiến thức được học thành những kỹ năng chuyên môn. Đến khi đi xin việc thì kiến thức chuyên môn không đáp ứng, kỹ năng cũng thiếu hụt nên nhà tuyển dụng không sẵn lòng tiếp nhận sinh viên khiếm thị.
Còn vấn đề đi lại thì khi các bạn khiếm thị đi xe bus, các bạn không thể nhìn thấy số xe, trong trường hợp không có người xung quanh hỗ trợ thì người khiếm thị không thể nhìn thấy trạm xe bus. Thậm chí nhiều trường hợp, tài xế xe bus khi nhìn thấy người khiếm thị đang đứng đón thì cũng bỏ trạm không đón.
Việc di chuyển khó khăn như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học. Như một lần vào đầu năm nhất khi em đi học, em đón xe từ lúc 1h30 nhưng lại đến được chỗ học lúc 4h15. Hoặc thậm chí em còn tự nhủ là thà em đi dưới lòng đường để em bị xe đụng chứ em không muốn đi trên lề đường để em đụng xe”.
Hiệp là một sinh viên khiếm thị và mong muốn chia sẻ những khó khăn của bản thân mình cũng như của cộng đồng khiếm thị.
Trước chia sẻ của nhiều sinh viên khuyết tật, ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật cho biết: “Theo thống kê của Tổng cục điều tra dân số và nhà ở năm 2009, số người khuyết tật ở Việt Nam là 7.8% dân số, tương đương với 6.1 triệu người khuyết tật. Trong số đó 0.1% là người khuyết tật có trình độ cao đẳng đại học, tức là 1000 người khuyết tật thì chỉ có 1 người học đại học cao đẳng.
Sinh viên khuyết tật gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục bởi chi phí học tập lớn. Đối với sinh viên, dù có khuyết tật hay không khuyết tật cũng đều sử dụng những chi phí: Học phí, tài liệu học tập, nhà trọ. Nhưng đối với sinh viên khuyết tật thì phát sinh thêm một số chi phí nữa. Ví dụ như sinh viên cần có những dụng cụ hỗ trợ cho vấn đề đi lại. Sinh viên không khuyết tật thì có thể sử dụng xe bus, xe gắn máy hoặc đi bộ… nhưng sinh viên khuyết tật sẽ phải phát sinh thêm chi phí đó.
Ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật cũng đưa ra nhiều chia sẻ về sự khó khăn của sinh viên khuyết tật
Sinh viên khuyết tật vận động thì chi phí nhà trọ phát sinh rất nhiều. Nếu sinh viên đó không có công cụ hỗ trợ, nẹp nạng, xe lăn thì có thể ở nhà trọ như những sinh viên bình thường khác nhưng đối với những em sinh viên khuyết tật nặng, sử dụng nẹp nạng, xe lăn thì các em bắt buộc không thể ở trên tầng lầu mà phải ở dưới trệt, từ đó chi phí sẽ mắc hơn. Những trường hợp sử dụng xe 3 bánh thì nhà trọ phải có không gian rộng để có thể cho xe ba bánh di chuyển được. Như vậy tìm những nhà trọ đáp ứng được chi phí đó sẽ rất khó.
Có nhiều em sinh viên đi học đại học thì có người thân cõng các em lên trường, suốt 4 năm ròng rã, điều đó ảnh hưởng đến nguồn thu nhập cá nhân trong gia đình, người đó không đi làm được mà dành toàn bộ thời gian để hỗ trợ con em đi học.
Còn đối với sinh viên khiếm thị, phần lớn các em đi học thì phải dùng 2 phương tiện là xe bus, xe ôm. Nhiều lúc các em đến trường, xe bus chạy qua các em không nhìn thấy nên trễ học, bởi vậy thường các em dùng xe ôm, mà xe ôm cũng đắt, mỗi tháng tốn 1.500.000 đ – 2.000.000đ cho di chuyển đến trường. Các em sinh viên khiếm thính thì phải sử dụng người phiên dịch, từ đó chi phí sẽ phát sinh rất lớn”.
Nguồn: Báo Việt Nam mới
Tin mới
- Chinh phục giấc mơ tri thức trên xe lăn - 16/01/2018 07:10
- Những 'trại phong' đóng băng ký ức - 15/01/2018 07:19
- Vươn lên từ sỏi đá - 03/11/2017 06:59
- Bé gái gốc Việt khuyết tật ước mơ thành vận động viên bơi lội Mỹ - 31/10/2017 08:00
- Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật - 30/10/2017 03:02
Các tin khác
- Nữ sinh khuyết tật ở Sài Gòn bị nhiều trường từ chối - 27/10/2017 06:50
- Hạnh phúc là được trở thành điểm tựa của nhau - 20/10/2017 06:38
- 8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị - 05/10/2017 06:36
- Tìm nguồn vui sống bằng âm nhạc - 08/09/2017 03:10
- Tận cùng của nỗi đau là hạnh phúc mỉm cười - 17/08/2017 05:07