Thành lập từ tháng 7/2012, nhóm nhạc AHF (thuộc Chi hội Người khuyết tật Nguyễn Nga ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) quy tụ một số bạn trẻ khuyết tật trong tỉnh có chung niềm đam mê âm nhạc. Từ những khóa học miễn phí dài hạn tại đây, âm nhạc với họ không chỉ là “liệu pháp tinh thần” làm dịu vơi nỗi buồn khiếm khuyết mà còn là phương tiện để hòa nhập, kiếm sống…
Trong “ngôi nhà” âm nhạc
Nhóm nhạc đặc biệt này mang tên nhà tài trợ là Công ty thương mại AHF (Australia). Phụ trách giảng dạy cho nhóm nhạc là 4 giáo viên: Lý Anh Võ - nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Bình Định; Dương Thị Thanh Nguyên - giáo viên âm nhạc Trường THCS Quang Trung (TP Quy Nhơn); Đinh Văn Nhân và Bùi Vĩnh Phi - nhạc công Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.
Lúc mới ra đời, nhóm nhạc AHF chỉ có 3 thành viên, đến nay là 13 người, gồm 11 người khiếm thị và 2 người khuyết tật vận động đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định như TP Quy Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Hoài Ân... Với không ít người khuyết tật thì nhóm nhạc AHF của Chi hội Người khuyết tật Nguyễn Nga thật sự là “ngôi nhà tinh thần” để những tâm hồn yêu âm nhạc tìm đến.
Ông Diệp Nhẫn, cha của thành viên Diệp Văn Thạch (25 tuổi, quê ở Ân Hảo, Hoài Ân) tâm sự: “Thạch mê nhạc từ bé, trong đầu nó lúc nào cũng có ước muốn tìm được một cơ sở dạy nhạc cho người khiếm thị để học. Năm Thạch 15 tuổi, tôi từng dẫn con vào TPHCM để đăng ký theo học nhạc ở một cơ sở dạy nhạc cho người khuyết tật tại huyện Củ Chi. Tìm được nơi dạy rồi nhưng vì Thạch khó có thể tự lập ở môi trường sống xa lạ, hoàn cảnh gia đình không cho phép tôi ở lại lâu để chăm sóc con, đến tận nơi cho thỏa lòng vậy thôi, rồi hai cha con đành về. Tôi thấy con vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm tổng đài, nó hy vọng sẽ có ngày trong tỉnh có một điểm dạy nhạc như thế. Rồi tổng đài chỉ cho nó nhóm nhạc AHF này, khỏi nói nó vui sướng cỡ nào”.
Cũng như những thành viên khác, bằng niềm đam mê cháy bỏng, năng lực cảm thụ đặc biệt và ý chí chinh phục, chiếm lĩnh âm nhạc, đến nay, Thạch đã chơi đàn bầu thành thạo. Hay như Cao Thị Ngọc Phượng (33 tuổi, ở TP Quy Nhơn) - đôi chân bé nhỏ, teo tóp, và Nguyễn Thị Gái (39 tuổi, ở Tây Giang, Tây Sơn) - không may bị lòa 1 mắt và liệt cả hai chân, những âm điệu réo rắt của tiếng đàn tranh tuôn ra dưới đôi tay họ chính là phần thưởng ngọt ngào cho chuỗi ngày vất vả và mê say học đàn.
Bài hát “Thắp sáng yêu thương” của anh khá nổi tiếng, được nhiều chi hội người khuyết tật lấy làm “hội ca”, biểu diễn rộng rãi, phổ biến trên youtube. Anh Hậu là người học đàn sớm nhất AHF, đã từng được Huy chương vàng thi hát tại Hội trại Lý Công Uẩn. Khi không có lịch tập, anh đi hát đám cưới để kiếm thêm thu nhập.
Nhạc sĩ Đinh Văn Nhân chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với AHF từ năm 2012 đến nay. Các em khiếm thị nên học nhạc rất khó khăn, mất sự nhìn tương ứng với mất 50% sự tiếp thu. Nhưng bù lại, các em nghe rất nhạy và rất chịu khó tập luyện. Tất nhiên, trong quá trình dạy, chúng tôi và những thành viên có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn thêm cho những thành viên gia nhập sau. Cứ như vậy, bằng sự tương tác giữa thầy và trò, giữa các thành viên với nhau và bằng sự nỗ lực của chính mình, từng người trong nhóm nhạc dần trưởng thành”.
Nhóm nhạc AHF, người lớn nhất đã 40 tuổi, nhỏ nhất 14 tuổi, họ là những “hạt gạo trên sàng” qua quá trình chọn lọc bài bản từ các nhạc sĩ chuyên nghiệp trong tỉnh Bình Định. Bằng sợi dây liên kết là niềm yêu thích âm nhạc, họ xích lại gần nhau hơn, trở thành một ê kíp phối hợp nhịp nhàng trong từng bài biểu diễn.
Dưới mái nhà này, các thành viên xem nhau như người thân, san sẻ công việc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chuyện sinh hoạt ăn uống của nhóm nhạc cũng hoàn toàn tự túc. Họ tự lập trình lịch trực, phân mỗi ngày từ 2 đến 3 người lo chuyện đi chợ, nấu ăn như người sáng mắt.
Chuyên sâu nhạc cụ truyền thống
Tùy năng khiếu, thế mạnh từng người, nhóm nhạc 12 thành viên này có thể biểu diễn một chương trình âm nhạc khá đa dạng, gồm hát, trình diễn nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Trong đó, thế mạnh của nhóm là trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Họ rất nghiêm túc luyện tập để trở thành những nhạc công chơi nhạc cụ cổ truyền chuyên nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, AHF vừa đi giao lưu, biểu diễn theo yêu cầu ở nhiều nơi, vừa luyện tập nâng cao. Hàng trăm sô diễn đã giúp nhóm nhạc làm quen với không khí sân khấu, giúp họ tự tin biểu diễn trước khán giả.
Từ “sân khấu” giản dị ngay tại Chi hội Người khuyết tật Nguyễn Nga, những hội trường của các cơ quan đoàn thể đến sân khấu có sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả, nhóm nhạc AHF đều tự tin trình diễn thành công trước sự yêu mến, cảm phục của người xem.
Trong một chương trình biểu diễn, tôi đã nghe hai chị Phượng và Gái song tấu đàn tranh bài dân ca Nam Bộ “Ru con”. Dường như tâm sự, khát khao hạnh phúc của hai người phụ nữ khuyết tật gửi gắm qua tiếng đàn càng làm cho tiếng đàn thêm truyền cảm.
Những người có mặt đều xúc động bởi giai điệu đầy sức sống cùng những lời hát thật lạc quan do thủ lĩnh Võ Minh Hậu sáng tác và nhóm đồng ca. “Hát vang lên khúc ca yêu đời, cho dù đời ta lắm bao thác ghềnh/ Bạn và tôi ôm đàn ngân lên, ca ngợi khúc hát trái tim yêu thương…”.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh Nga - Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật Nguyễn Nga, trong ý tưởng lập ra một nhóm nhạc của người khuyết tật và cho đến tận giờ, khi AHF đã đi được một chặng đường, chị có tham vọng, rằng bằng âm nhạc, các thành viên sẽ tìm được một nghề phù hợp.
“Mọi thành viên của nhóm tìm đến âm nhạc trước sau đều vì sở thích thuần túy, nhờ âm nhạc giúp họ sống vui hơn. Sau đó, nếu có thể, lấy năng khiếu nghệ thuật để làm phương tiện kiếm sống theo tôi cũng là một hướng đi cho một bộ phận người khuyết tật. Tất nhiên chương trình của họ phải có chất lượng nghệ thuật nhất định chứ không hẳn nhờ vào tinh thần nhân đạo”, chị Nga nhấn mạnh.
Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Gia Thiện - Phó Giám đốc phụ trách nhà hát tuồng Đào Tấn, đánh giá: “Tôi thật sự bất ngờ, ấn tượng, khâm phục với những gì nhóm nhạc AHF đã thể hiện. Thành quả này chỉ có thể được tạo nên từ những niềm đam mê thật sự, những tâm hồn cảm thụ âm nhạc nhạy cảm và những ý chí lớn”.
“Nghề nhạc” theo như cách gọi nôm na của 12 thành viên AHF có thể mang lại cho họ giá trị tinh thần và một phần vật chất nhỏ cho cuộc sống vốn nhiều khó khăn của họ.
Tôi tin rằng, giữa dòng chảy âm nhạc hiện đại, AHF sẽ như một điểm nhấn đặc biệt “lội ngược dòng thời gian” mang lại những dư vị rất riêng trong lòng người yêu nhạc.
Nguồn: Báo Giáo Dục Thời Đại
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật - 30/10/2017 03:02
- Nữ sinh bị nhiều trường từ chối vì câm điếc bẩm sinh - 30/10/2017 02:54
- Nữ sinh khuyết tật ở Sài Gòn bị nhiều trường từ chối - 27/10/2017 06:50
- Hạnh phúc là được trở thành điểm tựa của nhau - 20/10/2017 06:38
- 8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị - 05/10/2017 06:36
Các tin khác
- Tận cùng của nỗi đau là hạnh phúc mỉm cười - 17/08/2017 05:07
- Nẹp và tôi - 15/08/2017 11:43
- Con trai bị mắc bệnh, cả gia đình cùng đội mũ bảo hiểm khiến dân mạng xúc động - 08/08/2017 02:41
- Cô gái khuyết tật và chuyện luôn có bao cao su phòng thân - 21/07/2017 09:41
- Alec Baldwin bị hội người khuyến tật phản đối - 07/07/2017 03:17