Thứ hai, 30 Tháng 10 2017 10:02

Không chỉ được một mà tới 2, 3 trường ĐH, CĐ gửi giấy mời nhập học nhưng khi các bạn đến trường làm thủ tục nhập học thì đều bịnhà trường từ chối. Lý do là các bạn có một thân thể khiếm khuyết nên không đáp ứng khả năng học tập. Tình cảnh trớ trêu này được chính các “nạn nhân” chia sẻ tại Hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật (SVKT)” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức ngày 23-10.

 

sinh viên khiếm thị chia sẻ

SV khiếm thị Nguyễn Ngọc Hiệp - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - chia sẻ khó khăn của người khuyết tật. Ảnh: N.Trinh

Không được nhập học vì... khuyết tật

Lê Minh Tú là SV khiếm thính, hiện đang học năm nhất ngành tâm lý Trường ĐH Văn Hiến. Trước đó, tốt nghiệp lớp 12, Tú được Trường CĐ Bách Việt nhận vào học. Tuy nhiên khi đến nộp hồ sơ thì nhà trường không chấp nhận bởi không có người phiên dịch. Nếu học, Tú phải vừa đóng học phí thông thường, vừa phải đóng phí thuê người phiên dịch nhưng hoàn cảnh khó khăn nên đã bỏ cuộc. Sau đó, Tú nộp hồ sơ vào được Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Nhưng cũng như lần trước, Tú bị nhà trường từ chối. Vì xem xét thấy sức khỏe của Tú không đủ để theo học và không cung cấp người dịch. Phải đến lần thứ ba thì cánh cửa trường ĐH mới mở cho Tú khi Trường ĐH Văn Hiến chấp nhận. Không những thế nhà trường còn cấp học bổng cũng như cung cấp người phiên dịch hỗ trợ học tập cho Tú.

 

Không chỉ có Tú, rất nhiều SV khiếm thính khác cũng gặp trở ngại khi làm thủ tục nhập học tại các trường ĐH, CĐ cũng như những khó khăn khi đã được nhà trường chấp nhận. Bởi phần lớn tài liệu dành cho việc học tập còn trên giấy, chưa chuyển tải về file mềm nên SV khiếm thính không thể đọc. Kiến thức chuyên ngành khiếm thính trên mạng thì chưa nhiều. Bên cạnh đó là chính sách miễn giảm học phí do gia đình nghèo, miễn giảm môn học khi bản thân không thể đáp ứng tốt. Điển hình như môn tiếng Anh, SV khiếm thính gặp khó trong quá trình học kỹ năng nghe nhưng vẫn phải học bình thường. Trường hợp của Khả Ái (SV khiếm thính Trường ĐH Hoa Sen) có điểm các môn đạt 3.3/4, riêng tiếng Anh nghe yếu nên chỉ đạt 1.3, dẫn đến không đủ điểm tích lũy là 2.7 trở lên.

 

Tại hội thảo, Nguyễn Ngọc Hiệp, SV khiếm thị ngành quản lý giáo dục Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM cũng chia sẻ, quá trình di chuyển của bản thân đa phần trông chờ vào xe buýt hoặc người xung quanh giúp đỡ nhưng rất khó để tìm được số xe buýt đúng tuyến. Nhiều khi tìm được xe thì bị tài xế bỏ qua chỉ vì đó là SVKT. Có lần Hiệp đón xe buýt số 28 để đến cơ sở trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) để học nhưng mất gần 3 tiếng đồng hồ, trong khi mọi ngày chỉ mất gần 1 tiếng.

 

Phan Thị Rát (một cựu SVKT) tâm sự, trường học không bố trí đường di chuyển cho xe lăn, trong khi đó, nhiều phòng học ở tầng trên. Bản thân Rát nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè trong việc di chuyển thì không thể hoàn thành khóa học.

 

Lãng phí một lượng lớn nguồn lao động

 

Các phát hiện của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở cho thấy, khoảng 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên có khó khăn trong việc thực hiện ít nhất 1 trong 4 chức năng nghe, nhìn, vận động, tập trung hoặc ghi nhớ. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm nhưng người KT vẫn gặp không ít khó khăn.

 

Ông Lê Hữu Thương - điều phối dự án tiếp cận giáo dục dành cho SVKT (DARE) - cho biết, nhiều SVKT có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt SV ở tỉnh. Các bạn phải ở nhà trọ chật chội và thiếu thốn đủ thứ. Rồi phương tiện đi lại cũng gặp khó khăn, dụng cụ hỗ trợ KT, thiết bị học tập thiếu thốn, trong khi học phí thì cao. Để cải thiện cuộc sống, nhiều bạn đã tìm việc làm thêm nhưng không dễ chút nào. Qua khảo sát chỉ có 21,7% SVKT tìm được việc làm thêm với mức thu nhập 750 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng, chủ yếu làm ở nhà. Trong khi đó, chi phí học tập là 80 triệu đồng/năm đối với trường công lập, trường ngoài công lập cao gấp 2 đến 3 lần.

 

Ông Hoàng Trường Giang - Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM - cho rằng, còn nhiều quy định thực sự chưa phù hợp đối với người KT. Ngay như thủ tục cấp giấy chứng nhận KT cũng chưa có sự đồng bộ. Trước đây chỉ cần giấy chứng nhận của bệnh viện nhưng nay đòi hỏi phải có thêm giấy chứng nhận của phường, xã. Các đơn vị này lại hay thoái thác trách nhiệm vì thiếu người chứng nhận.

 

Vấn đề đáng nói là TP.HCM đang lãng phí một lượng lớn nguồn lao động là người KT. Trong khi đó nhu cầu nguồn nhân lực này lại rất lớn. “Hiện TP.HCM có gần 5.300 HSKT học hòa nhập tại nhiều trường và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Và số HSKT tăng lên hàng năm. Vì vậy TP cần một lượng lớn giáo viên KT nhưng rất khó để tuyển đủ. Còn khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mỗi năm cũng chỉ tuyển được 30 đến 50 SV”, ông Giang cho biết.

 

Từ thực tế này, TS. Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người KT Việt Nam - cho biết, sẽ tổng hợp những ý kiến của các đại biểu để kiến nghị với Bộ GD-ĐT, Bộ GT-VT, Bộ LĐ-TB&XH nhằm giải quyết khó khăn, đảm bảo quyền lợi học tập cho SVKT.

 

Nguồn: Báo Giáo Dục

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi