Thứ năm, 12 Tháng 4 2018 16:19

Trở thành người khuyết tật từ khi 3 tháng tuổi sau một cơn sốt ác tính, thừa hưởng năng khiếu của mẹ nên từ nhỏ, chị Hoàng Thị Khương đã gắn bó và đam mê với nghề thêu tranh truyền thống. Để rồi, từng đường kim, mũi chỉ như tiếp thêm năng lượng để chị từng bước vượt lên mặc cảm khuyết tật, sống hòa đồng với mọi người và hỗ trợ cho nhiều phụ nữ khuyết tật khác có cơ hội làm việc, kiếm thêm thu nhập.

 

184KHUONG 2

 

Chúng tôi về thôn Quất Động, xã Quất Động, Thường Tín Hà Nội vào một chiều xuân mưa bay lất phất. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ vừa là xưởng thêu vừa là nơi ăn nghỉ của mình, bên chén trà nóng thoang thoảng hương nhài, chị Khương - Giám đốc Công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó của cuộc đời mình.

 

Sinh năm 1965, chị Khương là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em, bố làm ruộng, mẹ làm nghề thêu tranh thủ công. Lúc sinh ra chị cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng khi được 3 tháng tuổi, chị

 

trải qua một cơn sốt co giật mạnh nên bị liệt nửa người. Sau bao nhiêu nỗ lực, chạy chữa khắp nơi, đến năm 4 tuổi sức khỏe của chị Khương đã cải thiện rõ rệt, nhưng một bên chân thì vĩnh viễn không còn cảm giác.

 

 

Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị Khương chỉ được học đến lớp 8. Nhưng được thừa hưởng năng khiếu từ mẹ nên từ nhỏ, chị đã được dạy thêu tranh và học rất nhanh. Bảy tuổi chị đã có thể tự thêu những bức tranh của riêng mình. Khi các bạn cùng trang lứa tíu tít đến trường thì chị dành toàn bộ thời gian của mình, say sưa với những đường kim, mũi chỉ, thỏa sức sáng tạo, thả hồn phiêu du theo những địa danh nổi tiếng và cung bậc cảm xúc của riêng mình.

184KHUONG 1

 

Công việc thêu tranh không chỉ phù hợp với sức khỏe của chị, giúp chị tìm thấy niềm vui trong cuộc sống mà sự cần mẫn, miệt mài cũng đã đem lại cho chị thu nhập để tự nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào bố mẹ hay anh chị em trong nhà. Từ đó, chị nảy sinh ý muốn giúp đỡ những người phụ nữ đồng cảnh với mình.

 

 

Từ những năm 1990 chị đã biết giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, chị vừa thêu vừa nhận dạy thêu miễn phí cho những người khuyết tật khác để tạo công ăn việc làm cho họ. Năm 2013, chị thành lập Công ty TNHH Thêu Tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, trụ sở đặt ngay tại nhà chị. Khách hàng của chị chủ yếu là khách lẻ, qua giới thiệu mà tìm đến mua tranh. Đặc biệt, có rất nhiều khách là người nước ngoài, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Trong hai năm 2014, 2015, cơ sở của chị đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức dạy nghề cho 50 lao động là người khuyết tật.

 

 

Hiện nay, cơ sở có khoảng 20 chị em là người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật khác nhau cùng làm. Thu nhập bình quân mỗi người từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề mỗi người. Có những người khuyết tật trí tuệ, một ngày chỉ làm được vài ba tiếng nhưng chị vẫn đồng ý cho làm. Chị bảo “Mình cũng là người khuyết tật nên mình hiểu và đồng cảm với các chị em. Công việc là cơ hội để họ thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, nỗi mặc cảm tự ti và cũng là cơ hội để họ hòa nhập với động đồng. Vì vậy, ai làm được phần nào thì làm, sau đó mình sẽ làm công đoạn hoàn thiện, sửa lỗi nếu có”.

184KHUONG

 

Không lập gia đình, trong hơn nửa cuộc đời đã đi qua, chị Khương dành trọn cho tranh thêu và các bạn đồng cảnh. Có thể ai đó sẽ cho rằng vì mặc cảm khiếm khuyết nên chị không lập gia đình. Nhưng thực tế, đó là lựa chọn của chị từ khi còn rất nhỏ. “Chỉ khi sống một mình, tôi mới có thể dành trọn niềm đam mê cho tranh thêu, sống với nó và lưu truyền lại nó cho những người đồng cảnh khác. Đó chính là niềm hạnh phúc mà tôi có được”.

 

 

Có thể nói, tranh thêu là niềm đam mê và cũng là tài sản duy nhất của chị Khương. Trong nhà chị hiện còn lưu giữ gần 20 bức tranh quý được làm ra bằng chính tâm huyết, niềm đam mê và sáng tạo của chị thời thanh xuân. “Có những bức khách xem xong trả giá hàng trăm triệu đồng, nhưng tôi không bán. Cuộc sống của tôi không có gì ngoài tranh, tôi chỉ muốn lưu giữ nó cho riêng mình, như những đứa con tinh thần động viên tôi trong những tháng ngày gian khó của cuộc sống, là động lực khuyến khích các em khuyết tật tiếp tục phấn đấu, nỗ lực gắn bó với nghề và tranh cũng sẽ làm bạn với tôi lúc tuổi già”.

 

Không tự mãn về bản thân và những gì đã đạt được, hiện nay chị Khương đang cố gắng tích cóp hơn nữa để có thể mở rộng cơ sở, có không gian thoải mái, thoáng đãng cho các chị em khuyết tật làm nghề và nhận đào tạo thêm nhiều học viên nữa. Chị cũng sẽ mở rộng thêm một căn phòng dùng để triển lãm tác phẩm tranh ảnh thêu cho du khách gần xa khi tới tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm có tính nghệ thuật cao của cơ sở. “Dù biết rằng còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ luôn nỗ lực từng ngày để vươn tới những điều tốt đẹp hơn”.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi