Với khao khát cháy bỏng vượt lên những trở ngại của số phận, Nguyễn Chí Toàn (quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ) đã tìm đến thể thao. Dẫu có nhiều chông gai, thử thách, nhưng bằng sự say mê, miệt mài với bộ môn bơi lội, Toàn đã nỗ lực, tự tin chinh phục những đỉnh cao mới bằng bộ sưu tập Huy chương Vàng, Bạc, Đồng.
Thay đổi số phận nhờ chiếc phao “trái dừa khô”
Chàng trai khuyết tật Nguyễn Chí Toàn sinh ra ở một vùng quê nghèo khó thuộc xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Hơn hẳn những bè bạn cùng trang lứa, Toàn là đứa trẻ rất kháu khỉnh, lém lỉnh và hiếu động. Mới được 10 tháng tuổi, cậu bé Toàn ngày ấy đã chập chững bước chân đầu tiên trong niềm vui rạng ngời của ba mẹ, người thân. Thế rồi, như một trò đùa của định mệnh, Toàn bỗng chốc trở thành người khuyết tật chỉ sau một cơn sốt bại liệt.
Không cam chịu để cậu con trai phải nằm liệt trên giường bệnh, Toàn được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi. Đi khắp các Bệnh viện trong Nam lại ra Bắc, kết hợp cả phương thuốc Đông y đến Tây y và con số chữa trị vay mượn bè bạn, họ hàng đã lên đến vài chục triệu đồng nhưng đôi chân của Toàn vẫn không thể “sống lại”.
Nuốt nước mắt vào trong, ba mẹ đành chấp nhận đưa Toàn trở về nhà sống chung với đôi chân khuyết tật. Được ba mẹ, người thân dành trọn tình yêu thương, chăm sóc, tuổi thơ của Toàn lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, tuy cái đói, cái nghèo luôn bủa vây. Không muốn Toàn phải chịu thêm thiệt thòi nên đến tuổi tới trường, Toàn được ba mẹ tạo điều kiện cho đi học, với hy vọng cậu con trai khuyết tật có cơ hội thay đổi số phận.
Chàng vận động viên khuyết tật Chí Toàn (người ngồi xe lăn)và người bạn đồng cảnh vui mừng trong ngày nhận Huy chương
Luôn cố gắng đồng hành với con trai mỗi buổi tới trường, Toàn được ba mẹ thay phiên nhau đưa đến lớp. Trong ký ức tuổi thơ, Toàn nhớ lắm những lần ba mướt mải mồ hôi khi phải vượt qua con đường đất bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, lúc thì cõng qua những chiếc cầu khỉ chênh vênh, lắc lư đến lớp. Những hôm ba bận đi làm đồng, Toàn được mẹ cõng đi hết quãng đường dài hơn 3 cây số tới lớp vì mẹ không biết đi xe đạp. Có lần trời mưa, đường trơn lầy lội khiến hai mẹ con Toàn ngã lăn ngoài đường làm sách vở, quần áo bị lấm bùn, tay Toàn thì bong gân nên phải nghỉ học cả tuần để bó thuốc.
Vượt qua bao gian nan, vất vả, Toàn cũng học hết tiểu học nhưng bởi điều kiện kinh tế quá túng thiếu, trường học lại xa nhà, Toàn đành phải nghỉ học giữa chừng. Không được đến lớp kiếm tìm cái chữ, cậu học trò khuyết tật chỉ còn biết quẩn quanh ở nhà và làm bạn với chiếc tivi.
Toàn nhớ lại: “Trong một lần xem chương trình thể thao, tôi thấy những vận động viên bơi lội thi đấu rất kiên cường. Nhìn họ đạt giải và được nhận những chiếc huy chương khiến tôi thầm ước mơ trở thành vận động viên, vì thế tôi quyết định xuống sông tập bơi cùng các bạn trong xóm vào mỗi buổi chiều. Được mọi người đưa giúp ra xa để bơi vào bờ nhưng tôi vẫn không bơi được và phải uống nước no, vì thế tôi được hỗ trợ thêm chiếc phao bơi bằng trái dừa khô. Nhờ có chiếc phao bơi đặc biệt, tôi tập bơi dễ dàng hơn và chỉ vài tháng tôi đã không cần đến phao, mà tự bơi bằng chính đôi tay của mình”.
Từ biết bơi vài mét, chỉ một hai tuần sau, Toàn đã bơi qua con sông mười mét một cách thuần thục. Vui lắm khi biết bơi và chàng trai khuyết tật càng vui hơn khi được một người quen giới thiệu vào sinh hoạt cùng Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Không đắn đo, suy nghĩ, Toàn quyết định gói gém đồ đạc tìm đến Cơ sở Nhịp Cầu trực thuộc Hội Người khuyết tật Cần Thơ xin được học nghề và làm hội viên của Hội. Lần đầu tiên sống xa gia đình nên Toàn rất nhớ nhà nhưng có thêm nhiều bạn mới, được mọi người chia sẻ, động viên đã giúp Toàn vơi bớt nỗi buồn.
Như bao người đồng cảnh, Toàn được nhận vào cơ sở và được học nghề thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa. Sự kiên trì, say sưa học nghề đã giúp Toàn kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng chính sức lao động của mình. Có được cái nghề trong tay, chàng trai khuyết tật quyết định xin một chiếc xe lắc của Hội để tiếp tục đi học văn hoá, nâng cao hiểu biết, trình độ.
Thành “người hùng” trên đường đua xanh
Sau mỗi ngày làm việc vất vả, chàng trai khuyết tật Nguyễn Chí Toàn lại tìm đến niềm vui bơi lội, được đùa nghịch dưới nước để rèn luyện thể lực, sức khoẻ. Một thời gian sinh sống tại Cần Thơ, Toàn được biết Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức đưa vận động viên khuyết tật tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Đọc thông báo tuyển vận động viên khuyết tật, Toàn mừng lắm vì cơ hội trải nghiệm đã đến nên vội vã đi đăng ký tham gia thi đấu môn bơi lội.
Trong ngày đầu đăng ký, Toàn được huấn luyện viên yêu cầu xuống hồ bơi kiểm tra khả năng. Chàng trai khuyết tật ấy đã thuyết phục được Ban Huấn luyện và sau khi được chọn vào đội tuyển, hàng ngày Toàn được tập luyện với cường độ cao.
Toàn chia sẻ: “Lúc nhìn thấy hồ bơi, tôi rất ngỡ ngàng trước một cái hồ rộng 30m, chiều dài 50m, sâu 2,2m, hơn nữa học bơi thi đấu không như bơi ở nhà mà phải bơi đúng kỹ thuật, bơi theo bài thầy dạy khiến tôi cuống lắm. Trong các buổi tập vì chân tôi không bao giờ chạm tới đáy hồ nên ngày nào tôi cũng bị uống nước no mặc dù tôi bơi cũng khá. Kết thúc mỗi buổi học bơi, đôi tay tôi rã rời, đêm về nhức mỏi nhưng được các thầy tận tình chỉ dạy và bằng sự kiên trì tập luyện trong hai tuần đầu, cơ thể tôi quen dần, không còn mệt mỏi như trước, tốc độ bơi của tôi nhanh hơn nhờ bơi đúng kỹ thuật”.
40 ngày tập luyện căng thẳng trước giải đấu trôi qua thật nhanh. Lần đầu tiên vào năm 2010, chàng trai khuyết tật được tham dự Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc, sự kiện ấy đã trở thành động lực để Toàn nỗ lực hết mình trong thi đấu. Không phụ sự tin tưởng của Ban Huấn luyện, chàng trai khuyết tật đã nỗ lực giành 2 Huy chương Đồng, tuy kết quả không như mong đợi nhưng đối với Toàn thì đó là một phần thưởng lớn.
Kết thúc giải đấu, Toàn quyết tâm tập luyện nhiều hơn, sự nỗ lực của chàng trai khuyết tật được minh chứng ở mỗi giải thi sau đều đạt cao hơn những giải trước. Trong ba cự ly thi đấu, vận động viên khuyết tật Nguyễn Chí Toàn đã đạt được 3 Huy chương Vàng và đến thời điểm hiện tại, Toàn đã có trong tay bộ sưu tập Huy chương cho riêng mình với 10 Vàng, 14 Bạc, 2 Đồng.
Không chỉ đam mê thể thao, chàng trai khuyết tật cũng rất yêu thích văn nghệ. Là người ưa khám phá, trải nghiệm những cái mới nên Toàn đã tự mày mò học đàn và sáng tác. Năm 2014, tác phẩm đầu tay “Nhớ mẹ cha” của chàng vận động viên khuyết tật đã được Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố thu âm và ghi hình trong chương trình “Tác giả và tác phẩm”.
Toàn mong lắm sớm thực hiện được mơ ước tham gia thi đấu tại giải Paragames và có điều kiện đi học đàn organ, mặc dù Toàn biết để thực hiện được ước mơ đó thì cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn.
Với những thành tích đạt được trong cuộc sống, thể thao, Toàn liên tục được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, chàng trai khuyết tật cũng chính là một trong những đại biểu người khuyết tật tiêu biểu vinh dự được chọn tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội - phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và tinh thần vượt khó vươn lên trong lao động, thi đấu thể thao.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Sống như những đóa hoa - 22/12/2016 04:01
- Chuyện về chàng trai “Không thể vỡ” - 22/12/2016 03:57
- Cô gái bị tạt axit thi Ai là triệu phú thắng 1 tỷ và tình yêu với người chồng điển trai - 22/12/2016 03:02
- “Tiệm tóc vui vẻ” của chàng trai khiếm thính - 19/12/2016 03:39
- Bí mật của chàng trai tật nguyền khiến cư dân mạng 'dậy sóng' - 05/12/2016 03:09