Thứ hai, 10 Tháng 1 2022 16:34
Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, song việc bảo vệ quyền của người khuyết tật (NKT) và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu NKT (chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên), trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2021, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Trong năm 2021, các mặt hoạt động công tác NKT luôn được triển khai đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Cụ thể:
Về công tác trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT: Năm 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay cả nước có gần 1,1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Bằng nguồn ngân sách bố trí cho Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức của NKT triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp tại 15 xã cho 110 người khuyết tật và cơ sở của người khuyết tật.
Các hoạt động liên quan đến NKT ngày càng thu hút sự quan tâm của xã hội
Bên cạnh nguồn nhân lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 522 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 339 tỷ đồng; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 6,4 tỷ đồng để hỗ trợ chăm sóc điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn,…
Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế đã tập trung nghiên cứu xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả Bảo hiểm y tế cho NKT. Theo đó, trong năm đã cấp thẻ BHYT cho trên 1,1 triệu NKT.
Cùng với đó, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, cơ sở y tế cơ sở bảo trợ xã hội về phòng chống COVID-19 đối với NKT, hướng dẫn PHCN cho bệnh nhân Covid-19; đặc biệt đối với NKT về nghe, hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà…
Trong năm qua, cả nước có gần 1.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề. Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ, may tre đan, căt may, dệt thêu thổ cẩm cho 120 người khuyết tật. Hội người mù Việt Nam đã mở được 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nôi, thủ công, làm hương, đan lát.
Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2021 đã có 1.138 dự án của lao động là NKT được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 513 dự án trong đó có 458 dự án của NKT tạo việc làm cho 553 hội viên trong đó có 458 lao động là NKT.
Ngoài ra, các công tác về giao thông tiếp cận, văn hóa thể thao, du lịch đối với NKT, tiếp cận thông tin,…cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó từng bước gỡ bỏ các rào cản xã hội, quyền của người khuyết tật ngày càng được hiện thực hóa và đảm bảo.
Nhìn chung trong năm 2021, hoạt động của Ủy ban ngày càng thu hút sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, tổ chức và các đối tác phát triển; quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao có nhiều chuyển biến tích cực.
Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, rào cản xã hội do nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân NKT vẫn chưa đúng và chưa đầy đủ, một bộ phận NKT chưa tự tin vượt lên số phận và chưa được hỗ trợ kịp thời để vươn lên hòa nhập cộng đồng và chưa cố gắng tham gia các nội dung để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành đối với NKT; Vẫn còn nhiều NKT chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất.
Tin mới
- An Giang: Chú trọng bảo vệ, chăm sóc NCC với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật - 14/02/2022 07:08
- Nội dung, mức chi đặc thù của Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 - 09/02/2022 03:56
- Doanh nhân Việt góp phần xoa dịu mất mát giữa đại dịch - 26/01/2022 04:10
- Sỹ Luân đồng hành với Quỹ từ thiện Hạt giống nhỏ giúp trẻ mồ côi - 19/01/2022 07:05
- Trao học bổng cho 400 trẻ mồ côi vì COVID-19 - 12/01/2022 06:31
Các tin khác
- Trẻ bị sang chấn tâm lý, hậu quả của nạn bạo hành - 30/12/2021 08:19
- Bệnh tự kỷ ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và những tiên lượng - 14/12/2021 02:01
- Hành trình mới của chàng trai tự kỷ giành huy chương Toán quốc tế - 06/12/2021 03:36
- Tôn vinh 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc - 20/11/2021 11:11
- Vợ chồng khuyết 1 chân dạy con tập đi gây xúc động mạnh - 15/11/2021 07:28