Thứ hai, 06 Tháng 12 2021 10:36

Sau khi giành được tấm Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2021, Đinh Vũ Tùng Lâm được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng Toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Môi trường học tập ở bậc đại học có phần bận rộn hơn, nhưng với Tùng Lâm lại có nhiều điều thú vị. Em có cơ hội được làm quen với những người bạn mới cùng chung sở thích, có thêm nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn về Toán học.

Đây là điều không chỉ riêng Tùng Lâm, mà ngay cả bố mẹ em cũng chưa bao giờ dám mơ ở thời điểm hơn chục năm về trước.

Đinh Vũ Tùng Lâm là một trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021. Các gương mặt được lựa chọn đều có những câu chuyện riêng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2021. Độc giả bình chọn TẠI ĐÂY.

“Tôi không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Khi tôi 3 tuổi, bác sĩ nói tôi mắc chứng rối loạn tự kỷ dạng tăng động. Mẹ kể dạo ấy, không giây phút nào tôi chịu ngồi yên. Tôi nghịch ngợm, ngỗ ngược, phá phách. Thậm chí, tôi còn bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ giao tiếp. Mẹ lúc ấy như đứt từng khúc ruột, nhưng vì thương con, mẹ đã gạt nước mắt, sẵn sàng làm tất cả vì tôi”, Tùng Lâm – cậu sinh viên năm nhất của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - không ngần ngại kể lại câu chuyện của cuộc đời mình trong suốt hành trình 18 năm qua.

Mắc phải chứng tự kỷ, Lâm nói, mình từng sống trong cảnh “không một ai muốn chơi cùng”. Nhưng khi ấy còn quá nhỏ, em chỉ nhận thức được rằng, “đó là điều không vui”.

Năm lớp 1, khi đến tuổi tới trường, Lâm vẫn chỉ nói ú ớ. Mẹ dẫn Lâm đi tới rất nhiều nơi, nhưng không có ngôi trường nào dám nhận. Cuối cùng, với một bản cam kết “sẽ có mẹ đi học cùng”, Lâm được nhập học tại Trường Lê Quý Đôn.

Nhưng việc đi học của Lâm cũng vô cùng gian nan. Cậu bé hay la hét trong lớp, cấu đánh bạn bè,... Những lúc như thế, chị Yến - mẹ Lâm phải chạy vào can thiệp. Cũng vì thế nên Lâm không có người bạn nào muốn chơi cùng.

Có lần, Lâm đứng giữa sân trường, xin các bạn cho cùng đá bóng, nhưng không có ai đồng ý cho chơi. Cậu bé cứ thế ôm gốc cây mà khóc. Chứng kiến cảnh ấy, có những lúc tuyệt vọng, chị Yến muốn tìm tới những ngôi trường chuyên biệt cho con. Nhưng lại vì thương con, chị chỉ có thể chọn cách đồng hành, làm bạn.

Từ chối nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn ở các công ty nước ngoài, chị Yến chọn một công việc bán thời gian để có thêm thời gian cho Lâm. Mỗi khi lớp có hoạt động ngoại khoá, chị lại xin tham gia cùng con để giúp Lâm hoà đồng và có thêm nhiều bạn.

Những khi tan học hay cuối tuần, Lâm lại được mẹ chở đi khắp phố phường. Vừa đi, hai mẹ con vừa cùng nhau tập quan sát, làm văn miêu tả hay học thuộc các bài ca dao,...

Cũng nhờ có bố mẹ đồng hành và khuyến khích, Tùng Lâm bắt đầu có những biến chuyển tích cực.

“Với các bạn, khi làm được một phép toán đơn giản, đó có thể là điều hết sức bình thường. Nhưng với em khi đó lại cảm thấy rất vui. Học Toán, em như được sống trong nó. Vì thế, em dần thích thú với những con số”.

Hứng thú với những con số và các bài toán đến nỗi, trong tuần đầu tiên đi học lớp 2, Lâm đã giải hết các bài tập trong sách giáo khoa. Mê mẩn với các bài toán trên tạp chí Toán tuổi thơ, Lâm cũng say mê giải và không ít lần nhận được phần thưởng từ ban biên tập.

Những sự thay đổi tích cực càng trở nên rõ rệt hơn vào năm lớp 4, Lâm không còn quậy phá, dù kỹ năng sống vẫn non nớt và cách nói chuyện còn vụng về. Nhưng cũng ở thời điểm đó, Lâm bắt đầu tham dự nhiều cuộc thi và trở thành cái tên quen thuộc ở các cuộc thi toán học trong nước và quốc tế.

Với một đứa trẻ luôn cảm thấy tự ti trước mọi người như Lâm, việc giành được những giải thưởng này đem lại rất nhiều ý nghĩa.

“Em luôn mang trong mình nỗi sợ bị các bạn chê cười. Vì thế, mỗi thành tích đạt được lại giúp em thêm một chút tự tin và cảm giác an toàn bên những con số. Toán học là một người bạn, là nguồn vui. Nhưng, cũng chính vì thế, nó còn là một nỗi ám ảnh”, Lâm nhớ lại.

 

Đó là thời điểm năm 2020, khi còn học lớp 11, Tùng Lâm đã lọt vào đội tuyển dự thi IMO. Nhưng Lâm cũng là người duy nhất trong đoàn không giành được huy chương. Lâm nói, “đó là khoảng thời gian vô cùng kinh khủng”.

“Một cảm giác vô cùng vỡ vụn. Khi ấy, em cảm thấy chóng chánh, mất phương hướng, thậm chí còn hoài nghi về bản thân. Em đã hoảng loạn và khóc rất nhiều”.

Nhưng Lâm nói, xung quanh mình có quá nhiều người yêu thương. Đó là bố mẹ luôn kiên trì đồng hành và chở che cho em ngay cả khi em vấp ngã; hay là sự dìu dắt, yêu thương hết lòng từ các thầy cô giáo.

Cũng nhờ những nguồn động lực ấy, một lần nữa, Lâm đứng dậy, quyết tâm làm lại. Nhưng lần tham dự IMO này, mục tiêu của em đơn giản chỉ là được giải những bài toán hay trong đề thi, chứ không phải là tấm huy chương.

“Đối thủ duy nhất của em lúc ấy, không phải các bạn, mà chính là các bài toán”, Lâm nói.

Kết quả, Tùng Lâm giành được tấm Huy chương Bạc và người có điểm số cao thứ 2 của đoàn Việt Nam.

“Em muốn dành tấm huy chương này cho mẹ. Nếu không phải là con của mẹ, mọi thứ xung quanh em chắc sẽ vô cùng đáng sợ. Em cũng hiểu rằng, sau những thành công của mình luôn là những giọt nước mắt âm thầm, sự nhẫn nại và yêu thương của mẹ”, Lâm xúc động nói.

Với những kết quả đã đạt được, Lâm được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng Toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhưng với Tùng Lâm, hành trình của mình đến thời điểm hiện tại mới thực sự bắt đầu.

“Em cảm thấy mình so với các bạn vẫn còn rất nhiều thứ cần phải học và trau dồi. Môi trường ở bậc đại học cũng rất khác so với thời phổ thông. Ngày xưa, em say mê Toán với mục tiêu chinh phục các cuộc thi, nhưng khi lên đại học, em học Toán là để tìm ra những vẻ đẹp tinh tuý của Toán học và vận dụng chúng vào thực tiễn. Do đó, em nhận thấy mình cần có thêm thời gian để định hướng”.

Ngoài ra, Lâm nói, bản thân em cũng luôn cố gắng để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Tranh thủ những khoảng thời gian rảnh trong ngày, Lâm học thêm tiếng Pháp, học lái xe, tập thể dục,... Cậu sinh viên năm nhất cũng xin mẹ cho tham gia một lớp viết tản văn để rèn cách cảm nhận, biết dùng ngôn từ và cách trình bày, ăn nói.

Vào ngày họp sinh viên đầu khóa, Tùng Lâm xung phong làm Chi hội trưởng hội sinh viên. Sau đó, em cũng thử và điều hành thành công đại hội chi đội.

Chứng kiến sự trưởng thành của con, chị Hải Yến rơi nước mắt vì xúc động.

Lâm nói, mình có rất nhiều ước mơ lớn, là được sang nước ngoài, học chuyên sâu về Toán. Đó là một ngôi trường nổi tiếng ở châu Âu - nơi từng sản sinh ra nhiều chủ nhân giải thưởng Fields về Toán học. Em cũng muốn trở thành một nghiên cứu sinh ngành Toán, được đi tới Mỹ để tiếp tục đào sâu hơn về bản chất của Toán học.

Lâm tâm niệm, mỗi người, ai cũng có một giá trị riêng. Điều quan trọng, mình phải tìm ra thế mạnh và phát huy ưu điểm đó. Những điều ấy sẽ giúp mỗi người cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.

“Giống như em, tình yêu lớn nhất chính là Toán học. Vì thế, em đã đầu tư nhiều hơn bằng cách phải miệt mài với nó, đến nỗi, Toán học đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của em.

Tất nhiên trên hành trình ấy, rào cản xung quanh em cũng rất nhiều. Nhưng may mắn, em có những người yêu thương luôn sẵn sàng giúp đỡ, và chính bản thân em cũng phải không ngừng tự nỗ lực, không ngừng trau dồi, tập trung vào các vấn đề một cách nghiêm túc.

Em luôn ghi nhớ câu nói của mẹ, “vẻ đẹp của mỗi người luôn thể hiện ở những góc rất khác nhau”. Do đó, chỉ cần nỗ lực và tin vào bản thân, mỗi người đều có thể tỏa sáng theo một cách khác biệt”.

Là người đã đồng hành cùng Tùng Lâm từ khi còn học lớp 10, thầy giáo Nguyễn Vũ Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đánh giá, Lâm là một cậu học trò vô cùng trung thực, một học sinh có năng khiếu đặc biệt về môn Toán và có “sức công phá” rất lớn.“Chữ Lâm rất xấu, có những khi đọc bài giải của con, mãi các thầy mới hiểu. Cho nên, nếu không quan sát kỹ càng, có thể sẽ bỏ sót tài năng của Lâm.Nhưng Lâm có một người mẹ vô cùng tuyệt vời, là người bạn đồng hành và luôn hết lòng ủng hộ con. Điều đó làm tôi bắt đầu chú ý đến con nhiều hơn. Và quả thực, Lâm đã chứng minh được khả năng của mình qua từng bài toán”.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi