Thứ ba, 09 Tháng 11 2021 10:17

Vulcan giúp thay đổi cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam và các nước đang phát triển.

 

Trao đổi thông tin tại Toạ đàm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo tác động xã hội dành cho các doanh nhân trẻ do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam tổ chức, bà Trịnh Khánh Hạ, Đồng sáng lập, Giám đốc vận hành của Vulcan Augmetics chia sẻ, Vulcan là quán quân của Youth Colab năm 2018 với sự huấn luyện của các mentor và sự truyền cảm hứng của các startup, đã giúp Vulcan có được những bước đi dù chập chững nhưng đã vững chắc hơn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

"Vulcan là doanh nghiệp xã hội sản xuất các thiết bị công nghệ robotics, giúp thay đổi cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam và các nước đang phát triển. Hiện tại Vulacan đang tập trung vào sản xuất tay robot dành cho người khuyết tật mất 1-2 chi trên (tức là mất 1 đến 2 tay ở dưới khuỷu tay). Hình thành từ năm 2018, đến đầu năm 2021 đã bắt đầu có trụ sở tại Singapore. Đây là một trong những thử thách lớn", bà Khánh Hạ cho biết.

Cũng theo bà Khánh Hạ, hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đều hướng tới xây dựng trụ sở tại Singapore, vì đây là nơi sẽ giúp doanh nghiệp trẻ, nhất là doanh nghiệp trong mảng công nghệ có thể thu hút được nhiều nguồn đầu tư hơn. 

 

Bà Trịnh Khánh Hạ, Đồng sáng lập, Giám đốc vận hành của Vulcan Augmetics

Hơn hai năm qua, Vulcan cũng có một số thử thách về mặt gọi vốn đầu tư như Silicon Valley, hay sự hỗ trợ từ các đối tác như UNDP,... nhưng để cho sự phát triển trở nên mạnh mẽ thì Vulcan vẫn phải tiếp tục gọi vốn đầu tư. Do đó, việc thành lập chi nhánh tại Singapore năm nay đã ngay lập tức giúp Vulcan tiếp cận đến nguồn vốn đầu tư dồi dào hơn từ các nước khác.

“Bắt nguồn từ việc được đi và tiếp xúc với công đồng ở nhiều vùng miền ngay từ nhỏ, tôi nhận ra một số vấn đề về xã hội và những tác động còn sót lại của chiến tranh, rất nhiều trường hợp người khuyết tật từ lớn đến trẻ nhỏ ở khắp nơi. Sau này, tôi may mắn được tiếp cận với môi trường, hệ thống y tế của nước ngoài và thấy được sự khác biệt giữa nơi mình lớn lên, với những nơi mà thế giới đang phát triển. Trong đó, hệ thống y tế và người khuyết tật ở nước ngoài được phục vụ rất khác so với Việt Nam. Cho nên khi trở về Việt Nam, tôi đã gặp người đồng sáng lập hiện tại của Vulca là người Anh và cùng chung chí hướng tạo tác động tích cực cho cộng đồng, những người khuyết tật, những người yếu thế. Đó là lý do mà Vulcan được thành lập”, bà Khánh Hạ chia sẻ về lý do thành lập Vulcan.

Có thể thấy, Việt Nam không chỉ chịu tác động còn sót lại của chiến tranh, mà còn câu chuyện về tai nạn lao động. Theo thống kê, hơn 70% các ca mất tay tìm đến Vulcan không phải do bom mìn, mà do tai nạn lao động. Từ đó thấy rằng, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất nhanh và trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới, rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc lên trong khi cơ sở hạ tầng và các thiết bị sản xuất chưa được đảm bảo, dẫn đến tỷ lệ tai nạn lao động cao.

"Vì vậy, tôi càng thấy sản phẩm mình xây dựng là sản phẩm thiết yếu, không chỉ cho thế hệ trước đó, mà cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và cho thế hệ trẻ ngày nay, khi vừa mới đi làm công việc đầu tiên, đã xảy ra tai nạn", bà Khánh Hạ nói.

Trong khi đó, các sản phẩm tay robot trên thị trường được bán với giá rất đắt đỏ, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, mà với những người lao động, công nhân tại Việt Nam bị tai nạn, bị mất việc, phải chi trả khoản tiền lớn là điều không tưởng. Đồng thời đây là cũng là sản phẩm vừa y tế và công nghệ, nên dịch vụ bảo hành cũng rất bất tiện, bất cập cho người tiêu dùng. Chính vì thế, chỉ có 5% trong số những người khuyết tật cụt tay, chân đang có sự tiếp cận với các sản phẩm hỗ trợ đi lại, hoạt động cho họ.

“Hiện tại, tay điện Vulcan đang có giá 25 triệu đồng, chỉ tương đương như một chiếc xe máy tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng 25 triệu đồng là số tiền không phải quá rẻ cho người khuyết tật, nhưng đây đã là nỗ lực rất nhiều trong 2,5 năm nghiên cứu và phát triển của Vulcan.  Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với các đối tác để cho ra chính sách trả góp 0% lãi suất. Cùng với đó là các dự án xã hội, nhận tiền tài trợ từ các đối tác doanh nghiệp để lắp tay miễn phí cho một số trường hợp khó khăn. Nhưng về lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thì đây là mức giá để có thể tăng sự tiếp cận với người khuyết tật của Việt Nam”, bà Khánh Hạ chia sẻ.

Từ giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm, Vulcan đã có người sử dụng là một người chuyên để kiểm tra sản phẩm từ những ngày đầu tiên, bên cạnh các chuyên gia, kĩ sư về robotics. Vulcan có những nhân viên là người khuyết tập để kiểm tra chất lượng sản phẩm và giúp Vulcan có thể đi làm việc với các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và khách hàng.

Hiện tại, sản phẩm tay của Vulcan đang được sản xuất 100% tại Việt Nam, từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển cho đến các công đoạn, chi tiết kim loại, linh kiện điện tử, cho tới các chi tiết về Silicon, lắp ráp hoặc in 3D, thì đều được sản xuất bởi đội ngũ Vulacan.

Do giai đoạn đầu còn hạn chế về vốn, nên Vulcan còn tự làm ra cắt máy cắt 3D để sản xuất cánh tay, giúp tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên đến giai đoạn này, thì phải đầu tư nhiều hơn vào máy móc có tính chất công nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tay Vulcan có thể giúp người khuyết tật lái xe an toàn hơn, thậm chí có thể chơi guitar và thỏa mãn các đam mê mà nếu chỉ có một tay sẽ khó có thể làm.

"Một trong những lợi thế của các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội là rất dễ có cơ hội thu hút các nhân tài xuất chúng và trong giai đoạn đầu, Vulcan đã thu hút được các nhân tài tại Việt Nam và sau hơn một năm đã bắt đầu có được những tiếng vang trên thế giới, nhờ đó thu hút được cả các nhân tài là những người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong mạng Robotics và thiết bị y tế tại các tập đoàn lớn mong muốn đồng hành cùng Vulcan tác động xã hội mới chúng tôi hy vọng sẽ được lắng nghe chia sẻ này trong chương trình cuối cùng được tổ chức vào tháng 12", bà Khánh Hạ kết luận.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi