Thứ ba, 14 Tháng 3 2017 14:44

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) có chức năng nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, phụ nữ và các nhóm yếu thế (gồm NKT, người dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo, các vùng sâu, vùng xa và các nhóm có nguy cơ cao khác). Sau 5 năm triển khai mô hình phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, với hơn 70.000 trẻ được phát hiện, can thiệp, những chia sẻ và khuyến nghị của VietHealth sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm để triển khai hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

 

3Tre khuyet tat thu huong du an tai Yen Bai 1

 

5 năm, 70.000 trẻ được sàng lọc tại cộng đồng

 

Theo báo cáo của UNCEF năm 2013, trẻ em khuyết tật là nhóm ít có khả năng được chăm sóc y tế hoặc được đi học nhất. Trẻ em khuyết tật nằm trong nhóm những trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH số trẻ em khuyết tật năm 2010 là 1,3 triệu. Tuy nhiên, do hiện tại Việt Nam không có hệ thống phát hiện, sớm khuyết tật nên số liệu về khuyết tật của nhóm trẻ này không được thống kê và theo dõi riêng.

 

Thực hiện sứ mệnh của mình, từ 5 năm nay, VietHealth đã triển khai mô hình phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật tại 9 quận, huyện thuộc các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Long, Yên Bái và thành phố Đà Nẵng. Số trẻ từ 0 - 6 tuổi đã được VietHealth tiến hành sàng lọc tại cộng đồng là hơn 70.000 trẻ. Những trẻ em khuyết tật được phát hiện thông qua hoạt động sàng lọc đã được VietHealth hỗ trợ can thiệp sớm tại cộng đồng và chuyển tuyến thông qua mạng lưới can thiệp dựa vào cộng đồng. Hệ thống can thiệp này bao gồm cán bộ y tế, giáo viên mầm non, cán bộ xã hội và gia đình có trẻ khuyết tật được Dự án tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để can thiệp cho trẻ tại địa phương. Các địa phương cũng đã đóng góp kinh phí, nhân lực và tham gia quản lý tất cả các hoạt động của dự án.

 

Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của trẻ khuyết tật và gia đình tại địa phương, VietHealth đã tiến hành thử nghiệm và nhân rộng mô hình phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Mục đích của mô hình này nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em; Huấn luyện và chuyển giao các kỹ thuật và quy trình phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật tại các địa phương. Từ nguồn lực này, các địa phương có thể thực hiện công tác phát hiện và can thiệp sớm hàng năm bằng chính ngân sách và nguồn lực sẵn có. Bên cạnh đó, mô hình cũng cung cấp một số dịch vụ can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật và gia đình, hướng tới việc can thiệp bền vững cho trẻ dựa trên nguồn lực có sẵn của gia đình và cộng đồng đồng thời tiến hành các hoạt động vận động chính sách để việc phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện rộng khắp trên bình diện cả nước.

 

3Hoat dong can thiep som tre khuyet tat

 

Thực hiện mô hình, dự án đã phát 120.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh, phát 40.000 cuốn sổ tay phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật. Các địa phương đã tổ chức hàng trăm cuộc phát thanh về kiến thức phòng ngừa khuyết tật và phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn, đã có 600 cán bộ y tế, giáo viên mầm non và cán bộ xã hội tại cấp xã được đào tạo về sử dụng bộ công cụ sàng lọc khuyết tật cho trẻ từ 0 -6 tuổi tại cộng đồng, 200 cán bộ y tế cơ sở được đào tạo về phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại nhà. Cùng với đó, Dự án cũng đã tập huấn cho hơn 300 giáo viên Mầm non về can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tập huấn cho 78 cán bộ xã hội về quản lý phần mềm trẻ khuyết tật. Việc phát hiện, can thiệp sớm tại các địa phương thực hiện mô hình cũng đã mang lại những kết quả thiết thực với 84.774 trẻ được sàng lọc lần 1, 5.115 trẻ được sàng lọc lần 2 và 1.122 trẻ được can thiệp.

 

Một số khuyến nghị

 

Chăm sóc, giáo dục và hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật là chủ trương và cam kết của Chính phủ đối với người dân và cộng đồng quốc tế. Thực thi Luật NKT và những chính sách về y tế, giáo dục và xã hội nhằm đảm bảo cho trẻ em khuyết tật có những điều kiện thuận lợi về thể chất, tinh thần cũng như việc phát triển đầy đủ những tiềm năng của trẻ em và tham gia vào đời sống xã hội. Từ những thông tin của mô hình Dự án, đại diện tổ chức VietHealth khuyến nghị:

 

Chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch trợ giúp NKT và trẻ khuyết tật trên địa bàn theo những yêu cầu và nội dung của Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020. Chủ động lập kế hoạch và đảm bảo nguồn ngân sách cho việc thực hiện các hoạt động trợ giúp này. Quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan như Y tế, Giáo dục và LĐ-TB&XH trong việc phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em. Đảm bảo không bỏ sót một trường hợp khuyết tật nào không được đánh giá để hỗ trợ can thiệp, phục hồi chức năng và giải quyết kịp thời chế độ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật theo quy định của nhà nước. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chính sách giáo dục hòa nhập, quan tâm đến nhu cầu của trẻ khuyết tật như phòng học và nhà vệ sinh tiếp cận được cho trẻ khuyết tật. Quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho NKT và gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo.

 

3Hoat dong truyen thong nang cao nhan thuc ve phat hien can thiep som tre khuyet tat

 

Đối với ngành Y tế cần phát triển khoa PHCN tại bệnh viện tuyến huyện để làm nơi can thiệp và huấn luyện nghiệp vụ PHCN cho cán bộ y tế cấp xã. Chỉ đạo tổ chức và giám sát chương trình PHCN dựa vào cộng đồng để đảm bảo không có NKT nào không được tiếp cận với chương trình này. Mỗi xã cần có sổ riêng của từng cá nhân NKT để theo dõi quá trình tập PHCN và đánh giá việc trợ giúp của cán bộ y tế. Tầm soát khuyết tật trước và sau sinh để đảm bảo trẻ được phát hiện sớm khuyết tật. Cha mẹ trẻ có con khuyết tật bẩm sinh cần được cán bộ y tế tư vấn cách thức chăm sóc cũng như khám chữa bệnh cho trẻ. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động uống viên sắt, khám thai định kỳ và hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng, lao động và nghỉ ngơi hợp lý cho phụ nữ có thai là cách thức phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh có hiệu quả nhất tại cộng đồng.

 

Đối với ngành giáo dục: cần xây dựng chiến lược giáo dục cho trẻ khuyết tật phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chiến lược này nên chú trọng tới việc huy động sự tham gia của gia đình và các ngành liên quan như Y tế, LĐ-TB&XH.. Cần đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để tăng cường chất lượng giảng dạy, xây dựng các chính sách tập trung vào việc cải thiện phương pháp sư phạm có tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo hứng thú hơn cho học sinh khuyết tật trong nhà trường. Cần có chính sách thu hút và tuyển dụng giáo viên giáo dục đặc biệt để làm nòng cốt phát triển giáo dục hòa nhập tại các cấp học. Khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo viên, trẻ khuyết tật, gia đình trẻ và những học sinh khác trong lớp, động viên sự tham gia của trẻ khuyết tật trong các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, cần lưu ý đến những ý kiến, nguyện vọng của trẻ khuyết tật thông qua việc tổ chức các diễn đàn của học sinh.

 

Đối với ngành LĐ-TB&XH: cần thu thập các số liệu về trẻ khuyết tật từ UBND các xã, ngành Y tế và Giáo dục để đảm bảo nắm được đầy đủ những thông tin về trẻ khuyết tật trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho những trẻ khuyết tật trong diện được hưởng trợ cấp thường xuyên. Những trẻ khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp cần được phân loại và lập kế hoạch hỗ trợ đột xuất trình UBND huyện xem xét, quyết định. Ngành LĐ-TB&XH cần chủ trì việc lập kế hoạch sàng lọc khuyết tật theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012 về việc phê duyệt Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 của Chính phủ, đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 có ít nhất 70% số trẻ tại cộng đồng được sàng lọc khuyết tật hàng năm. Đồng thời cần thực hiện tốt việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại và kỳ thị đối với trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật là nữ giới. Chủ động có kế hoạch bố trí, tham gia đào tạo nguồn nhân lực phụ trách quản lý trường hợp tại cấp huyện và xã nhằm đảm bảo cho việc triển khai quản lý trường hợp đối với NKT trên địa bàn theo chủ trương của ngành LĐ-TB&XH.

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi