Thứ năm, 14 Tháng 7 2016 15:07

Vừa qua, Hội Người mù Việt Nam tổ chức chương trình gặp mặt biểu dương trẻ em mù tiêu biểu khu vực phía Bắc. 50 em nhỏ được tham dự gặp mặt lần này là đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên nghịch cảnh cuộc sống để đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, trong đó, trẻ em khuyết tật là đối tượng khó khăn đặc biệt, luôn cần được quan tâm, hỗ trợ để các em vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống bình đẳng, hoà nhập và đóng góp cho xã hội trong tương lai. Vì thế, dù theo Điều lệ của Hội Người mù Việt Nam, Hội viên từ 15 tuổi trở lên mới kết nạp vào Hội, nhưng trong suốt quá trình hoạt động, Hội luôn coi việc quan tâm, giúp đỡ trẻ em mù là nhiệm vụ quan trọng của mình.

TDTS - Gap mat tre em mu tieu bieu 211

Ông Cao Văn Thành phát biểu tại buổi gặp mặt

Hiện nay, Hội Người mù Việt Nam đang giúp đỡ cho hơn 4.000 trẻ em mù, riêng từ khu vực Thừa Thiên - Huế trở ra Bắc có 2.457 cháu, trong đó có 1.455 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 351 cháu đa tật. Bên cạnh các lớp dạy chữ nổi Braille, trung tâm của Trung ương Hội đã mở lớp giáo viên tiền hoà nhập. Các cấp Hội ở địa phương đã động viên các gia đình đưa các cháu đến với lớp học của Hội. Một số địa phương như Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế đã thành lập các Trung tâm giáo dục, hướng nghiệp, Trung tâm dạy chữ, dạy nghề, phục hồi chức năng cho trẻ em mù. Hiện nay, ở khu vực phía Bắc, Hội đang tổ chức nuôi dạy hơn 200 học sinh tại các trung tâm của các tỉnh, thành Hội đồng thời theo dõi, hỗ trợ cho hơn 1.000 cháu học hoà nhập tại cộng đồng.

50 em nhỏ về dự chương trình gặp mặt lần này là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn trẻ em mù khu vực phía Bắc. Không chỉ mất đi ánh sáng của đôi mắt, các em còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: hầu hết đều sinh ra trong những gia đình nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có em trong gia đình có 2, 3 người hỏng mắt, có em vừa bị mù, vừa phải chống chọi với những căn bệnh nan y, có em cha mẹ thường xuyên đau ốm, gia cảnh khó khăn... Song trên tất cả, các em đều nuôi dưỡng một ý chí, một nghị lực phi thường để vượt qua những trở ngại do tật nguyền của bản thân, những thiếu thốn của gia đình, vươn lên giành nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã hết sức xúc động khi lắng nghe những chia sẻ của một số trẻ em mù tiêu biểu như: Em Trần Việt Hoàng (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) sinh ra đã thiếu hơi ấm của người cha, một mình mẹ vừa tần tảo nuôi hai chị em Hoàng, vừa phụng dưỡng mẹ già trong khi vẫn bị hành hạ bởi những cơn bệnh triền miên. Lên 5 tuổi, hai mắt của Hoàng cứ mờ dần do bị bong võng mạc và lên 9 tuổi thì hoàn toàn hỏng cả hai mắt. Hội đã tạo điều kiện cho Hoàng đi học chữ Braille và trở về lớp học hoà nhập. Chứng kiến những lo toan, vất vả của mẹ, cảm nhận tình cảm và sự kỳ vọng của gia đình, tổ chức Hội, thầy cô và bạn bè dành cho mình, Hoàng đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trở thành học sinh dẫn đầu lớp. Năm học lớp 9, em đạt giải 3 cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử và được tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh.

TDTS - Gap mat tre em mu tieu bieu 311

Bà Nguyễn Thị Cúc trao quà cho các em học sinh mù tiêu biểu dự buổi gặp mặt

Em Nguyễn Đăng Khoa ở thành phố Hải Phòng đã hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng ngay từ khi mới lọt lòng. Không đầu hàng số phận, em luôn nỗ lực, phấn đấu trong học tập. Từ khi là học sinh tại trường chuyên biệt Thanh thiếu niên mù Hải Phòng cho đến khi ra học hoà nhập với các bạn sáng mắt, Khoa luôn là học sinh giỏi. Năm học 2014- 2015 Khoa xuất sắc đạt giải 3 toàn quốc tại cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, năm học 2015 - 2016 em đạt giải 3 toàn quốc cuộc thi “Tuổi trẻ Việt Nam qua con tem bưu chính”.

Với Nguyễn An Như, một cô bé sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mới 11 tháng tuổi, em đã phải chịu đựng một tai nạn khủng khiếp. Trải qua 2 lần phẫu thuật não, mặc dù cứu được mạng sống nhưng em đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng của đôi mắt. Với sự quan tâm của gia đình, thầy cô và bè bạn, sự cố gắng không ngừng của bản thân, hiện nay, em là học sinh giỏi của lớp 7A1, trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội và là học sinh xuất sắc lớp Trung cấp 2/6 Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chuyên ngành đàn tranh. 13 tuổi, với tình yêu nghệ thuật, An Như đã sở hữu nhiều giải thưởng, huy chương trong các cuộc thi văn nghệ người khuyết tật cấp thành phố, khu vực và toàn quốc. Em còn tham gia tích cực trong các phong trào bảo tồn nghệ thuật truyền thống: nghệ thuật ca trù, di sản văn hoá của nhân loại.

Và còn nhiều, nhiều nữa những tấm gương bạn nhỏ vượt khó vươn lên, thể hiện ý chí tàn nhưng không phế, quyết tâm vượt qua mọi rào cản để chiến thắng tật nguyền, xây dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp. Các em thực sự là những cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu, là những bông hoa tươi thắm đang toả hương khoe sắc trong phong trào thi đua của Hội, của thiếu niên, nhi đồng trong cả nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Cao Văn Thành, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Đối với trẻ em mù, ở các cấp Hội đã quan tâm trong việc khảo sát, tìm kiếm các em, tập hợp lại để đưa về các tỉnh thành Hội để đào tạo. Trong điều kiện còn khó khăn về mọi mặt, nhưng Hội đã luôn cố gắng để các em có cơ hội được hoà nhập, bình đẳng trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em mù, Hội Người mù Việt Nam hiện nay cũng gặp phải những khó khăn trong việc nắm bắt số lượng, tình hình trẻ em mù do mạng lưới tổ chức Hội chưa được rộng khắp, hầu hết trẻ em chưa đủ tuổi trở thành Hội viên của Hội… Do điều kiện vật chất, kinh phí và giáo viên của Hội còn hạn chế nên việc tổ chức các lớp tiền hoà nhập và hỗ trợ các cháu học hoà nhập còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Các phong trào hoạt động tập thể, vui chơi giải trí, phát triển thể chất, tinh thần cho các cháu còn ít và chưa mang tính chiều sâu.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Hội Người mù Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Công tác phụ nữ và trẻ em, các cấp hội chú trọng hơn nữa công tác phát hiện, nắm bắt tình hình trẻ em mù cũng như hoàn cảnh của các em để giúp đỡ cho phù hợp.

Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Cúc, phu nhân của cố nhà văn Tô Hoài đã trao tặng quà cho 50 em học sinh mù tiêu biểu, mỗi suất quà là 600.000 đồng tiền mặt. Ngoài ra, bà Cúc cũng ủng hộ 10 triệu đồng để Hội Người mù Việt Nam sản xuất, thu âm các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài để trẻ em mù trên cả nước có điều kiện tiếp cận.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi