Thứ năm, 13 Tháng 10 2016 14:20

Hướng tới ngày Cây gậy trắng thế giới 15/10, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản (ADFJ) và quỹ FHHER USA tổ chức triển lãm “Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù”. Hoạt động này hướng tới mục tiêu góp phần để cộng đồng hiểu hơn những khó khăn của người mù, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ hòa nhập cuộc sống.

TDTS - Doi thoai trong bong toi 2

Nhiều người mù tỏ ra thích thú khi được tiếp cận các sản phẩm tiếp cận nhưng lại tiếc nuối vì chưa có cơ hội sử dụng

Khái niệm “Đối thoại trong bóng tối” được hiểu rất đơn giản, đó là: khách được dẫn đường bởi người mù theo nhóm nhỏ trong phòng được thiết kế đặc biệt. Mô hình “Đối thoại trong bóng tối” xuất phát từ nước Đức và đã được nhân rộng tới 39 quốc gia trên thế giới. Đây là lần đầu tiên cuộc triển lãm này tổ chức tại Việt Nam và Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 41 trên bản đồ thế giới của hoạt động này. Triển lãm đã trưng bày các sản phẩm dành riêng cho người mù (như gậy chỉ đường, đồng hồ âm thanh bỏ túi, đồng hồ đeo tay chạm hiểu, thước đo chạm hiểu, bút, vở dành cho người mắt kém) và các sản phẩm có thiết kế tiếp cận cho tất cả mọi người, trong đó có người mù (như dấu khuyết hình bán nguyệt trên hộp giấy sữa, nước ngọt hay chữ nổi trên nắp hộp giấy chứa đồ uống có cồn…) được gọi chung là sản phẩm tiếp cận do Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản thực hiện. Đây là những vật dụng được thiết kế với mục đích để mọi người đều sử dụng một cách thuận lợi, dễ dàng. Một sản phẩm chỉ cần có những chi tiết lưu ý rất nhỏ trong thiết kế, thêm một dấu hiệu nhỏ khi sản xuất sẽ khiến nhiều người sử dụng dễ dàng hơn.

 

TDTS - Doi thoai trong bong toi 1

Một số sản phẩm tiếp cận do Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản giới thiệu

 

Tại Triển lãm, các đại biểu tham dự có dịp trải nghiệm cảm giác của người mù khi tham gia các hoạt động trong phòng tối với sự hướng dẫn của người mù. Qua đó, thấy được những khó khăn và khả năng của người mù, thêm cảm thông, thấu hiểu và chung tay giúp đỡ nhiều hơn đối với người hỏng mắt. Theo một kết quả khảo sát của Hội Người mù Việt Nam, khi tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa, máy bay, khó khăn đối với người mù là làm sao để bắt đúng tuyến xe buýt hoặc tàu họ muốn đi, làm sao tìm đúng phòng, ban chuyên môn khi đến các bệnh viện, phòng khám, ngân hàng và các tòa nhà. Khi đi mua sắm, đi chợ, siêu thị trở ngại đối với họ khi không thể tìm và chọn được những thứ mình cần. Khi sử dụng các sản phẩm điện tử gia đình và các vật dụng dùng trong cuộc sống hàng ngày, khó khăn là do thiếu các hướng dẫn, hỗ trợ bằng chữ Braille…

Anh Đặng Viết Thành, Hội Người mù huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ “Khi thăm quan các sản phẩm tại triển lãm, tôi thấy rất tiện ích, tôi rất muốn được sở hữu những sản phẩm tiếp cận như vậy và tôi tin là có rất nhiều người mù cùng chung mong muốn như tôi. Chỉ tiếc là tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự lựa chọn. Tôi mong các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ quan tâm hơn tới việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị chuyên dụng cho NKT nói chung, người mù nói riêng. Mong các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cùng các tổ chức của NKT và vì NKT tại Việt Nam sẽ xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế, từ đó sản xuất ra các mặt hàng tiếp cận cho tất cả mọi người như sáng kiến của Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản đã làm và đã được áp dụng tại quốc gia này”.

Ông Cao Văn Thành, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù, việc giới thiệu mô hình mới chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng được môi trường trải nghiệm thực sự hoàn toàn tối, thu hút sự quan tâm, tham gia trải nghiệm của cộng đồng, tạo sự thân thiện, cảm thông, chia sẻ và giúp người mù hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống xã hội”.

 

Một số sản phẩm tiếp cận do Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản giới thiệu

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi