Thứ tư, 17 Tháng 2 2016 08:18

Tại buổi hiệp thương lần thứ nhất, đa số ý kiến cho rằng ĐBQH Trung ương gửi về Hà Nội quá nhiều (14/30 người), ảnh hưởng đến vai trò đại biểu địa phương. Vì vậy, Hội nghị đã thống nhất đề nghị UBTV Quốc hội giảm số đại biểu Trung ương giới thiệu về Hà Nội còn 10 người.

 

Ngày 15/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV Quốc hội) số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV của thành phố Hà Nội là 30 đại biểu, trong đó, đại biểu cư trú và làm việc tại Hà Nội là 16 người, đại biểu Trung ương giới thiệu là 14 người.

 

Mở đầu buổi hiệp thương, ông Đào Văn Bình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đưa ra con số để các đại biểu tại hội trường thấy rõ, Quốc hội khóa XIII, Trung ương chỉ gửi Hà Nội 11 đại biểu, còn lại 19 đại biểu cư trú và làm việc trên địa bàn Hà Nội. "Đề nghị đại biểu cho ý kiến về số lượng Trung ương gửi như vậy đã hợp lý chưa. Nếu như 14 đại biểu ở Trung ương gửi về thì sẽ có 4 đơn vị bầu cử có 2 đại biểu của Trung ương, trong khi đó Hà Nội chỉ được một đại biểu", ông Bình nói.

 

DBQH.nhandao
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khóa XIII tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2011-2016


Qua nghiên cứu tài liệu, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong khi địa giới hành chính của Hà Nội đã được mở rộng, nhưng vẫn được phân bổ 30 đại biểu Quốc hội khóa XIV là còn quá ít. UBTV Quốc hội cần phải tăng số lượng đại ĐBQH ở đoàn Hà Nội nhiều hơn nữa.

 

Luật sư Chiến cũng nhận thấy số lượng đại biểu Trung ương đưa xuống Hà Nội tới 14 người là không phù hợp. "Tôi thấy đại biểu Trung ương gửi xuống Hà Nội như vậy là quá nhiều. Chúng ta phải kiến nghị Trung ương cơ cấu lại tỷ lệ này, từ đó nâng cao số lượng đại biểu của thành phố", Luật sư Chiến nói.

 

Qua thực tiễn ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận thấy các khóa trước, đại biểu được Trung ương gửi về Hà Nội rất ít. Tuy nhiên, xu hướng những khóa gần đây, Trung ương gửi đại biểu về Hà Nội ngày càng nhiều hơn, điều đó làm mất đi cơ hội của các ứng viên sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Chính vì vậy, ông Sơn đề nghị MTTQ TP Hà Nội kiến nghị UBTV Quốc hội điều chỉnh cơ cấu trên một cách hợp lý hơn.

 

Từng là ĐBQH khóa IX và khóa X, ông Nguyễn Thanh Hải đánh giá việc Trung ương gửi về Hà Nội tới 14 trên tổng số 30 ĐBQH là điều bất hợp lý. "Khi chưa mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội được phân bổ 21 đại biểu, trong đó Trung ương chỉ gửi về tối đa là 9 người. Nhưng khóa này Hà Nội được phân bổ 30 đại biểu nhưng có tới 14 người được gửi về, con số như vậy là quá cao", ông Hải đánh giá.

 

Cùng vấn đề trên ông Nguyễn Hồng Sơn – ĐBQH TP Hà Nội khóa XIII nhận thấy số lượng đại biểu Trung ương gửi về như vậy là quá cao. Ông Sơn đề nghị Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất có kiến nghị Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia điều chỉnh lại cơ cấu trên tinh thần đại biểu của Trung ương chỉ từ 10 - 12 người.

 

"Theo tôi chất lượng đại biểu là quan trọng nhất để họ tham gia xây dựng pháp luật và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đó là những vấn đề quan trọng nhất mà đại biểu phải làm, nên đại biểu phải có tính đại diện, còn cơ cấu thành phần nên có nhưng cần hạn chế", ông Nguyễn Hồng Sơn phân tích thêm.

 

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, ông Đào Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị tổ thư ký tổng hợp ý kiến thống nhất biểu quyết cụ thể nội dung từng vần đề đề nghị UBTV Quốc hội điều chỉnh lại cơ cấu thành phần và số lượng đại biểu gửi về. Nội dung thứ nhất là đề nghị UBTV Quốc hội điều chỉnh số đại biểu trung ương giới thiệu về Hà Nội giảm xuống 10 đại biểu, đại biểu cư trú và làm việc ở Hà Nội là 20 đại biểu.

 

Hà Nội cũng đề nghị UBTV Quốc hội bổ sung lãnh đạo thành phố 1 chỉ tiêu là nam, như vậy tổng số lãnh đạo là 2; Đề nghị bổ sung 1 chỉ tiêu cho hiệp hội doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Đề nghị bổ sung 1 chỉ tiêu cho Hội phật giáo thành phố; Cho chỉ tiêu các hội, đoàn thể chính trị nghề nghiệp; Chỉ tiêu của mặt trận đề nghị điều chỉnh; Đề nghị tái cử 1 người là quá ít, phải xem xét bảo đảm 30% theo luật...

 

Ngoài ra, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất còn đề nghị thường trực HĐND TP Hà Nội chú ý tính đại diện, nhiều ngành, không nên giới thiệu về cấp trên, cấp dưới.

 

Theo Dân trí

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi