Quy định cụ thể các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm tra; mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; Công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ đầu tháng 2/2016.
Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện trong trường hợp nào?
Thông tư số 01/2016/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/2, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Theo đó cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp như trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Thông tư 01 quy định cụ thể các trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng xe
Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông...
Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% lương hưu
Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ 15/02/2016 quy định cụ thể tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng. Theo đó, người nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương tương với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia
Theo Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân có hiệu lực từ 15/02/2016, công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông.
Đối tượng được chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Từ ngày 1/2, Nghị định 129/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
Nghị định 129 quy định đối tượng thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân (Ảnh minh họa)
Theo đó, đối tượng được tuyển chọn như công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Dân quân tự vệ phối hợp bảo vệ biên giới, biển, đảo
Từ ngày 15/2, Nghị định 133/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo... chính thức có hiệu lực. Theo đó, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có biên giới đất liền điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu.
Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động Dân quân tự vệ biển theo quy chế phối hợp hoạt động sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có Dân quân tự vệ biển.
Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ
Theo Nghị định 03/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực từ 20/02/2016, mức phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định.
Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập
Có hiệu lực từ 20/2, Nghị định số 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trong đó, Nghị định bổ sung quy định điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Theo Dân trí
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Cá rô vàng hiếm gặp được trả giá 10 triệu đồng - 17/02/2016 09:34
- Hà Nội kiến nghị "cắt suất" đại biểu Quốc hội được Trung ương gửi gắm - 17/02/2016 01:18
- Không khí lạnh tràn về Hà Nội sau những ngày Tết nắng ấm - 15/02/2016 03:12
- Bí thư Hoàng Trung Hải lì xì hành khách đầu năm - 12/02/2016 15:11
- Xăng giảm tiếp từ 15h - 03/02/2016 08:37
Các tin khác
- Người nuôi cá "mất tết" vì đợt rét kỷ lục - 27/01/2016 07:43
- Hà Nội tiếp diễn rét hại, nhiệt độ thấp nhất 7 độ C - 26/01/2016 05:47
- Đợt “siêu rét” sẽ kéo dài đến giữa tuần - 25/01/2016 01:49
- “Giật mình” tàu hỏa 5 sao Hà Nội - Sài Gòn giá 274.000 đồng! - 23/01/2016 02:44
- Vụ sập mỏ đá tại Thanh Hóa: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 5 - 23/01/2016 02:25