Thứ hai, 22 Tháng 2 2016 09:27

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi). Theo số liệu của của Tổng cục Thống kê, hiện nay cả nước có 4.384.472 trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Khi điều chỉnh độ tuổi, 4.384.472 người trong đội tuổi này sẽ được xem là trẻ em.

 

1234321


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, quá trình thảo luận về dự thảo Luật này có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên và sẽ làm tăng chi phí ngân sách Nhà nước.


Theo UBTVQH, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm  trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là phù hợp với thực tế chứ không chỉ phù hợp với Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia. Nhất là người dưới 18 tuổi chưa đủ các điều kiện để trở thành người lớn nên cần được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn để tránh khỏi các hành vi gây tổn hại.


“Khi tăng độ tuổi không phải tất cả các luật đều đồng loạt quy định trẻ em dưới 18 tuổi được làm gì, không được làm gì mà quy định phụ thuộc vào từng độ tuổi. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản cũng sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích và dẫn chứng như việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 6 tuổi thì được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; bậc tiểu học không thu học phí...


Hơn nữa, “chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế”, Chủ nhiệm Đào Trọng Thị nhấn mạnh.


Liên quan đến quyền, bổn phận của trẻ em, dự thảo luật đã rà soát, chỉnh lý, sắp xếp hợp lý các quy định, cũng như bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm điều kiện để trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi lý giải, sử dụng cụm từ “bổn phận trẻ em” là kế thừa các quy định tại Luật năm 1991, Luật năm 2004. Và “bổn phận” thường là quy định mang tính định hướng để người lớn thấy được trách nhiệm của mình cần tạo điều kiện và giúp trẻ em thực hiện, trong khi “trách nhiệm” thường là những quy định cứng, ràng buộc đối với người thành niên. “Để các quy định về bổn phận trẻ em dễ thực hiện và rõ hơn trách nhiệm của người lớn, đã chỉnh sửa các điều luật liên quan như trong dự thảo Luật”, ông Thi nói.


Vẫn băn khoăn, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước đặt vấn đề, thế nào là “bổn phận”? Trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận khác nhau như thế nào? Không thực hiện bổn phận, các em, gia đình, nhà trường có bị gì không? Cho nên, cần làm rõ và giải thích từ ngữ “bổn phận” trong luật để thực hiện. Hơn nữa, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở người dân tộc mà có cả người Kinh.


“Dự thảo Luật quy định cấm tổ chức, hỗ trợ trẻ em tảo hôn, nhưng thực hiện điều này như thế nào thì “vắng bóng” trong khi đây là vấn đề rất lớn. Luật cấm, nhưng cứ xảy ra thì làm thế nào, ai chịu trách nhiệm, không thấy nói gì hết”, ông Kso Phước nói và cho rằng, quy định mà không thực hiện, cứ để “trôi đi” thì càng ngày càng nặng nề thêm.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì đề nghị cân nhắc quy định rất mới trong dự thảo luật là “lồng ghép vấn đề trẻ em trong các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình QH, UBTVQH”. Theo ông Lý, quyền trẻ em rất đặc thù, không thể hiện được ở tất cả các lĩnh vực như nguyên tắc bình đẳng giới. Nếu quy định như vậy sẽ không phù hợp.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm, cần bổ sung cơ chế giám sát để bảo đảm thực hiện đầy đủ, tránh vi phạm quyền trẻ em. Ngoài ra, đa số ý kiến UBTVQH cũng thánh thành đổi tên Luật hiện hành thành “Luật Trẻ em” để phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật, tương tự như tên của một số luật về đối tượng đặc thù đã được Quốc hội thông qua như: Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.

 

Nguồn: Molisa.gov.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi