Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 09:49

“Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn, khi vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi cán bộ chúng ta”, Thủ tướng chia sẻ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và 400 đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Chiều 22/7, tại TP. Tam Kỳ, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, và 400 đại biểu tham dự.

 

Tại Quảng Nam, cứ khoảng 4 người thì có 1 người là đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tỉnh Quảng Nam có trên 65.400 liệt sĩ, trên 30.500 thương binh và trên 45.300 người có công với cách mạng. Cả tỉnh có 14.795 bà mẹ Việt Nam anh hùng, chiếm 1/6 số bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước.

 

Nhưng điều đáng mừng là cả tỉnh cũng có hàng ngàn hộ gia đình chính sách sản xuất, kinh doanh giỏi; có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như mô hình kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt…

 

Thủ tướng ân cần thăm hỏi đại biểu người có công. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Có thể kể đến những tấm gương như đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, sinh năm 1950, bệnh binh hạng 2/3 (hiện ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc), bước đầu chỉ mở quán kinh doanh cà phê, sau đó chuyển sang buôn bán phế liệu, kinh doanh mây xuất khẩu, rồi thành lập công ty khai thác khoáng sản và xây dựng công trình với doanh thu hằng năm trên 3 tỷ đồng.

Một tấm gương khác là đồng chí Zơ Râm Bôi, sinh năm 1939, thương binh hạng 3/4 (ở xã Sông Kông, huyện Đông), đã xây dựng mô hình trồng cây, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sáu, sinh năm 1960, thương binh hạng 3/4 vươn lên thoát nghèo nhờ lập cơ sở sản xuất gia công hàng mộc trang trí nội thất, sau khi tạo được nguồn vốn, tiếp tục thành lập công ty gạch tuynel. Hằng năm, doanh thu đạt 6 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 37 lao động là vợ, con đồng đội cựu chiến binh.

 

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo về công tác chăm sóc người có công, nghe gương người có công tiêu biểu kể các câu chuyện vượt khó vươn lên, Thủ tướng bày tỏ khâm phục sự cố gắng lớn của các thương binh, bệnh binh, người có công đã chia sẻ khó khăn chung của địa phương, của đất nước.

 

Thủ tướng ân cần thăm hỏi bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Khẳng định chính các thương binh, bệnh binh  đã vượt qua mất mát to lớn, chiến thắng thương tật, bệnh tật, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, trong đó có người trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà giáo như anh Sáu, anh Tuyên…, Thủ tướng mong “các bác, các anh, các chị, những người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu thực hiện các chủ trương , chính sách của Đảng, Nhà nước, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”.

 

Thủ tướng cho rằng qua số liệu thống kê thì Quảng Nam là nơi chịu hy sinh gian khổ, mất mát lớn nhất trong cả nước nhưng cũng là mảnh đất kiên cường, bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình.

 

“Ngày hôm nay, trên mảnh đất thiêng liêng này, tất cả chúng ta thực sự tự hào về quê hương Quảng Nam anh hùng, bất khuất; tự hào về những bà mẹ, những người con trung dũng, kiên cường đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, những chiến công oanh liệt trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tất cả chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời thăm hỏi đến thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, con em của hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Quảng Nam năm xưa”.

 

Thủ tướng cho rằng chiến tranh đã qua đi 42 năm, chúng ta đã thực hiện tương đối tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đã thực hiện trên phạm vi cả nước công tác đền ơn đáp nghĩa, xác định đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực tri ân những người đã hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Tỉnh đã xây dựng 22.000 ngôi nhà cho gia đình chính sách, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ. Trên 97% số hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của khu dân cư. Đây là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công. Quảng Nam đã cơ bản xử lý xong hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng.

 

Những kết quả này phần nào xoa dịu nỗi đau, mất mát của người ở lại, “thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc”, Thủ tướng bày tỏ.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

“Vẫn còn những nỗi đau khắc khoải”

 

“Tuy nhiên, tại hội nghị này, chúng ta cần nhấn mạnh rằng chúng ta không được phép mình tự hài lòng về những kết quả đã đạt được”, Thủ tướng nói.

 

Qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, người dân các địa phương và tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng nhận thấy còn nhiều việc trước mắt và lâu dài cần thực hiện tốt hơn nữa.

 

“Tất cả chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo. Vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để hưởng chế độ. Còn nhiều liệt sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này đã để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng người thân và trong mỗi cán bộ đang có trách nhiệm”, Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% người có công trên cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú và giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng tồn đọng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam bên cạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa; tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi người có công theo quy định. Quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đào tạo việc làm cho người có công và thân nhân.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Cho biết hiện có một số nơi nhận thức chưa đầy đủ nên đã dừng lại công tác khen thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang và bà mẹ Việt Nam anh hùng, về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục lập hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; rà soát, phát hiện các trường hợp thuộc diện chính sách, người có công còn tồn sót, hướng dẫn kê khai, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để người có công được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi.

 

Cần tiếp tục huy động nguồn lực, thực hiện hỗ trợ gần 9.000 nhà ở người có công đã được Bộ LĐTB&XH thẩm định để giải quyết cơ bản về nhà ở đối với người có công trong năm tới.

 

Phải làm tốt hơn nữa công tác tu bổ nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ, quan tâm chăm lo các mẹ liệt sĩ còn sống, nhất là đối với 914 bà mẹ Việt Nam anh hùng đang sống ở tỉnh Quảng Nam. Cùng với chế độ phụng dưỡng theo quy định, cần có nhiều việc làm thiết thực để chăm lo sức khỏe, từng bữa ăn, giấc ngủ cho các mẹ, để các mẹ luôn ấm lòng, sống thọ hơn và thấy được quê hương ngày càng đổi mới, thấy Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đối với người có công.

 

“Tôi thường nói với Bộ LĐTB&XH rằng chúng ta không chỉ quan tâm đến những người đã khuất, tức là chăm lo phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ mà chúng ta phải dành nguồn lực cần thiết để quan tâm những người còn sống, đó là đối tượng chính sách nói chung, đặc biệt là gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Thủ tướng nói.

 

Trao đổi với những người có công, Thủ tướng cho rằng tinh thần tự lực, tự cường của các thương binh, bệnh binh, người có công là tấm gương sáng và mong muốn mỗi gia đình người có công cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường bởi nếu không có tinh thần vươn lên, tự lực tự cường, chỉ dựa vào chính sách của Nhà nước thì khó có cuộc sống khá giả.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đến thăm một xã anh hùng ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

*Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm một xã anh hùng và một số gia đình chính sách tại tỉnh Quảng Nam.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi