Thứ năm, 15 Tháng 10 2015 16:49

Sự kiện chuyến bay số hiệu HU7937 của hãng hàng không Hainan Airlines hạ cánh xuống sân bay Havel ở Cộng hòa Séc tháng trước được xem là một bước đi mới trong kế hoạch "Con đường tơ lụa trên không" của Trung Quốc.

 

TQ.hangko.nhandao

Máy bay của hãng Hainan Airlines hạ cánh tại Cộng hòa Séc (Ảnh: XiFinance)


Trong thông báo được đưa ra nhân dịp khai trương đường bay thẳng từ Trung Quốc tới thủ đô của Cộng hòa Séc, Chủ tịch hãng hàng không Hainan Airlines, ông Xie Haoming, đã bày to hy vọng vào khả năng tăng cường hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

 

"Với chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, quá trình hợp tác giữa ngành hàng không của chúng tôi và châu Âu sẽ tiếp tục được mở rộng, điều này sẽ mở ra các cơ hội cho dịch vụ du lịch và kinh doanh giữa Trung Quốc và các nước châu Âu", Chủ tịch Xie Haoming khẳng định.

 

Thời gian qua, chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc chủ yếu tập trung phát triển các hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy. Do vậy, sự kiện của hãng hàng không Hainan Airlines nêu trên được đánh giá là điểm khởi đầu cho chiến lược này thông qua con đường hàng không.

 

Trong hơn hai năm qua, Trung Quốc đã xây dựng 15 sân bay mới và mở rộng 28 sân bay hiện nay để nhằm phục vụ các chuyến bay thẳng tới các nước giữa Trung Quốc và châu Âu thông qua Trung Á.

 

Hàng không dự kiến sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cam kết của Trung Quốc về việc tăng cường khả năng kinh tế và "kết nối" với các nước trong thời gian áp dụng chiến lược "Một vành đai, một con đường". Tại Diễn đàn Phát triển Hàng không dân sự Trung Quốc hồi tháng Sáu, Giám đốc Cục Hàng không dân sự nước này, ông Li Jiaxiang từng nhấn mạnh rằng phát triển cơ sở hạ tầng xung quanh các sân bay rẻ hơn xây dựng hệ thống giao thông đường bộ và có thể thúc đẩy nhanh chóng giao thương giữa Trung Quốc và các nước trong dự án "Con đường tơ lụa" mới. Hơn thế nữa, với nhiều quốc gia liên quan tới chiến lược "Một vành đai, một con đường" bị cản trở bởi địa hình hiểm trở thì đường không là phương án hiệu quả nhất.

 

Một số nguồn tin cho biết đầu tư vào lĩnh vực hàng không dân sự sẽ là một phần trong kế hoạch phát triển 5năm lần thứ 13 của Trung Quốc, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào cuối tháng này trong một hội nghị quan trọng của trung ương tại thủ đô Bắc Kinh.

 

Cục hàng không dân sự Trung Quốc đã cam kết mở rộng "bầu trời" với các hãng hàng không từ Nam và Trung Á, cũng như cho phép các hãng đề xuất những chuyến bay thẳng mới. Dù động thái này được cho là sẽ khiến các hãng hàng không nhà nước của Trung Quốc đối diện với nhiều sức ép cạnh tranh song giới chuyên gia đánh giá đây là một bước tiến khi được triển khai.

 

Hồi đầu năm nay, Cục hàng không dân sự Trung Quốc đã ra thông báo hối thúc các hãng hàng không của nước này đẩy mạnh những nỗ lực để "vươn ra xa" và tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn với các hãng hàng không nước ngoài nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

 

Ngoài ra, Cục hàng không dân sự Trung Quốc cũng đã thông qua dự án xây dựng sân bay thứ hai tại Thành Đô. Như vậy, đây là thành phố thứ 3 tại Trung Quốc có 2 sân bay sau thủ đô Bắc Kinh và trung tâm kinh tế Thượng Hải. Với vị trí địa lý, sân bay mới ở thành phố Thành Đô, vốn ở gần châu Âu hơn các thành phố khác của Trung Quốc, sẽ góp phần vào quá trình phát triển mạng lưới hàng không giữa quốc gia đông dân nhất thế giới và cựu lục địa.

 

Dù còn những ý kiến lo ngại về việc thêm các đường bay mới có thu hút được người dân Trung Quốc tới những quốc gia ở Trung Á hay không, nhưng giới chuyên gia cho rằng châu Âu luôn được coi là điểm đến "ước mơ" của phần lớn khách du lịch nước này. Với việc hạ tầng cơ sở cho hàng không rẻ hơn, an toàn hơn và thân thiện mới môi trường hơn đường bộ và đường sắt, có thể nói ngành hàng không Trung Quốc đang nâng chiến lược "Một vành đai, một con đường" lên tầm cao mới.

 

Theo Diplomat

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi