Thứ tư, 09 Tháng 5 2018 10:27
Ngày ngày, tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), người ta vẫn thấy bóng dáng của một ông giáo về hưu ngồi ngâm thơ với các cụ trong làng.
 

Tuổi già không ngăn bước chân thiện nguyện

 

Thỉnh thoảng, ông giáo lại cầm trên tay cả tập hồ sơ giấy tờ, đi tới các tổ chức từ thiện để kêu gọi hảo tâm. Đó là cách mà thầy giáo Ngô Mạnh Cường “an dưỡng” tuổi già sau những năm tháng gắn bó với bục giảng.

 

Quê hương nuôi dưỡng hồn thơ

 

Làng Chùa nằm ven dòng sông Đáy, từ bao đời nay đã nức tiếng là làng thi ca. Người làng Chùa coi thơ là một món ăn tinh thần không thể thiếu, từ trẻ nhỏ đến các cụ già đều gắn bó với thơ, hầu như ai cũng biết là thơ mà mọi sinh hoạt cộng đồng đều có món ăn tinh thần chủ đạo là… thơ.

 

Sinh ra và lớn lên tại làng Chùa, như bao đứa trẻ khác trong làng, thầy Cường đã tập tành làm thơ từ rất nhỏ, khi được theo bố đến các buổi sinh hoạt của làng. Thầy Cường nhớ lại: “Ngày bé, tôi đã sớm được tiếp xúc với thơ. Đặc biệt, cha mẹ tôi luôn dạy dỗ tôi bằng thơ, những câu chuyện luân lý, những bài học đạo đức… chứ không quát mắng khi chẳng may tôi có phạm lỗi gì đó. Trong sinh hoạt hàng ngày, các cụ cũng mang thơ ra ngâm. Rồi thơ ngấm vào máu tôi lúc nào không biết...”.

 

Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy Cường nhận nhiệm vụ công tác tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Những ngày tháng xa nhà, thầy giáo trẻ lại gửi gắm cảm xúc vào thơ. Đến khi chuyển công tác về quê hương, ngay lập tức, thầy xin vào Câu lạc bộ thơ của làng Chùa. Ở đây, thầy Cường được tiếp xúc với các “cây cổ thụ thơ” của làng, học hỏi và trau dồi thêm về các tứ thơ. Đến nay, trong các tập thơ đã xuất bản của làng, có rất nhiều tác phẩm mang tên Ngô Mạnh Cường.

 

Tháng 10/2017, thầy Cường nghỉ hưu. Được sự tin tưởng của mọi người, thầy Cường đảm nhận cương vị Hội trưởng Hội Thơ làng Chùa, tiếp tục duy trì truyền thống độc đáo của quê hương. Từ đó, thầy dành hầu hết thời gian của mình cho thơ và Hội Thơ của làng. Những buổi sinh hoạt được diễn ra đều đặn, những sáng tác mới được đọc trên loa phát thanh cuối tuần... Ở làng Chùa, như đã nói, hầu hết trẻ em đều yêu thơ và tập làm thơ từ rất sớm. Vì vậy, với vai trò Hội trưởng, thầy Cường đứng ra tổ chức những đợt thi thơ dành cho lứa tuổi học trò tại xã Sơn Công, thu hút được sự tham gia của đông đảo học sinh trong toàn xã.

 

Lòng nhân ái của nhà giáo yêu thơ

 

Ngoài thời gian dành cho thơ, Hội trưởng Hội Thơ làng Chùa còn được biết đến với tấm lòng nhân ái. Ngay từ khi còn là một thầy giáo trẻ dạy học ở vùng cao, thầy Cường đã sử dụng những đồng lương ít ỏi của mình để giúp đỡ học sinh nghèo, khi thì tập vở, khi thì một vài chiếc bút. Sau này, nhận thấy sự giúp đỡ nhỏ bé của mình chẳng thấm tháp vào đâu so với hoàn cảnh của học sinh, thầy Cường lặn lội đi tìm sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

 

Tính đến nay, thầy Cường đã có 14 năm đi kêu gọi từ thiện, giúp đỡ được ba trường hợp mổ tim bẩm sinh, một trường hợp mổ thận và xây dựng được hai căn nhà tình nghĩa. Số tiền thầy kêu gọi được cho đến nay cũng khoảng hơn 1 tỷ đồng. Từ những việc làm nhỏ của mình để giúp đỡ học sinh nghèo, hiện nay, thầy Cường lại cố gắng hơn để giúp đỡ được nhiều người nghèo. Mỗi lần có một hoàn cảnh khó khăn tìm đến tận nhà, thầy Cường lại trăn trở, lo lắng tìm cách kêu gọi giúp đỡ.

 

Dù đã nghỉ hưu, nhưng thầy cũng không cho phép mình “nghỉ hưu” với người nghèo, cũng như dù khó khăn đến đâu trong cuộc sống cũng không được phép “quên” thơ. Thầy chia sẻ: “Cuộc sống còn rất nhiều người nghèo cần giúp đỡ. Tôi cố gắng cũng chỉ giúp đỡ được một vài hoàn cảnh. Hiện nay, tôi vẫn đang đi kêu gọi xây nhà cho một trường hợp ở quê mình. Hai mẹ con họ vẫn sống ở một cái chòi ven sông, uống nước ao mỗi ngày... Tôi đã kêu gọi được tiền xây nhà, nhưng họ không có đất nên tôi vẫn đang rất áy náy...”.

 

Để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, thầy Cường lập ra nhóm Chia sẻ yêu thương, bao gồm các thầy cô giáo của địa phương và các thế hệ học trò cũ. Vào những dịp khai giảng hay lễ tết, nhóm từ thiện của thầy lại dành tặng hàng chục suất quà cho những em học sinh nghèo.

 

Thay vì nghỉ ngơi tuổi già, thầy Cường vẫn lo lắng và tận tụy với Hội Thơ làng Chùa, với người nghèo. Khi được hỏi về thời gian thầy cho phép mình nghỉ ngơi, thầy chỉ cười: “Mình còn cố gắng được thì còn nhiều người nghèo được giúp đỡ, Hội Thơ vẫn được duy trì đều đặn. Mình mà nghỉ, biết đâu đó, một vài người nghèo lại mất đi cơ hội được một bữa ăn no. Mỗi lần giúp đỡ được ai đó, hoặc tổ chức xong một buổi giao lưu thơ, tôi lại cảm thấy hạnh phúc vì những đóng góp của mình”.

 

Nói về bản thân, thầy Cường không bao giờ nhận mình là một nhà thơ, mà chỉ đơn thuần là một nhà giáo yêu thơ. Thầy cho biết, ở làng Chùa, tất cả mọi người đều có khả năng làm thơ, trong đó có rất nhiều người là “thi sĩ nông dân”… Ngưỡng mộ trước tài năng của họ, thầy Cường cũng đã sáng tác một tác phẩm về thi sĩ quê mình: “Quê tôi thi sĩ nông dân/ Đồng sâu ruộng cạn vẹt mòn gót chân/ Không giấy bút thơ viết ngay ra đất/ Chạy cơn giông lạc mất ý thơ...”.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi