Thứ năm, 03 Tháng 5 2018 15:08

Suốt hơn 20 năm qua, gạt bỏ những dị nghị, đàm tiếu của người đời, bà Lê Thị Hà (xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội) đã tình nguyện hiến máu cả trăm lần.

 

 

 

Không những vậy, bà còn động viên gia đình, họ hàng và những người trong xã tham gia hiến máu cứu người. Với người phụ nữ thuần nông này, cứu được người là "phúc đẳng hà sa", là thấy trong tâm mình thanh thản.

 

Trốn mẹ chồng đi hiến máu

 

Chúng tôi may mắn được gặp bà Lê Thị Hà cùng hai con gái đi hiến máu trong lễ hội Xuân hồng lần thứ XI năm 2016, được khởi động tại huyện Thanh Oai (TP Hà Nội). Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía bà không chỉ vì đó là người phụ nữ đang giữ kỷ lục "người hiến máu" nhiều nhất huyện mà còn vì thần thái đặc biệt của bà. 

 

Với bộ quần áo lao động, nguyên đôi ủng dính bùn đất, bà Hà đến từ rất sớm như thể không nhanh sẽ không được hiến máu vậy. Bà bảo, tôi đang đi cấy nghe thấy người ta thông báo ở huyện tổ chức hiến máu nên vội vã gọi các con đến, sợ về nhà thay quần áo chương trình kết thúc mất.

 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi bà Hà với cái tên thân thương "Bà Hà hiến máu", đơn giản vì người phụ nữ này chính thức tham gia hiến máu trong những lần các tổ chức kêu gọi là 36 lần. Còn những lần tự nguyện đến các tuyến bệnh viện để hiến máu chắc bà không thể nhớ hết. 

 

Bà Hà cười rạng rỡ, nói  với chúng tôi: "Cô không nhớ bao nhiêu lần đâu, kể cả 36 lần như thế này chắc cũng cả trăm lần rồi. Cô như bị "nghiện" hiến máu vậy, không hiểu sao mỗi lần hiến máu xong lại thấy mình vui vẻ, thanh thản lạ thường".

 

Mỗi lần được hiến máu bà Hà thấy vô cùng hạnh phúc.

 

Dù rất bận rộn với công việc đồng áng nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu quãng thời gian 20 năm hiến máu của mình, bà Hà vẫn sẵn sàng chia sẻ. Bà con nhớ như in những ngày đầu đi hiến máu, bà phải vượt qua nhiều dị nghị của làng xóm, thậm chí cả ngờ vực của người mẹ chồng. 

 

Vào năm 1997, bà Hà cùng một số chị em trong thôn lên chợ Hà Đông để bán chổi thì vô tình nghe được thông tin ở Bệnh viện Nhi Trung ương có tổ chức hiến máu. Như thể cơ duyên, mặc dù số chổi mang đi vẫn chưa bán được, bà vẫn quyết định đạp xe sang bệnh viện xin hiến. 

 

Sau lần đầu tiên ấy, bà Hà đã coi việc hiến máu cứu người là "trách nhiệm" của mình. Ban đầu bà Hà không giấu được sự lo lắng, nhưng sau đó được các bác sĩ nói rằng hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đôi khi còn khỏe mạnh, béo tốt hơn. 

 

Biết được điều đó, bà quyết định hiến 250ml, người duy nhất hiến lần đầu nhiều như vậy, những lần sau đó bà đều hiến tới 350ml. 

 

Sau một vài lần hiến máu, được tuyên truyền về lợi ích, đồng thời bà Hà thấy trong người khỏe ra, bà càng nhiệt tình hơn. Cứ 3 tháng, nghe đâu có thông báo điểm hiến máu là bà đạp xe đi. Các điểm hiến máu trong địa bàn Hà Nội quen mặt bà như người nhà vậy. 

 

Bà Lê Thị Hiền (người cùng làng với bà Hà) chia sẻ: "Bà Hà như "nghiện" đi hiến máu vậy, cứ nghe đâu có chỗ tổ chức hiến máu là bà ấy đạp xe đi. Bây giờ còn đỡ, có xe máy để đi chứ trước kia toàn đạp xe mấy chục cây số để hiến máu. Nhiều người không hiểu cứ bảo bà ấy bị điên, hâm… ăn còn phải lo từng bữa lại còn đi hiến máu".

 

Nhiều hôm bà rủ mấy chị em trong làng đi chợ thật sớm để bán cho hết chổi, sau đó sẽ đi hiến máu cho kịp thời gian. Bà Hà tâm sự: "Máu không thể sản xuất ra được, chỉ có thể cho nhau được thôi. Vì thế nó là vô giá. Chứng kiến những người đang phải đối mặt với cái chết, chỉ có máu mới cứu được tôi thấy việc làm của mình là rất có ý nghĩa. 

 

Khi hiến máu tôi không nghĩ mình được trả ơn, chỉ cần người nhận qua được cơn nguy kịch, có được cuộc sống là tôi thấy vui rồi. Tôi đi khắp các bệnh viện từ bệnh viện tỉnh, rồi Bệnh viện 19-8, sang viện Quân y 103, Bệnh viện Nhi Trung ương… ngày đó làm gì có xe máy mà đi, toàn phải đạp xe 30 km từ nhà ra Hà Nội để hiến. Thế mà tôi có thấy mệt mỏi đâu, hiến máu xong thấy nhẹ cả người, vui lắm".

 

Xã Kim Thư vốn là một vùng quê thuần nông vì vậy những bất thường sẽ không tranh khỏi tai mắt, sự đồn thổi của dân làng, thậm chí cả người thân. Khi đó chồng bà Hà là ông Phạm Vũ Trường lại sang Nga xuất khẩu lao động, một mình bà Hà nuôi hai con gái nhỏ. Người vợ trẻ xa chồng sẽ nhận được sự "chăm sóc" đặc biệt của mẹ chồng. Mỗi lần đi hiến máu, bà Hà lại đi chợ rất sớm và về muộn hơn mọi khi. 

 

Không thể không nghi ngờ, mẹ chồng có lần đã gặng hỏi con dâu: "Đi đâu mà thất thường như vậy". Lúc đó bà Hà chỉ nói: "Đi kiếm tiền để nuôi con, nuôi cháu của mẹ thôi mà". Không thỏa mãn trước câu trả lời của con dâu, bà Hà còn bị mẹ chồng dọa sẽ kể lại cho con trai đang ở Nga. 

 

Bà Hà chịu áp lực từ nhiều phía thế, nhưng chưa khi nào từ bỏ nghĩa cử hiến máu cứu người. Bà Hà nhớ lại: "Khi ấy nhiều người nói ra nói vào lắm. Nhưng cô nghĩ mình trong sáng, mình làm việc thiện mình không có gì phải sợ cả. Không những thế, việc cô đi hiến máu nhiều chị em đi chợ cùng cũng biết mà, thích thì cô mang họ ra đối chứng".

 

Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, mọi người trong gia đình, trong làng xã biết được nghĩa cử cao đẹp của bà Hà. Nhất là những người thân trong gia đình, họ đều ủng hộ và coi đó là việc làm để tích đức cho con cháu. Không những vậy nhiều anh em, họ hàng thậm chí cả hai cô con gái lớn lên cũng theo mẹ hiến máu.

 
 

Vận động hàng chục người đi hiến máu

 

 Không chỉ là người giữ kỷ lục số lần hiến máu ở trong huyện, bà Hà còn vận động các con, người thân và cả những người trong xã đi hiến máu. Phương pháp vận động của bà Hà cũng rất đặc biệt, bà sử dụng biện pháp "mưa dầm thấm lâu", chỉ cần có cơ hội là bà lại phổ biến những lợi ích của việc hiến máu. 

 

Cứ như thế nhiều người hiểu và nghe ra. Bà Hà trải qua rất nhiều vị trí của thôn rồi xã, từ phụ nữ, Mặt trận và hiện là phó chủ tịch hội chữ thập đỏ xã Kim Thư. Có lẽ lần lượt đảm nhận các vị trí ấy mục đích cuối cùng của người phụ nữ đặc biệt này là để có cơ hội, có môi trường vận động mọi người đi hiến máu. 

 

Bà Hà kể: "Cô thường bảo các chị em đi chợ cùng, rồi mọi người trong xã là: Đi hiến máu người ta sẽ kiểm sức khỏe, xét nghiệm máu cho mình. Có phải là vừa không mất tiền lại vừa biết mình có bệnh tật gì không nào. Nếu có phát hiện ra bệnh thì mình sẽ đi chữa trị kịp thời, còn không thì hiến máu sẽ rất có lợi cho sức khỏe. 

 

Bản thân cô cũng là một nhân chứng sống để mọi người nhìn vào. Thực tế cô hiến máu rất nhiều nhưng vẫn béo tốt, hai vợ chồng cấy gần 1 mẫu ruộng, hàng ngày lại là công nhân môi trường nhưng chẳng khi nào cô phải dùng đến 1 viên thuốc. 

 

Càng hiến máu cô càng thấy trong người khỏe ra. Về địa phương hoạt động nhiều vụ trí đoàn thể, xã hội, mục đích chính của cô là có môi trường để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hiến máu nhân đạo thôi".

 

Bà Hà luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ ở địa phương noi theo.

Hiện, bà Hà giống như một thành viên tình nguyện trong các chương trình hiến máu. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có chương tình hiến máu đều liên lạc và gửi trước thông tin cho bà. Sau đó sẽ thông báo cho những người có ý định hiến máu, hoặc những người hiến máu thường xuyên. 

 

Chỉ tay về phía bức tường trong nhà, bà Hà xúc động nói: "Kia kìa, giấy khen của thành phố, giấy khen của xã cô rất nhiều. Đó đều là những ghi nhận cho những việc làm của cô trong suốt 20 năm qua. Thực ra cô hiến máu không vì những tấm giấy khen mà vì cái tâm của mình, vì những người đang mắc bệnh cần máu để cứu chữa". 

 

*Ông Phạm Nhung, Bí thư Đoàn huyện Thanh Oai cho biết: Phong trào hiến máu tình nguyện trong huyện không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà đã trở thành hành động, là trách nhiệm và bổn phận của mỗi đoàn viên, thanh niên ở huyện Thanh Oai đối với cộng đồng. Đặc biệt, ngay trong Lễ phát động chúng tôi đã chọn hoạt động Lễ hội Xuân Hồng là hoạt động tiên phong, khởi đầu cho chuỗi hoạt động ý nghĩa của đoàn viên, thanh niên huyện trong Tháng Thanh niên năm nay. Ngay buổi ra quân đã thu được gần 500 đơn vị máu.

Chúng tôi vô cùng xúc động bởi không chỉ có thanh niên tham gia hiến máu mà còn có rất nhiều người ở những độ tuổi khác nhau. Đặc biệt ngay trong buổi ra quân có cô Lê Thị Hà đã đến tham gia hiến máu. Ở huyện, cô Hà luôn là người đi đầu trong phong trào tình nguyện hiến máu, cô là người giữ kỷ lục số lần hiến máu ở huyện. Bên cạnh đó cô còn là người kêu gọi, động viên rất nhiều người tham gia hiến máu nhân đạo. Cô Hà thực sự là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo, hình ảnh cô tranh thủ hiến máu khi đang đi cấy đã nói lên tất cả.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi