Thứ ba, 09 Tháng 8 2016 10:42

Tháng tám rồi nhưng trời đêm vẫn còn khô khốc, cô giáo dạy văn cấp ba Phan Thị Hà đắn đo mãi mới nhấn nút gửi bức thư đến PV Dân trí. Từ đó đến sáng, cô cứ nơm nớp chập chờn mong sao những điều tâm sự gửi đi có thể giúp cho cô học trò nhỏ của mình, khốn khó thiệt thòi từ thời thơ ấu, có một lối thoát đến được mơ ước giảng đường đại học của em.

 

Qua điện thoại, giọng cô Hà lạc đi: “Học trò của em, nó mất cả mẹ cả cha, rất gắn bó với em, kết quả thi đợt rồi khá lắm, nhưng không có tiền đi học, anh có cách nào giúp em nó được đi học với…”.

 

Hoàn cảnh bi đát

 

Mười mấy năm trời đi dạy, cô giáo Hà chưa gặp trường hợp nào cắp sách tới trường mà bi đát như cô bé Nguyễn Thị Hòa. Mẹ của Hòa, chị Vương Thị Thủy mất lúc em được 2 tuổi. Đúng 15 ngày sau khi thằng cu Nguyễn Trọng Thuận ra đời.

Đến khi 13 tuổi, anh Nguyễn Trọng Bình - bố của Hòa cũng theo mẹ ra đi. Hòa với em trai sống cùng bà nội, bà Lê Thị Liệu đã 74 tuổi ở ngóc ngách xóm 9, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

 

Cô giáo Hà rất lo lắng cho việc học của Hà sắp tới tại mảnh đất Thủ đô.
Cô giáo Hà rất lo lắng cho việc học của Hà sắp tới tại mảnh đất Thủ đô.
 

Em trai Hòa học hết lớp 9 năm rồi, kết quả cũng khá nhưng phải xin nghỉ vì bà Liệu không nuôi được cả 2 đứa cháu cùng ăn học cấp ba, nhường việc học cho chị. Thuận vô Nam, đâu đó ở Bình Dương, bưng bê quán xá cho người ta vì nhỏ tuổi quá, nhỏ luôn cả người, xin vào khu công nghiệp không ai nhận.

 

Hòa ở nhà, thương em ngơ ngác ở xa, thương bà suốt ngày lụi cụi, cả 3 năm cấp 3 là học sinh giỏi toàn diện, học sinh giỏi huyện, học sinh giỏi tỉnh. Thi được 25,75 điểm chưa kể điểm cộng, đứng đầu khối C của Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách. Được tỉnh Nghệ An đưa vào danh sách khen thưởng.

 

Hòa cầm tờ giấy báo điểm trên tay mà lòng quặn thắt, vì biết mình quá nghèo khổ để được đi học.
Hòa cầm tờ giấy báo điểm trên tay mà lòng quặn thắt, vì biết mình quá nghèo khổ để được đi học.
 

Mà đâu phải có điều kiện gì để học, 360 ngàn của bà Liệu nuôi cháu, 400 ngàn của Hòa được hưởng từ chính sách con mồ côi mỗi tháng. Chừng đó tiền, vậy mà bà cháu đùm bọc nhau rau cháo qua ngày.

 

Cô giáo Hà và Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách miễn giảm đủ thứ để em đi học, các bạn đi học thêm, các cô cũng không để Hòa phải thiệt thòi mặc cảm ở nhà. Và Hòa cũng vươn lên vô cùng mạnh mẽ. Em chăm ngoan học giỏi, đứng đầu kết quả thi của khối xã hội, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách có 4 học sinh được tỉnh Nghệ An khen thưởng, trong đó có em. Hòa còn được nhà trường cử đi học đối tượng Đảng tháng 5 vừa rồi.

 

Không có tiền, Hòa rất lo lắng cho việc học của mình nhiều khả năng sẽ không thực hiện được.
Không có tiền, Hòa rất lo lắng cho việc học của mình nhiều khả năng sẽ không thực hiện được.
Bà Liệu lo lắng chặng đường sắp tới của cháu mình biết có thực hiện được không?.
Bà Liệu lo lắng chặng đường sắp tới của cháu mình biết có thực hiện được không?.
 

Cả chiều, cô giáo Phan Thị Hà đứng đợi chúng tôi từ ủy ban xã Xuân Tường, dẫn lối vào nhà cô học trò ở xóm 9. Cô gọi cả Hòa đang làm bưng bê dọn rửa ở một quán ăn dưới TP Vinh bắt xe về để gặp mặt. Chúng tôi thấy nó gian nan khó dễ quá, về Vinh chúng tôi gặp Hòa cũng được, sao bắt em bỏ dở đường xa mà về. Nhưng cô Hà vẫn tha thiết, vì như cô nói, người thật việc thật không dám giấu điều chi.

 

Quả thật, cũng không có gì để giấu. Nhà được cái ngăn nắp sạch sẽ, không biết là vì cái tính ở sạch hay bởi chẳng có gì trưng biện ra cho nó ngổn ngang. Bà cụ Liệu ngày ngày chỉ biết đi đứng vào trông, cả hai đứa cháu giờ đều ở xa cả.

 

Căn nhà nhỏ của hai chị em Hòa.
Căn nhà nhỏ của hai chị em Hòa.
 

Không cầm cái chổi quét nhà, ra vườn chăm luống rau thì ngồi nhớ cháu mà ốm mất. Bà Liệu cứ luống cuống, vì khách vào mà nhà cửa sơ sài quá, chúng tôi chỉ thấy có cái tivi màn hình lồi bé xíu thời nào mà người ta đã loại bỏ từ lâu là đồ dụng điện tử đáng gọi tên.

 

“Hòa có cái xe đạp mới, được Đoàn thanh niên tặng, giờ thì nó là tài sản lớn nhất của em” - cô Hà chỉ vào bếp, nơi dựng 2 chiếc xe mini một mới một cũ, của Hòa và bà nội.

 

Lúc bố mất, Hòa và em trai sang ở với bà, nghe nói hai nhà mà nghĩ to tát, chứ thực nhà bà với Hòa chung luôn sân, bước qua là tới. Vậy nhưng trên sổ sách chính quyền, vẫn là hai hộ.

 

Hòa tìm bọc giấy tờ buộc kỹ đưa chúng tôi xem và khoe: “Em cũng là chủ hộ đấy”. Chủ hộ 18 tuổi của một hộ 2 người, với thành viên nữa là em trai Nguyễn Trọng Thuận. Chủ hộ và em trai, đều là học sinh, điều đó ghi trên Giấy chứng nhận hộ nghèo được ông Phó chủ tịch ủy ban xã Xuân Tường Nguyễn Đình Đàn đóng dấu mộc ký tên năm đầu năm 2016.

 

Giang dở giấc mơ giảng đường?

 

Hòa nâng niu Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 được bọc cất cẩn thận do hội đồng thi Trường ĐH Vinh cấp cho ngày 22/7 vừa rồi. Ba môn khối xã hội Hòa đăng ký xét tuyển, điểm rất khả quan: Văn 8 điểm, Sử 8,5 điểm, Địa lý 9,25 điểm.

 

Cả hai bà cháu lo lắng bất an vì gian nan đường tới giảng đường của Hòa sắp tới.
Cả hai bà cháu lo lắng bất an vì gian nan đường tới giảng đường của Hòa sắp tới.
 

Cũng từ ngày nhận giấy chứng nhận, Hòa xếp sách vở học trò vào góc, rồi xuống Vinh làm nhân viên dọn rửa. Hè trước, hết học lớp 11, Hòa cũng xuống quán này làm thuê cho người ta, kiếm tiền sách vở cho lớp 12. Chủ không lạ hoàn cảnh của cô học trò này, nhưng kiếm cơm nơi đô thị không dễ, cả ngày từ sáng đến đêm dọn rửa bưng bê trợt da tay mới kiếm được mấy triệu đồng.

 

Về TP Vinh, chúng tôi đến gặp Hòa ở quán bán bia trên đường Lê Hồng Phong, vẫn khuôn mặt ngơ ngác hiền lành, thật thà như khoai sắn. Từ trưa đến tối khuya, Hòa cần mẫn bưng bê thức nhắm, rửa dọn bát đĩa cốc chén, với mong muốn góp nhóp đủ tiền để ra Thủ đô nhập học tháng đầu. Ở đây, người ta vào uống bia 1,2 tiếng là đã hết vèo cả số tiền 400 ngàn bằng trợ cấp hàng tháng của em.

 

Bà Liệu đã 74 tuổi nay ở nhà một mình vừa trông nhà mình vừa trông nhà cháu cùng hương khói cho bố mẹ Hòa.
Bà Liệu đã 74 tuổi nay ở nhà một mình vừa trông nhà mình vừa trông nhà cháu cùng hương khói cho bố mẹ Hòa.
Hai chiếc xe đạp một mới một cũ. Cái của Hà được Đoàn thanh niên tặng.
Hai chiếc xe đạp một mới một cũ. Cái của Hà được Đoàn thanh niên tặng.
 

Quán Hòa làm, cũng có mấy cô gái cùng tuổi nhưng học hành không được, mỗi Hòa đạt điểm cao, mỗi Hòa có đủ số điểm để dám gửi đơn cho trường ĐH ở Hà Nội. Cũng chỉ có mỗi Hòa đau đáu với nỗi lo trọ học ở mảnh đất Thủ đô.

 

Tổng điểm của Hòa ở một trường miền núi là cả sự nỗ lực lớn, với mong muốn tha thiết đi học để thay đổi cuộc đời, Hòa đặt mục tiêu vào trường Học viện Hành chính quốc gia tại Hà Nội. Gặp cô giáo gắn bó 3 năm với bao nhiêu ân cần giúp đỡ, Hòa nức nở với khao khát của mình có nguy cơ không thành hiện thực.

 

Nếu không có tiền nhập học, Hòa sẽ đi làm công nhân.
Nếu không có tiền nhập học, Hòa sẽ đi làm công nhân.
 

“Em bảo với tôi là không có tiền để mà trọ học được, thì em đi làm công nhân. Tôi biết em bế tắc nên mới nói ra như vậy. Tôi bảo em đừng lo, thế nào cũng có cách” - cô Hà nhìn học trò mình mà se sắt lòng.

 

Nói vậy, nhưng cô giáo cảm thấy hoang mang, chính cô cũng không biết cái “cách” đó là cách nào. “Em nói là em đi làm thêm để có tiền học, ba năm cấp 3 bà cháu cơm rau qua bữa, trường lớp miễn giảm hết mực Hòa mới vượt qua được. Tận 4 năm ở đất Thủ đô xa lạ, không đâu bám víu, liệu em trụ được bao lâu…” - giọng cô Hà đắng ngắt.

 

“Thế còn vay tiền hỗ trợ sinh viên” - chúng tôi hỏi. “Em cũng nghĩ rồi, nhưng bà em mỗi tháng có được 360 ngàn, bà trả lãi vay sinh viên cho em thì lấy gì mà sống” - Hòa sụt sùi nói nấc.

 

Hòa nâng niu giấy chứng nhận, mà lòng trắc ẩn không biết có được tiếp tục đi học nữa hay không.
Hòa nâng niu giấy chứng nhận, mà lòng trắc ẩn không biết có được tiếp tục đi học nữa hay không.
Cô Hà rất mong muốn độc giả của báo Dân trí hãy sẻ chia cùng em Hòa trong lúc khó khăn nhất để em được đi học.
Cô Hà rất mong muốn độc giả của báo Dân trí hãy sẻ chia cùng em Hòa trong lúc khó khăn nhất để em được đi học.
 

Chúng tôi im lặng, vì thấy chính mình cũng bế tắc. Ngồi với ba người phụ nữ, sự im lặng thật khó chịu. Nhưng cứ định hỏi thêm điều gì đều thấy thừa thãi. Mối lo chính không tìm ra lời giải, nghẹn ứ trong đôi mắt hoang mang của Hòa, sự bất lực của cô Hà, vẻ thất thần của bà cụ Liệu.

 

Trong mắt Hòa, chúng tôi thấy cái ý chí đăm đăm đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống giảng đường. Nhưng biết nói sao cho em rõ, mấy năm lên giảng đường ở Thủ đô với bao nhiêu thứ tiền vây bọc, không phải chỉ đơn giản như những tháng ngày đi chùi rửa bát đĩa thuê ở Vinh.

 

Đơn xin trợ cấp kinh phí học tập của em Hòa viết gửi báo Dân trí và độc giả.
Đơn xin trợ cấp kinh phí học tập của em Hòa viết gửi báo Dân trí và độc giả.
 

Mới 18 tuổi, bước ra khỏi sự chở che của bà nội già yếu là cắm mặt vào đống bát đĩa của quán ăn, em làm sao hiểu được cuộc sống nó phức tạp thế nào. Sự đặt cược đó quả đúng là đã hết cách xoay trở.

 

Khi chúng tôi viết những dòng này, buổi tối thành Vinh vẫn nóng hầm hập. Giờ này, Hòa đang nhọc nhằn rửa từng chén bát, lật đật chạy tới lui phục vụ để kiếm từng đồng góp lại mong đủ tháng đầu tiên ra trọ học.

 

Mới 18 tuổi, Hòa là chủ hộ.
Mới 18 tuổi, Hòa là chủ hộ.
 

Chúng tôi nghĩ tới hai sự mất mát lớn trong cuộc đời của Hòa, khi những bạn cùng trang lứa vô tư lự giao phó cho cha mẹ lo toan từng chút để hồn nhiên lên giảng đường. Chúng tôi chỉ mong ước rằng, trong 4 năm dài đằng đẵng sắp tới, sẽ có ai đó góp tay chung sức, sẻ chia với cô học trò nghèo thiệt thòi ngoan hiền vượt khó ấy.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Em Nguyễn Thị Hòa, xóm 9, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

ĐT: 01695.937.856

 

 

Nguồn: dantri.com.vn

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE trẻ mồ côi

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi