Thứ năm, 24 Tháng 12 2015 14:25

Trong mấy cái nồi đen nhẻm nồi nào cũng có thịt, nói là thịt nhưng thực ra chỉ là mỡ khổ chị xin được ở ngoài chợ, về không xắt được nên bỏ vào nồi nấu luôn, lông lá vẫn bám đầy…

 

Hoàng Xuân Kiếm (SN 2006) ở thôn Bắc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã là “trụ cột” trong nhà mấy năm nay.

 

Vốn tật nguyền từ nhỏ, chị Hoàng Thị Viện (SN 1969 – mẹ Kiếm) chỉ nói ú ớ được vài từ. Đi lại cũng khó khăn vì cả tay và chân trái chị đều bị quặt ra sau, không cử động gì được.

 

112

Mới lớp 4 nhưng Kiếm đã là trụ cột gia đình mấy năm nay

 

“Thương con gái tật nguyền côi cút nên trước khi trăm tuổi, bố chị đã cho phép chị kiếm đứa con để nương tựa. Lúc đang học lớp 8, cháu bị tai nạn rồi mất làm chị như điên đảo.

 

Mấy năm sau, chị lại sinh thêm Kiếm. Thời điểm chị mang thai và sinh em, mẹ chị cũng bị mù rồi nằm liệt một chỗ khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn”, chị Hoàng Thị Lệ Yến, một người hàng xóm cho biết.
 

Khi bắt đầu đi lại cứng cáp, chị đã đưa Kiếm ra chợ xin ăn, ai cho gì cũng lấy. Được mấy năm thì mẹ chị mất, từ đó trở đi hai mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày. Ngay từ nhỏ, Kiếm đã làm người trụ cột trong nhà, việc gì cũng đến tay.

 

Nhà có mỗi hai sào ruộng, cày bừa đã có người giúp, còn đắp bờ, dặm lúa…em và mẹ tự đi làm cùng nhau. Đến mùa gặt, chị em phụ nữ trong thôn tập hợp lại làm giúp cho một buổi rồi đưa về để đó, Kiếm lại phơi, cất để hai mẹ con ăn dần.

 

Ngôi nhà cũ kĩ của mẹ con Kiếm được ông bà ngoại để lại lúc nào cũng luộm thuộm, nhếch nhác vì chị Viện không thể làm việc gì được. Trong nhà, tài sản có giá trị nhất của hai mẹ con là một con bò cái.

 

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ sáng dậy là em dắt bò đi thả rồi đến trường, trưa thì về xem bò ăn ở đâu rồi mới về ăn cơm đi học, chiều lại lên núi lùa bò. Có lần về đến nhà trời đã tối đen, em lại lụi cụi cắt chuối cho bò ăn rồi người mới được ăn.

“Thương con còn bé vất vả, mặc dù chỉ nói ú ớ nhưng chị Viện cũng cố gắng nấu cho con miếng cơm. Những lúc cơm sôi cạn nước, vì không bưng được chị lại dùng tay phải kéo nồi cơm xuống cạnh bếp ủ than, tay chân lóng ngóng nhiều lần chị làm đổ nửa nồi cơm ra ngoài”, chị Yến cho biết thêm.
 

Hiện nay chị vẫn ra chợ xin thức ăn, kẹp cái làn nhỏ vào nách, chị lê đôi chân tật nguyền từ đầu đến cuối chợ, người dân đã quen nên có gì cho nấy, cho gì chị cũng lấy. Có người cho cả đầu cá, thịt mỡ…về không cầm dao cắt được nên chị để cả miếng, có khi còn dính đầy lông lá cho vào nồi nấu sôi lên rồi hai mẹ con ăn.

 

Thương mẹ con Kiếm, hội phụ nữ trong thôn lâu lâu lại đến giặt giữ quần áo, dọn dẹp nhà cửa cho một lần.

 

“Cực khổ là thế nhưng em chưa bao giờ bỏ buổi học nào, có lẽ đến trường là niềm vui duy nhất của em. Thấy em nhếch nhác nên thầy cô chúng tôi hay gom áo quần cũ, tết đến thì đóng góp để mua cho em bộ đồ mới”, cô Từ Thị Thanh Huyền tổng phụ trách đội trường Tiểu học Vạn Trạch cho biết.

 

Chúng tôi chào mẹ con Kiếm ra về lúc xế trưa, người mẹ ú ớ nhắc Kiếm chào mấy cô, em ngoan ngoãn: “Chào các cô, em đi bò” làm ai cũng chạnh thương.

 

Mọi sự giúp đỡ gửi về:

Hoàng Xuân Kiếm, học sinh lớp 4c, trường Tiểu Học Vạn Trạch, Huyện Bố Trạch, Quảng Bình

hoặc gửi  thông qua cô giáo Từ Thị Thanh Huyền tổng phụ trách đội trường Tiểu học Vạn Trạch - huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình. ĐT: 0919629104.

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi