Thứ ba, 18 Tháng 12 2012 11:01

Hai mươi năm mang trong mình bệnh hiểm nghèo, chị Thanh vẫn nghiến răng làm lụng nuôi con. Đến khi kiệt sức, trong căn nhà tàn chẳng còn vật gì đáng giá, mấy đứa con nuốt nước mắt tủi phận vì chẳng có nổi một ngàn mua thuốc cho mẹ. Nóng ruột quá, con trai Nguyễn Văn Thông (Nghệ An) gọi đến VietNamNet cầu cứu.


Nghe qua câu chuyện, chúng tôi cũng nóng ruột không kém, vội vã tìm về đội 13, xóm Phúc Trường, xã Đức Thành, Huyện Yên Thành, Nghệ An. Nguyễn Văn Thông đang xúc đất thuê ngoài ruộng, thấy chúng tôi liền chạy về dẫn vào căn nhà lụp xụp khuất sau đám lá chuối rách tả tơi vì gió mùa.

 

Thương mẹ bệnh nặng nhưng Thông chỉ biết lau nước mắt vì nhà không có tiền


Chị Trần Thị Thanh (54 tuổi) nằm xoài trên giường, thở yếu ớt và chẳng hề nhúc nhích khi chúng tôi cất tiếng chào lần thứ hai. Thông bê vội chiếc ghế gãy chân từ ngoài sân vào cho khách ngồi tạm, giọng buồn bã: "Mẹ có nghe nhưng muốn dậy chào cũng không ngồi nổi mô các anh à".


Ngày Thông 2 tuổi, bố em qua đời vì bệnh ung thư. Kể từ đó, khoản trợ cấp thương binh hàng tháng không còn, một mình mẹ gánh hết mọi việc từ lớn đến nhỏ. Nhà có 4 chị em, chị gái đầu sớm lấy chồng xa, chị thứ 2 lại bị tâm thần từ nhỏ, anh trai bỏ học sớm bôn ba khắp nơi làm thuê vẫn đói rách, chỉ có mình Thông là còn bám lấy con chữ.


"Học chưa hết 4 năm ở Học viện Hành chính em đã phải bảo lưu 3 lần. Biết mẹ chẳng có tiền, em cố gắng chạy khắp Sài Gòn tìm chỗ làm thêm để trang trải. Vì thiếu thốn và thương mẹ, nhiều lần em muốn bỏ học về quê nhưng mẹ cứ động viên ở lại cho bằng được" – Thông kể lại với đôi mắt bắt đầu ướt.


"Nhà chẳng có điện thoại, thỉnh thoảng mẹ lại viết thư vô cho em. Lần mô cũng nhắc: Con cố gắng giữ sức khỏe, học thật tốt. Mẹ ở nhà vẫn khỏe, mới nuôi ổ lợn lớn nhanh lắm con à. Thương mẹ ứa nước mắt, em mượn điện thoại gọi về cho bác Quang hàng xóm. Bác bảo sức khỏe mẹ ngày một yếu, thế mà vừa rồi mẹ vẫn mua chịu ổ lợn con về nuôi kiếm tiền gửi vào cho em..." – lần này thì Thông đã bắt đầu sụt sùi.


Tháng 9 vừa rồi, chị Thanh lên cơn đau thắt ngực nặng, ho ra máu. Thông vội vã xin nhà trường bảo lưu kết quả rồi mượn tiền bạn bè bắt xe chạy về thăm mẹ. Mấy chị em cuống quýt vay mượn tiền bạc đưa mẹ vào Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cấp cứu, sau đó chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả siêu âm từ bệnh viện, chị Thanh bị suy tim rất nặng, hở van 2 lá, chức năng hoạt động của tim chỉ còn khoảng 20%, ngoài ra còn bị viêm phổi, đau dạ dày.

 

2 chị em nghèo ôm nhau khóc


Điều trị tại Hà Nội được 1 tuần thì hết nhẵn tiền, chị em thất thểu đưa mẹ về nhà. Anh trai Thông làm phụ hồ công trình ở TP. Vinh 2 tháng chưa nhận được đồng nào, lại phải quay vào thành phố làm tiếp, hi vọng cuối năm có được chút ít. Thông vừa cày vỡ xong 2 sào ruộng đã mang xẻng đi xúc đất thuê, chỉ còn người chị tâm thần là Nguyễn Thị Liễu ở nhà trông mẹ. Thỉnh thoảng Liễu lại đạp đổ xô nước tiểu của mẹ giữa nền nhà, hoặc ngồi sau xó cửa ôm đầu khóc, Thông chạy về, lau dọn nhà cửa rồi 2 chị em ôm nhau khóc sụt sùi sau giường của mẹ.


"Mẹ bị bệnh tim 20 năm mà mới đi bệnh viện lần này thôi. Mấy lần trước, mẹ không chịu đi vì nhà không có tiền. Bây giờ các bác sỹ nói tim mẹ yếu không mổ được mà phải đặt máy trợ tim chi phí 200 triệu mới có hi vọng sống. Mấy chị em chỉ biết nhìn nhau khóc rồi đưa mẹ về thôi anh à" – Thông buồn bã.


Hiện tại, căn nhà tồi tàn cùng với mảnh vườn đang cầm cố tại ngân hàng để vay 50 triệu tiền mua thuốc cho mẹ, mấy chị em không biết xoay đâu để điều trị cho mẹ nữa. Nhiều bữa thấy mẹ lên cơn ho tức ngực, Thông chỉ biết lau nước mắt.

 

Bà ngoại Thông 83 tuổi, bị bại liệt, cụ sống 1 mình trong gian nhà tồi tàn


Em chẳng biết còn vô đi học được nữa không anh à, chỉ còn dăm tháng nữa là ra trường rồi nhưng thấy mẹ thế này, em không thể xa nhà được, chỉ mong có ai đó thương giúp mẹ, để mẹ được sống tiếp với mấy chị em. Em còn có bà ngoại gần 90 tuổi bại liệt nằm 1 chỗ cả chục năm nay, khổ cực lắm anh à " – Thông nức nở.


Thấy chúng tôi ra về, chị Thanh cố gắng bò dậy tựa vai vào tường, nói thều thào với Thông: "Nói chú ở lại ăn cơm với mẹ con một bữa...", xong rồi chị lại mệt mỏi nằm xuống. Chúng tôi kịp liếc qua bữa trưa của mấy mẹ con, chỉ vài con cá rô đồng Thông bắt được ngoài ruộng với mấy quả khế. Chúng tôi ra về, cổ họng nghẹn đắng!


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Gửi trực tiếp em Nguyễn Văn Thông, đội 13, xóm Phúc Trường, xã Đức Thành, Huyện Yên Thành, Nghệ An


Nguồn VietNamNet

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi