Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 11:02

Đã 40 năm nay, người con trai duy nhất của ông bà đã phải sống chung với bệnh tim bẩm sinh, người lúc nào cũng gầy gò, ốm yếu. Còn ông, cặp kính cận 2 lớp dày cộm cũng không giúp ông nhìn rõ hơn, bà bảo có lần ông tìm bò, bò chạy qua trước mặt mà ông không nhìn thấy..

 

Ngôi nhà trát vôi của gia đình ông Phạm Văn Phòng (SN 1947) và bà Nguyễn Thị Chân (SN 1955) ở thôn Tô Xá, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm cuối một con đường nhỏ đầy đá lởm chởm.

 

Ông bà có với nhau bốn người con, ba gái, một trai. Ba người con gái đã lấy chồng, ra ở riêng, chỉ còn anh Phạm Văn Phùng (SN 1977), con trai đầu và cũng là duy nhất của ông bà vì bệnh tim hiểm nghèo mà đến giờ vẫn sống cùng cha mẹ. 

 

hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, từ thiện
Gia đình ông Phòng trong căn nhà xập xệ

 

Trong căn nhà cũ kỹ ấy, cả ba đều bệnh tật bủa vây. Ông Phòng bị cận thị từ nhỏ, gia đình khốn khó nên không có điều kiện đi bệnh viện thăm khám. Cách đây 5 năm, khi cặp mắt đã mờ đục không còn nhìn thấy gì ông mới đi bệnh viện và cắt kính đeo.

Lúc mới đeo ông còn nhìn được, khoảng hai năm trở lại đây, cặp kính hai lớp dày cộm cũng không còn giúp được gì cho ông. Từ một lao động chính trong nhà, giờ đi đâu ông cũng phải mò mẫn vì không thấy đường.

 

Không chỉ ông, bà Chân cũng đau ốm triền miên: “Tôi bị bệnh thần kinh tim và thần kinh tọa đã mấy chục năm nay, năm nào cũng phải vào viện dăm bảy lần, mỗi lần như thế trên dưới chục ngày, trong người không lúc nào thiếu thuốc". 

 

Có những hôm trái gió trở trời, nằm thở không được nên bà Chân phải ngủ ngồi cả đêm, trước còn có ông đỡ đần công việc, giờ mắt ông không nhìn thấy đường nên không làm được gì nữa.

 

Ông bà chỉ có một người con trai, từ nhỏ anh Phùng đã còi cọc, khó thở nhưng vì gia đình không có điều kiện nên mỗi lần khám chỉ chẩn đoán loa qua, ai cũng nghĩ anh bị bệnh còi xương, chậm lớn.

 

Năm 2003, bệnh tình anh ngày một trầm trọng, những cơn đau cứ kéo đến triền miên, mặt anh tím tái vì không thở được, ông bà đã cố gắng vay mượn đưa anh đi bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra. Bác sĩ kết luận anh bị bênh tim bẩm sinh nhưng do phát hiện muộn nên tim đã chèn sang phổi, tình trạng rất nguy hiểm.

 

Anh được chỉ định nhập viện ngay lập tức, một năm ròng nằm điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, các em gái phải thay nhau vào chăm. Ở nhà, bà trồng thêm mớ rau, nuôi vài con gà, ba sào ruộng nhờ bà con làng xóm làm giúp. Ông thì nuôi một con bò, cứ hễ bò lớn thì đổi lấy bò nhỏ về nuôi, số tiền “gán” bò ông lại lấy gửi vào cho anh thuốc thang.

 

Suốt một năm ròng con nằm trong bệnh viện, bữa cơm của ông bà chỉ có rau. Có hôm nhà hết gạo, ông đi vay khắp xóm. Mang tiếng là vay nhưng thấy nhà ông bà quá khổ, bà con chòm xóm thương tình, không ai đòi nợ.

 

hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, từ thiện
Anh Phùng mắc bệnh tim bẩm sinh, hiện đang trong tình trạng nguy hiểm

 

Sau khi nằm viện một năm, anh Phùng được cho về nhà. Hiện tại bệnh tình trở nặng nhưng vì sức khỏe yếu nên anh không đi viện được nữa. Cứ mỗi tháng một lần, các em gái lại thay nhau cầm đơn thuốc vào Huế mua thuốc về cho anh, mỗi lần như thế hơn 2 triệu đồng. Giờ tiền nợ mua thuốc cho anh cũng gần 30 triệu mà ông bà không có cách nào trả được.

 

Chúng tôi đến nhà lúc bà đang bằm chuối cho lợn, ông đang mò mẫm nhổ cỏ sau vườn, người ông mặc một chiếc quần cũ ống rách toe, chiếc áo cộc tay đã cũ, người đầy mồ hôi. Trên giường, anh Phùng nằm thở mệt nhọc, bà bảo ông bà giờ già yếu, thấy con như thế ông bà buồn lắm.

 

Trưa nắng, trước nhà chỉ có hai tấm tôn dựng lên dựng xuống làm mái hiên. Bà cho hay, nhà làm lâu lắm rồi, trát bằng vôi, chắc cả làng này chỉ còn mỗi mình nhà bà còn trát như thế. Nắng thì nóng, cứ hễ mưa xuống là dột tứ tung. Nhưng sợ nhất là bão, chỉ cần có vài trận gió to là cả gia đình lại sang hàng xóm trú nhờ.

 

Ông Nguyễn Thái Sơn, trưởng thôn Tô Xá cho biết: “Đây là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất trong thôn, già yếu, bệnh tật bủa vây. Mỗi dịp lễ tết chúng tôi đều đến thăm hỏi, động viên, giờ chỉ mong các mạnh thường quân giúp đỡ cho gia đình ông Phòng sớm vượt qua khó khăn này”.

 

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Gửi trực tiếp: Ông Phạm Văn Phòng/bà Nguyễn Thị Chân, thôn Tô Xá, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. 

SĐT anh Phùng: 091 133 2414

 

Nguồn: vietnamnet.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi