Thứ sáu, 06 Tháng 1 2017 10:19

Cháu không có cha, mẹ bị tâm thần bỏ đi từ lúc mới sinh, biến chứng lao màng não đang khiến cháu chết mòn trên giường bệnh. Những tiếng khóc yếu ớt từ chút hơi tàn như mũi kim chích vào lòng người bà khốn khổ đang một nách nuôi hai đứa cháu mồ côi, bệnh tật.

 

Người mẹ tâm thần sinh ra hai đứa trẻ không cha

 

Chiếc giường bệnh trở nên quá mênh mông đối với cơ thể nhỏ thó chưa đầy 8kg của đứa trẻ. Cháu nằm đó với cánh tay phải bất động, vùng đầu và ngực, bụng trắng toát bông băng. 9 tháng trong bụng mẹ và 17 tháng kể từ khi cất tiếng khóc chào đời là những chuỗi ngày đầy nghiệt ngã với hài nhi vô tội. Cháu là Nguyễn Minh Khoa – đứa trẻ không cha giờ cũng không có mẹ. Nhiều tháng nằm trên giường bệnh cố gắng giành giật từng hơi thở với tử thần, điểm tựa của mảnh đời khốn khổ ấy chỉ có duy nhất một mình bà ngoại chăm sóc nhưng bà không có nổi một xu dính túi.

 

Mới 17 tháng tuổi nhưng bé Khoa đã nhiều lần sống dở, chết dở

Mới 17 tháng tuổi nhưng bé Khoa đã nhiều lần "sống dở, chết dở"

 

Những tiếng khóc khàn đặc từ chút hơi tàn còn sót lại của đứa trẻ và dòng nước mắt cứ thi nhau lăn dài trên gương mặt già nua, khắc khổ của người bà càng khiến cho phòng bệnh trở nên sầu thảm đến thê lương. Đưa vạt áo gạt đi những giọt buồn nặng trĩu, bà Trần Thị Tư (62 tuổi) nghẹn ngào: “Con gái tôi là Dương Thị Diệu (25 tuổi) có bệnh lý thần kinh. Nó tuy ngây dại nhưng có chút nhan sắc nên cũng mang theo mình nghiệp chướng. Lợi dụng sự cả tin và ngây ngô của con bé nên nhiều người đàn ông đã chiếm đoạt thân xác nó, hai đứa trẻ đã chào đời mà không có cha”.

 

Nhắc đến con, bà Tư không một lời trách mắng mà chỉ thương con và chua xót cho số phận bạc bẽo của mình: “Gia đình tôi vốn nghèo, chồng lại mất sớm, mình tôi một nách nuôi 3 đứa con. Khi hai đứa lớn đã yên bề gia thất, thì căn nhà lá xiêu vẹo, mục nát ở Hậu Giang cũng đổ sập, hơn 10 năm trước, tôi mang cái Diệu lên Bình Dương đi mót mủ cao su và làm mướn kiếm sống. Công việc bấp bênh, thu nhập ít ỏi nhưng mẹ con ngày rau, bữa cháo cùng nuôi được thân”.

 

 

Theo lời kể của bà, khi đến tuổi trưởng thành, Diệu quen biết rồi trao thân cho một nam thanh niên cũng đi làm mướn tại Bình Dương. Những tưởng, đứa con gái ngây ngô của mình may mắn tìm được chỗ dựa cho cuộc đời, nhưng không ngờ đến khi Diệu mang thai, nam thanh niên vội “bặt vô âm tín”. Năm 2009, đứa con trai đầu lòng của Diệu là Nguyễn Văn Hùng chào đời. Vừa sinh con xong, Diệu không muốn nuôi nên tính cho người khác. Thương con, xót cháu, bà Tư vội bế thằng bé trốn khỏi bệnh viện, mang về quê nuôi dưỡng.

 

Cuộc sống cơ cực lặng lẽ trôi đi, bà Tư hy vọng con gái mình sau cú vấp ngã sẽ khôn ra. Nhưng khi bé Hùng được hơn 5 tuổi, vở kịch trớ trêu của số phận liền lặp lại. “Cái Diệu bất ngờ về quê mang theo bụng bầu sắp đến tháng đẻ. Tôi gặng hỏi thì con bé cho biết, nó quen với một người đàn ông ở Bình Dương. Khi có bầu được hơn 3 tháng thì một người phụ nữ mang theo con đến phòng trọ chửi mắng. Lúc này, Diệu mới biết người đàn ông dùng lời đường mật để dụ dỗ nó đã có gia đình. Hỡi ơi... tôi còn biết làm sao được nữa. Nó sinh con xong rồi trốn đi biệt xứ, đến nay chẳng biết sống chết thế nào”.

 

Tiếng khóc đau đớn chỉ tạm ngưng khi cháu vụng về cầm bình sữa bằng tay trái, uống ngon lành

Tiếng khóc đau đớn chỉ tạm ngưng khi cháu vụng về cầm bình sữa bằng tay trái, uống ngon lành

 

Sự sống mong manh của đứa trẻ trong cảnh khốn cùng

 

Nhìn thân xác già nua, khắc khổ của bà Tư, chẳng ai nghĩ bà mới 62 tuổi. Không khổ sao được khi một mình bà phải gồng gánh để nuôi hai đứa cháu từ lúc mới lọt lòng mẹ. "Hai đứa con lớn cũng quá nghèo, đến gia đình chúng cũng phải chạy ăn từng bữa. Để nuôi cháu, ngày thường, nếu ai có việc cần, tôi thuê người chăm sóc cả hai đứa nhỏ để đi làm mướn từ 6 giờ sáng đến tối mịt mới về, tiền công được 120 nghìn đồng. Bà con lối xóm biết cảnh của tôi nên họ thương, nếu có việc là họ tìm. Tính ra, tháng nào việc đều cũng kiếm được hơn 2 triệu, bà cháu thuê nhà mất 500 nghìn đồng, tiền thuê người chăm cháu và cho chúng ăn tốn thêm cả triệu nữa. May mà lối xóm họ còn thương cho mình công việc chú ạ” – Bà Tư giọng phấn chấn.

 

Nuôi 2 đứa cháu nhỏ đã khó, nay bé Khoa bị bệnh nặng khiến bà Tư bế tắc đến cùng cực

Nuôi 2 đứa cháu nhỏ đã khó, nay bé Khoa bị bệnh nặng khiến bà Tư bế tắc đến cùng cực

 

Nhưng, gần 3 tháng nay bà cháu họ đang lâm vào cảnh khốn cùng khi bé Khoa đổ bệnh. “Thằng bé vốn đã ốm yếu, hay bệnh vặt. Thấy cháu ho, sốt, tôi mua thuộc về cho uống, nhưng uống mãi mà bệnh không hết nó ngày càng quắt quéo, bò đi không nổi. Nhiều người trong ấp thấy tội nên cho tôi mấy trăm nghìn kêu đưa cháu đến bệnh viện. Khi vào bệnh viện huyện họ bảo phải chuyển lên tỉnh, đến tỉnh thì họ chuyển thẳng lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. Bác sĩ bảo cháu tôi bị bệnh lao, điều trị cả tháng sau bệnh càng năng thêm nên phải chuyển sang Chợ Rẫy. Từ đó đến nay, nó nhiều lần sống dở, chết dở”.

 

Trao đổi với phóng viên, BS Hồ Văn Phước, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Cháu Nguyễn Minh Khoa bị lao màng não biến chứng gây giãn não thất, ứ nước, yếu liệt 1/2 nửa người bên phải. Hơn 1 tháng trước, khi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đến, chúng tôi đã phải phẫu thuật đặt ống dẫn lưu dịch não thất vào ổ bụng cho cháu, sau đó chuyển trở lại để tiếp tục điều trị lao. Tuy nhiên, ngày 28/12 cháu phải quay lại Chợ Rẫy với biểu hiện lơ mơ do tình trạng viêm gây tắc ống dẫn lưu nên chúng tôi buộc phải phẫu thuật lần 2 để thay ống dẫn lưu khác”.

 

Tay phải bị yếu liệt, bé Khoa còn lại cánh tay trái chỉ đủ sức để gạt nước mắt

Tay phải bị yếu liệt, bé Khoa còn lại cánh tay trái chỉ đủ sức để gạt nước mắt

 

Nhận định chuyên môn của BS Phước cho thấy, cơ thể của bé Khoa vốn rất yếu do suy dinh dưỡng nặng. Đây có thể là nguyên nhân khiến cháu bị vi trùng lao tấn công. Bệnh lao sẽ gia tăng nguy cơ viêm nhiễm nếu không được điều trị triệt để, cháu có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khác. Tuy nhiên, cháu không có giấy khai sinh nên không được hưởng bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, trong tình cảnh khốn khó của người bà không có nổi vài nghìn đồng để mua đồ ăn thì cơ hội trị bệnh của cháu càng trở nên mong manh.

 

Được biết, số tiền điều trị cho bé Khoa thời gian qua đã tiêu tốn hơn 30 triệu đồng. Khoản viện phí này, bà Tư mới trả được vài triệu từ sự thương tình giúp đỡ của lối xóm, phần còn lại bà đang xin bệnh viện cho thiếu nợ. Khi được hỏi đến giấy khai sinh của cháu, bà bộc bạch: “Ngày lên Bình Dương đi làm mướn, tôi mang theo cả sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân của hai mẹ con, không may bị kẻ gian lấy mất, giờ về địa phương xin cấp lại nhưng chưa được”. Không chỉ bé Khoa mà cậu anh trai cùng mẹ khác cha đã 7 tuổi vẫn chưa được đến trường phần vì người bà quá nghèo, phần vì không có giấy khai sinh.

 

Theo BS Phước nếu không được điều trị triệt để bệnh lao, bé Khoa sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm

Theo BS Phước nếu không được điều trị triệt để bệnh lao, bé Khoa sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm

 

Phóng viên đã liên hệ với ông Dương Hồ Vũ, Trưởng ấp Tân Phú, xã Tân Bình, Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang để hỏi về vấn đề trên thì được ông cho biết: “Bà Tư trước đây sống ở nơi khác, nay đến ấp mướn nhà ở theo diện tạm trú vì thế ấp không thể làm hộ khẩu cho bà. Thấy bà một mình phải nuôi hai đứa cháu nhỏ, cuộc sống quá khó khăn tôi đã đề xuất xin cấp sổ hộ nghèo nhưng bà không có hộ khẩu ở địa phương nên không được xét duyệt. Cháu Khoa bị bệnh khiến cả ba bà cháu lâm vào cảnh khốn cùng, tôi đang cố gắng đề xuất xã hỗ trợ. Tôi rất mong quý bệnh viện và các nhà hảo tâm thương tình cứu giúp để cháu bé tội nghiệp có cơ hội vượt qua bệnh tật”.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

'Bà Trần Thị Tư (bà ngoại của bé Nguyễn Minh Khoa) khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM (sắp tới bé sẽ chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục điều trị lao)

Lưu ý: CMND của bà Tư đã mất, chưa làm lại được nên kính mong mạnh thường quân không gửi tiền hoặc hiện vật qua đường bưu điện, ngân hàng

Điện thoại: 01864 518 526

 

Nguồn: dantri.com.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi