Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Hoa Hậu Trăng Khuyết 2025 – Tôn vinh vẻ đẹp nghị lực
Cuộc thi sắc đẹp dành cho phụ nữ khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam – Hoa Hậu Trăng Khuyết 2025 đang thu hút sự quan tâm...
Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề thuộc Hội người mù tỉnh Vĩnh phúc được thành lập năm 2004, với chức năng phục hồi chức năng, dạy chữ Braille, dạy nghề cho trẻ khiếm thị. Bên cạnh việc làm tốt công tác dạy nghề, Trung tâm còn rất chú trọng hỗ trợ giáo dục và dạy tiền hòa nhập cho trẻ khiếm thị trong tỉnh.
Khơi dậy ước mơ cho trẻ khiếm thị
Hiện nay, Trung tâm Giáo dục và dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh Vĩnh Phúc có 30 trẻ khiếm thị đang sống nội trú, các em đến từ khắp địa phương trong toàn tỉnh và có chung một mong muốn được học tập, hòa nhập cộng đồng và trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội.
Hầu hết trẻ đến học tại Trung tâm có độ tuổi từ 6 - 18 tuổi, phần lớn trước khi vào Trung tâm, các em còn rất bỡ ngỡ. Một số em do chưa được tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, lại bị khuyết tật đôi mắt nên không hình dung chính xác được mọi đồ vật, khái niệm như quy luật trái, phải, việc định hình đồ vật, do đó các giáo viên của Trung tâm phải hướng dẫn từng chi tiết nhỏ.
Trẻ khiếm thị học tại Trung tâm được học lớp tiền hòa nhập trước khi học văn hóa, chữ Braille
Khi học tập, sinh hoạt tại Trung tâm, trẻ khiếm thị sẽ được hỗ trợ giáo dục, được tham gia các khóa học tiền hòa nhập, phục hồi chức năng để từng bước khắc phục khiếm khuyết của đôi mắt, giúp trẻ có thể tự ăn uống, vệ sinh, được hướng dẫn để tự biết cách di chuyển, giúp các em vơi bớt mặc cảm, tự ti. Sau khi hoàn thành chương trình của lớp học tiền hòa nhập, các em sẽ được Ban Giám đốc Trung tâm gửi đến học văn hóa cùng các học sinh sáng mắt tại trường Tiểu học và THCS Khai Quang và tiếp tục được tạo điều kiện học cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội). Song song với việc tổ chức lớp học tiền hòa nhập, trẻ khiếm thị còn được dạy học chữ nổi Braille, thanh nhạc, kỹ năng sống… để các em có một hành trang vững chắc bước vào đời.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Người khiếm thị, đặc biệt là trẻ khiếm thị rất dễ mặc cảm, tự ti, nếu không có sự quan tâm và định hướng từ xã hội sẽ dễ trở nên chán nản, buông xuôi, sống phụ thuộc, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Mỗi trẻ khi đến học tại Trung tâm có một hoàn cảnh khác nhau, vì thế đòi hỏi các giáo viên phải có những phương pháp khác nhau để giúp trẻ khiếm thị vượt qua mặc cảm, tự ti, từng bước khơi dậy ước mơ, giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng. Không chỉ dạy học, các cán bộ, giáo viên ở Trung tâm còn kiêm cả vai trò như những người cha, người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón các em đi học... Dù công việc vất vả nhưng được giúp các em vượt lên số phận, từng bước khắc phục hoàn cảnh để hòa nhập cộng đồng, tiến bộ từng ngày trong học tập và cuộc sống, điều đó đã trở thành nguồn động viên, khích lệ lớn nhất để chúng tôi tiếp tục cố gắng làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình”.
Định hướng tương lai
Bên cạnh việc làm tốt công tác dạy chữ, văn hóa, Trung tâm còn mang đến cho trẻ khiếm thị cơ hội được học các ngành nghề đơn giản, phù hợp với dạng tật như massage, tin học văn phòng, thanh nhạc, làm tăm…, giúp các em có thể tự nuôi sống bản thân, thắp lên trong các em hy vọng về tương lai tươi sáng, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Với trẻ khiếm thị, để hướng dẫn các em học và thực hành bộ môn tin học là điều rất vất vả. Bài học đầu tiên của các em là làm quen bàn phím, nhớ vị trí, chức năng của từng phím và khi thành thạo, các em sẽ được dạy các kỹ năng cơ bản như soạn thảo và căn chỉnh văn bản trên Microsoft Word, quản lý dữ liệu, sử dụng hòm thư, đọc báo, tìm kiếm tài liệu… Tại trung tâm, tất cả các máy tính đều được cài thêm một Chương trình đọc màn hình JAWS (Job Access With Speech), đây là phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị, giúp các em có thể dễ dàng thực hành trên máy vi tính.
Lớp đào tạo nghề tin học của Trung tâm được các em rất yêu thích
Riêng với các ngành nghề massage, làm tăm, Trung tâm đều mời những giáo viên có tay nghề, thậm chí chính những giáo viên dạy nghề cũng là người khiếm thị, việc làm này giúp cho học viên và giáo viên dễ đồng cảm, giáo viên cũng sẽ có kinh nghiệm chia sẻ, hướng dẫn học viên tiếp thu cách làm nhanh, hiệu quả nhất khi đôi mắt không còn thị lực.
Theo thầy giáo Nguyễn Đăng Đạt, người đã có hơn 9 năm gắn bó với công tác giảng dạy bộ môn Tin học tại Trung tâm chia sẻ: “Nếu như người thường có thể nhìn thấy được màn hình, bàn phím để thao tác thì các em khiếm thị phải bắt đầu từ việc học thuộc lòng các phím, đồng thời, sử dụng công cụ đọc màn hình, hoạt động theo nguyên lý quét và giải mã các ký tự sang âm thanh. Chính vì vậy, khi dạy cho các em cần phải thật sự kiên nhẫn và cũng phải hết sức nhẹ nhàng, bởi nhiều em mang mặc cảm, tự ti, nếu nặng lời sẽ khiến các em nản chí và không muốn học”.
Học viên Đỗ Thanh Tùng (huyện Vĩnh Tường) học tại Trung tâm từ năm lên 6 tuổi. Những ngày đầu đến sống tại Trung tâm, bố mẹ và gia đình Tùng lo lắng lắm, nhưng sau một thời gian được học tập và giao lưu với các bạn đồng cảnh, em tiến bộ rất nhiều, đã tự tin, vui vẻ nói chuyện, biết cách đi lại khi không có người dẫn đường, có thể tự ăn, lo lắng sinh hoạt cá nhân, biết viết chữ Braille và sử dụng máy vi tính. Mới đây, Tùng còn được các thầy, các cô tạo điều kiện cho tham gia lớp học thanh nhạc. Gần 8 năm học tại Trung tâm đã giúp Tùng có những đổi thay, có thêm niềm tin yêu cuộc sống và có định hướng cho tương lai của mình. Tùng xúc động tâm sự: “Được vào Trung tâm học tập là một bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời em, giúp em tự tin và trưởng thành, điều mà nếu sống ở gia đình em sẽ rất khó khăn để có được. Em cảm ơn các thầy, cô của Trung tâm nhiều lắm, những người đang từng ngày san sẻ yêu thương và chắp cánh cho tương lai của trẻ khiếm thị chúng em”.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng nhiều kế hoạch để triển khai dạy thêm ngành nghề mới và dự kiến nâng cấp, sửa chữa xưởng học nghề để có thể tiếp nhận, đào tạo nhiều hơn số học viên như hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp. Ban Giám đốc Trung tâm rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, các mạnh thường quân để công tác chăm sóc, dạy nghề cho trẻ khiếm thị đạt hiệu quả cao, giúp các em vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- “23 tuổi mà sức em giờ chỉ làm được mỗi việc… giặt quần áo” - 21/07/2015 23:58
- Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì: Hiểu bệnh nhân để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ - 21/07/2015 04:01
- Vợ chồng mắc bệnh tâm thần làm sao nuôi con, trả nợ - 15/07/2015 23:30
- Thời tiết Hà Nội 12/7: Trời râm mát, có mưa rào vài nơi - 12/07/2015 01:06
- Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tiền Giang: Chú trọng thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội - 29/06/2015 02:34