Sau một tai nạn năm 11 tuổi, anh Đỗ Văn Hải phải cắt bỏ tay phải, tay trái bị đứt hết gân, chân tháo mất 4 ngón và còn bị uốn ván do nhiễm trùng. Anh có thể trở về được với cuộc sống đã là một kỳ tích. Và hơn thế nữa, anh đã nỗ lực vượt lên những khiếm khuyết của cơ thể, không ngừng phát triển kinh tế, là tấm gương sáng về nghị lực của người khuyết tật tỉnh Bắc Giang.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 6 anh chị em, anh Nguyễn Văn Hải là con út. Năm 1987, khi ấy anh 11 tuổi, tai nạn do điện giật đã đốt cháy hai bàn tay của Hải. Tay phải quá nặng phải cắt bỏ, tay trái đứt hết gân, chân tháo 4 ngón và còn bị nhiễm trùng uốn ván. Những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã giữ lại mạng sống cho anh. Nhưng những khó khăn, tuyệt vọng lúc này mới thực sự bắt đầu. Anh không thể tự mình làm được những việc dù đơn giản như ăn cơm, thay quần áo. Mỗi bữa cơm, mẹ lại ngồi bên giường, đút cho Hải từng miếng mà không cầm được nước mắt. Hai mẹ con lại ôm nhau òa khóc….
Cảm nhận được tình thương của mẹ, quyết tâm không để mẹ phải phiền lòng về mình, sự tuyệt vọng trong lòng Hải tiêu tan. Thay vào đó là sự trỗi dậy của ý chí nghị lực. “Tôi cần phải ngồi dậy, tôi cần phải đứng lên, tôi cần phải bước đi”, những “khẩu hiệu” đó cứ liên tục vang lên trong đầu Hải. Và sau bao nỗ lực gian khổ, anh đã làm được. Rồi anh tiếp tục học cách tự chăm sóc bản thân, tự xúc ăn, tắm rửa mặc quần áo. Mục tiêu tiếp đến là phải lao động.
Mỗi lần đặt ra kế hoạch cho mình, anh Hải lại tập trung cả tinh thần và trí lực của mình để thực hiện. Có những khó khăn không dễ gì có thể vượt qua. Nhất là khi bố anh đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông khi anh mới 15 tuổi, các anh chị thì đã xây dựng gia đình, chỉ còn hai mẹ con tự lo cho nhau. Nhưng cũng chính những khó khăn đó đã cho anh thêm quyết tâm vươn lên, không chỉ tự lập trong cuộc sống mà còn là chỗ dựa cho mẹ khi già yếu.
Anh Hải chia sẻ: “Tôi bắt mình phải cố gắng vượt qua khuyết tật để kiếm sống từ trên chính mảnh ruộng của gia đình. Người xưa vẫn thường nói: “Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”, dẫu vậy tôi vẫn học cầm cuốc, cầm xẻng, mạnh dạn cải tạo vườn tược để trồng rau, trồng cây ăn quả”. Khi tiếp xúc với những người bán cây giống, thấy họ đầu tư công sức ít mà lợi nhuận khá cao (1m2 cây giống đổi được 40 -50 kg thóc), tính ra mỗi sào rau giống thu được cả chục triệu đồng. Anh Hải nhờ họ dạy cho cách lên luống, gieo hạt, chăm sóc cây và cách nhổ cây rau… sau đó về vận dụng cách làm ngay trên vườn ruộng của gia đình. Vừa làm vừa tìm hiểu, thất bại có, thành công có. Sau mùa vụ đầu tiên thành công, anh tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng, in tờ rơi dán ở những nơi có đông người qua lại để giới thiệu dịch vụ của mình. Sau vài năm, diện tích trồng rau của gia đình anh ngày càng mở rộng, kinh tế gia đình đã khấm khá dần lên.
Năm 22 tuổi, anh Hải lấy vợ, có thêm động lực, anh mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ trồng rau giống, anh còn trồng hoa và cung cấp hoa cho các đại lý. Đến nay có những vụ, diện tích trồng hoa của gia đình anh lên đến 3 ha, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Diện tích đất vườn trồng hoa của gia đình ngày càng mở rộng, hai vợ chồng không đủ sức làm, anh Hải phải thuê thêm nhân công. Đến nay, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 - 4 lao động, thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.
Với sự nỗ lực của bản thân cùng với sự động viên, hỗ trợ của vợ và gia đình, đến nay, anh Hải đã xây dựng được cơ ngơi khang trang. Ngoài ra, anh còn sắm một chiếc máy cày của Nhật trị giá 170 triệu đồng phục vụ bà con trong thôn, cày bừa thuê cho người dân quanh vùng đó có thêm thu nhập và phục vụ cho gia đình. Đặc biệt, chiếc máy cày này đều do “Hải cụt” tự lái. Mỗi vụ anh phục vụ bà con khoảng 40 mẫu đất, tự gieo con rau, đi xe máy, điều khiển ô tô, xe ba bánh bình thường. Càng hạnh phúc hơn khi vợ chồng anh sinh được 2 cháu đều chăm ngoan học giỏi, cháu lớn học lớp 11, cháu thứ hai đang học lớp 4.
Nói về cuộc đời mình, anh Hải bộc bạch “Trong cuộc sống, không ai muốn mình bị rơi vào tình trạng khuyết tật. Nhưng sự rủi ro, chớ trêu của cuộc sống chẳng chừa ai. Quan trọng là bạn biết chấp nhận hoàn cảnh và vượt lên hoàn cảnh. Vượt lên không phải chỉ là sự tự học, có tri thức, thoát nghèo mà còn là sự vươn lên làm giàu, thành công và khẳng định mình là người có giá trị, có khả năng và có tài năng. Tài năng đó, hạnh phúc hơn hết khi được mang đóng góp cho gia đình, cho xã hội và cho mình một cuộc sống có ý nghĩa, đầy tiếng cười và niềm tin yêu. Tôi đã làm được và mong các bạn cũng làm được hơn thế”.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Gần 670 triệu đồng hỗ trợ đối tượng trong tháng 4/2016 - 19/05/2016 04:16
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh: Trao tặng xe đạp cho trẻ mồ côi - 19/05/2016 04:11
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Tặng 61 suất quà cho người khuyết tật - 19/05/2016 04:09
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các hộ nghèo tại tỉnh PreyVeng, Vương quốc Campuchia - 19/05/2016 04:08
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Tặng 325 suất quà cho trẻ khuyết tật, mồ côi - 19/05/2016 04:06
Các tin khác
- Hãy tạo niềm tin về khả năng của người khuyết tật - 11/05/2016 04:25
- Trung ương Hội trao tặng xe đạp, học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi Quảng Bình, Quảng Trị. - 11/05/2016 04:11
- Trung ương Hội đã trao tặng xe đạp cho học sinh mồ côi thành phố Hà Nội và học bổng cho học sinh khuyết tật Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. - 11/05/2016 04:06
- Thành Hội Hà Nội đã tổ chức trao tặng quà và xe đạp cho các đối tượng tại huyện Phú Xuyên và Thanh Trì. - 11/05/2016 04:01
- Tỉnh Hội Kon Tum đã tổ chức chương trình giao lưu người khuyết tật với chủ đề “Vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng”. - 11/05/2016 03:55