Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, Người từng nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Đối với những người khuyết tật, thi đua không chỉ là để thể hiện tinh thần yêu nước mà còn là hình thức để họ khẳng định bản thân mình, khẳng định ý chí, quyết tâm vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn, làm chủ cuộc sống, sống bình đẳng, hòa nhập và đóng góp cho quê hương, đất nước mình. Vì vậy, động viên, khuyến khích tinh thần thi đua, thể hiện mình của người khuyết tật là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Nhà nước mà của tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật, trong đó có Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.
Thi đua để khẳng định ý chí vượt lên số phận
Người khuyết tật có ở mọi nơi và ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày. Họ đem lại sự đa dạng và các khả năng khác nhau trong cộng đồng, họ có quyền con người cũng như những người khác và cần được hòa nhập bình đẳng trong mọi lĩnh vực xã hội. Tuy nhiên, người khuyết tật cũng thường được biết đến là những người yếu thế trong xã hội. Họ gặp nhiều khó khăn, trở ngại về thể chất, điều kiện kinh tế và cả cơ hội được thể hiện mình. Bởi vậy, trong mỗi người khuyết tật đều tiềm ẩn khát khao vươn lên, khát khao được thể hiện mình, khát khao được xã hội thừa nhận khả năng của mình.
Hàng trăm người khuyết tật được biểu dương, khen thưởng trong mỗi kỳ Hội nghị biểu dương
Để không bị coi là “gánh nặng xã hội”, người khuyết tật bằng tất cả ý chí và quyết tâm của mình đã nỗ lực để trước tiên là có thể tự lập trong sinh hoạt, tiếp đó là học tập, làm việc, hòa nhập cộng đồng. Có thể với những người khỏe mạnh bình thường, đó là điều thật giản đơn, không có gì đáng kể, nhưng với người khuyết tật đó chính là thi đua. Thi đua trong chính công việc hàng ngày của mình, thi đua với chính bản thân mình và những người đồng cảnh khác, người bình thường khác. Theo dõi hoạt động của người khuyết tật, có thể thấy từ các phong trào thi đua đó, có rất nhiều tấm gương người khuyết tật tích cực và sáng tạo trong học tập, lao động, văn hóa, thể thao.. mang lại hiệu quả cao, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần như Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, đôi vợ chồng vận động viên khuyết tật Phạm Hồng Thức và Hoàng Hồng Kiên, chị Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính...
Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội thăm hỏi đại biểu dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV năm 2013
Biểu dương, khen thưởng người khuyết tật thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với những đối tượng yếu thế, khẳng định sự đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo an sinh xã hôi. Các hình thức khen thưởng, biểu dương, khích lệ người khuyết tật cũng thể hiện tính nhân quyền, sự bình đẳng trong xã hội, là nơi tôn vinh, ghi nhận khả năng, sự đóng góp cho xây dựng, phát triển đất nước của những người thiệt thòi nhất, đồng thời cũng lắng nghe tiếng nói của họ để từ đó Nhà nước có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp, đảm bảo các quy định của pháp luật đi vào thực tiễn đời sống.
Mỗi một hình thức khen thưởng là một minh chứng cho thấy người khuyết tật có thể làm được nhiều việc như người lành lặn, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề của người khuyết tật, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tình nguyện tham gia trợ giúp người yếu thế.
Hội nghị của những điển hình tiên tiến
Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của người khuyết tật, Đảng, Nhà nước và các tổ chức đã có nhiều hình thức khen thưởng, biểu dương thông qua việc phát động các phong trào thi đua, các chương trình, hội nghị quy mô cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Tại các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, không khó để bắt gặp hình ảnh những người khuyết tật chống nạng, đi xe lăn hay có người trợ giúp. Trong các hoạt động văn hóa, thể thao, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin về những tấm gương người khuyết tật đạt những thành tích cao trong thể thao khu vực và thế giới như: Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công môn Cử tạ, Trịnh Thị Bích Như môn Bơi lội… hay người khuyết tật được vinh danh trong các cuộc thi sắc đẹp người khuyết tật cấp quốc tế như Hoa hậu khiếm thính Nguyễn Thị Đoan... Đặc biệt, không thể không kể đến đóng góp của các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam với nhiều hoạt động tích cực khích lệ tinh thần và ý chí phấn đấu của người khuyết tật.
Người khuyết tật tự tin thể hiện mình trên sân khấu của chương trình “Những trái tim khát vọng” do Hội tổ chức
Từ năm 2004 đến nay, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Hội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim - Một thế giới”. Chương trình là dịp để người khuyết tật có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ, học tập những tấm gương điển hình trong học tập, lao động sản xuất hay chỉ đơn giản là đã vượt lên hoàn cảnh, tự tin, tự lập trong cuộc sống. Chương trình đến nay đã bước sang năm thứ 13 và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người khuyết tật mỗi dịp tháng Tư hàng năm.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên có ý tưởng từ năm 2004 và đến nay là đơn vị duy nhất chủ trì tổ chức định kỳ 3 năm một lần Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc. Hội đã phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thành công 4 lần Hội nghị vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (2004, 2007, 2010, 2013) và đang chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ V, năm 2016. Mỗi kỳ Hội nghị, số lượng các đại biểu tham dự đều có sự gia tăng đáng kể, trong đó, người khuyết tật chiếm tới hơn 50%. Hội nghị đã kịp thời cổ vũ, tôn vinh những tấm gương vượt lên số phận khắc phục khó khăn, thành đạt trên các lĩnh vực đời sống xã hội, hòa nhập cộng đồng, góp phần động viên biểu dương những tấm lòng nhân ái của các tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi. Đây cũng là dịp nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đồng thời kết nối các tấm lòng nhân ái, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, ngợi ca những con người không nghĩ cho riêng mình mà luôn sống vì người khác, vì mọi người.
Mỗi kỳ tổ chức Hội nghị, hàng trăm cá nhân tiêu biểu là người khuyết tật đã được biểu dương, đón nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Được dự Hội nghị là niềm vui, niềm tự hào của nhiều người khuyết tật. Chính vì vậy, sau mỗi lần tham dự, họ càng có thêm quyết tâm, động lực để phấn đấu hơn nữa trong lĩnh vực của mình. Có người đã hai lần liên tiếp được tham dự hội nghị và luôn lấy đó là niềm tự hào để khoe với cộng đồng, con cháu.
Cùng với Trung ương Hội, tổ chức thành viên của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tại nhiều địa phương cũng đã tổ chức Hội nghị Biểu dương, Hội nghị Điển hình tiên tiến người khuyết tật, trẻ mồ côi tại địa phương mình theo định kỳ để kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần cho các đối tượng người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Bình Phước, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Dương,...
Biểu dương trong từng lĩnh vực cụ thể
Năm 2012, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi tổ chức thành công chương trình Hạnh phúc vợ chồng khuyết tật. Chương trình được tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhằm tôn vinh, biểu dương những gia đình vợ chồng khuyết tật đã có nhiều nỗ lực vươn lên, sống thuận hòa, đầm ấm, hạnh phúc, nuôi con cái thành đạt. Có được hạnh phúc ấy, ngoài vai trò chính của người vợ, người chồng, cũng có sự động viên, trợ giúp của xã hội. Tuy với số lượng các đại biểu chưa thật sự đông (20 cặp vợ chồng), tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Bắc nhưng chương trình đã tạo được tiếng vang, đặc biệt để lại cho các gia đình người khuyết tật niềm hân hoan, phấn khởi khi được Phó Chủ tịch nước tiếp đón ngay tại Phủ Chủ tịch, được giao lưu và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình quốc gia.
Tiếp nối ý tưởng của Trung ương Hội, nhiều tỉnh, thành Hội đã có những chương trình tương tự như chương trình “Tọa đàm về tình yêu hôn nhân của người khuyết tật”, “Tôn vinh tình yêu, hạnh phúc gia đình người khuyết tật” của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội. Chương trình đã thu hút 80 cặp vợ chồng khuyết tật đến từ 27 quận, huyện trong thành phố.
Hội thi Tay nghề giỏi người khuyết tật tỉnh Thái Bình
Năm 2014, Trung ương Hội tổ chức Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất. Chương trình được tổ chức tại 3 miền Bắc - Trung - Nam và chung kết tại Hà Nội. Tham dự Hội thi, 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hình thành đoàn diễn viên người khuyết tật, được địa phương đầu tư kinh phí luyện tập, biểu diễn. Hàng trăm ca sĩ, diễn viên người khuyết tật đến từ khắp mọi miền tổ quốc đã có dịp tụ hội, cùng nhau thi tài, thể hiện khát vọng từ chính trái tim của mình qua mỗi lời ca tiếng hát. Trong phần thi của các thí sinh không chỉ có các nội dung ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca Đảng, Bác Hồ kính yêu mà nhiều người khuyết tật còn tự sáng tác các bài hát thể hiện nghị lực phấn đấu vươn lên của người khuyết tật, khẳng định quyết tâm tự lập, tự chủ và hòa nhập xã hội của mình. Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc thi văn nghệ dành riêng cho người khuyết tật được tổ chức với quy mô toàn quốc và đã mang lại tiếng vang lớn, tạo nên một phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi trong cộng đồng người khuyết tật đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về người khuyết tật.
Năm 2015, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh lần thứ III, giai đoạn 2010 - 2015. Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, ghi nhận và biểu dương sự đóng góp tích cực của họ trong sản xuất kinh doanh từ đó tiếp tục nhân phong trào ra diện rộng nhằm góp phần tích cực và sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hội nghị thu hút 70 đại biểu là Giám đốc các Công ty, doanh nghiệp, chủ cửa hàng, chủ gia đình làm kinh tế giỏi. Cũng tại Thái Bình, nơi phát triển nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nhẹ phù hợp với người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã nhiều lần tổ chức Hội thi Tay nghề giỏi người khuyết tật trong tỉnh. Hội thi đã tạo nên phong trào thi đua trong cộng đồng người khuyết tật Thái Bình, thúc đẩy họ không ngừng nâng cao tay nghề, năng suất lao động.
Có thể nói, hoạt động của các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã góp phần tích cực, kịp thời biểu dương, khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên của người khuyết tật trong cuộc sống, học tập, lao động cũng như trong văn hóa, văn nghệ. Qua mỗi lần tham gia chương trình của Hội, người khuyết tật thêm tự tin, phấn khởi, hăng say, nhiệt tình hơn trong lĩnh vực của mình. Nhờ đó, đời sống tinh thần, vật chất của người khuyết tật được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Điện Biên: Tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2015 – 2020 - 09/05/2016 03:34
- Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ trong chương trình "Một trái tim - Một thế giới" lần thứ 13 - 09/05/2016 03:28
- Trung ương Hội: Trao xe đạp cho trẻ mồ côi Phường Đồng Tâm, Hà Nội - 19/04/2016 07:36
- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIII - 14/04/2016 04:18
- Biểu dương 388 người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V - 13/04/2016 03:01
Các tin khác
- Tỉnh Hội Khánh Hòa: Triển khai nhiệm vụ năm 2016 - 01/04/2016 07:16
- Tỉnh Hội Nghệ An: Phát động Tháng Hành động bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật - 01/04/2016 07:14
- Tỉnh Hội Bình Thuận: Gần 7,8 tỷ đồng ủng hộ quỹ Hội - 01/04/2016 07:12
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Hơn 400 triệu đồng hỗ trợ đối tượng - 01/04/2016 07:09
- Tỉnh Hội Vĩnh Long: Trao 222 xe lăn cho người khuyết tật - 01/04/2016 07:07