Thứ tư, 03 Tháng 2 2016 07:48

Nhân dịp Xuân mới Bính Thân 2016, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Người Bảo trợ. Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong năm 2015 và những công việc cần làm trong năm 2016, Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đổi mới, sáng tạo trong phương thức hoạt động của Hội cũng như vấn đề chuyển hướng tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng để đạt hiệu quả trợ giúp cao nhất.

 

Phóng viên: Thưa Chủ tịch, ông đánh giá như thế nào về các hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong năm vừa qua?

 

Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu: Có thể nói, năm 2015 tiếp tục là năm thành công của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam khi mà các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Các cấp Hội đã quán triệt chủ trương, chính sách, các chương trình, Đề án của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi (NKT, TMC), chiến lược phát triển Hội, Nghị quyết Đại Hội IV của Hội và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao để tổ chức thực hiện các hoạt động, các chương trình vận động tài trợ, trợ giúp cho đối tượng ngày càng đa dạng, hiệu quả, thiết thực góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa, an sinh xã hội.

 

Qua hoạt động của Hội đã góp phần cùng Nhà nước và xã hội thực hiện Luật NKT ; Đề án Trợ giúp NKT, Đề án Phát triển nghề CTXH, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với lao động NKT, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em…

 

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề NKT, TMC đã được Hội quan tâm hơn với nội dung phong phú, đa dạng, cách làm sáng tạo, từ đó mang lại hiệu quả vận động Quỹ cũng như thuận lợi cho việc triển khai các chương trình bảo trợ của Hội. Vai trò của các cấp hội ngày càng được khẳng định và nâng cao, được chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng xã hội đánh giá tốt. Với nhiều chương trình, phương pháp hoạt động phù hợp, cán bộ Hội tích cực, nhiệt tình, tâm huyết… Đã tạo được niềm tin với nhà tài trợ, với xã hội và cộng đồng NKT, TMC và người yếu thế khác.

 

Công tác phát triển tổ chức tiếp tục được Hội quan tâm, thúc đẩy. Trong năm, hai tỉnh Hội mới là Lạng Sơn và Tuyên Quang xin gia nhập và được kết nạp đã đưa tổng số thành viên của Hội lên con số 45/63 tỉnh, thành cùng với hơn 4.000 tổ chức Hội cấp huyện, cơ sở và hơn 500 nghìn hội viên cá nhân là kết quả đáng mừng. Hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức chính sách pháp luật, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội cho NKT và những người làm công tác liên quan đến NKT, TMC được triển khai thường xuyên đã góp phần tích cực vào thành tích chung của Hội trong vận động tài trợ, tổ chức thực hiện các chương trình và bảo đảm quyền của đối tượng.

 

Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống Hội mà trong năm qua, Hội đã trợ giúp 2,6 triệu lượt NKT, TMC và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác với tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền chi cho hoạt động mà Hội trực tiếp chủ trì, điều phối là 426 tỷ đồng. So với năm 2014, hai chỉ tiêu này đạt được là 2 triệu lượt đối tượng và 306 tỷ đồng đã cho thấy sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ Hội cũng như sự chung sức, ủng hộ tích cực của các nhà tài trợ dành cho Hội trong năm 2015.

 

Phóng viên : Thưa Chủ tịch, để có được con số ấn tượng trong công tác bảo trợ đối tượng như vậy, Hội đã có những biện pháp nào để thu hút được nguồn tài trợ và các nhà tài trợ đến với mình? Công tác vận động Quỹ có được Hội coi là nhiệm vụ then chốt và đặt lên hàng đầu?

 

Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu: Đối với một tổ chức xã hội từ thiện như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, có nguồn lực thì Hội mới thực hiện được sứ mệnh, nên Hội luôn chú trọng, đẩy mạnh vận động Quỹ. Trong một năm nhiều khó khăn và thử thách, kết quả vận động Quỹ nói trên đã thể hiện sự tích cực, chủ động, quyết tâm, kiên trì, sáng tạo của tổ chức Hội.

 

Trong bối cảnh có rất nhiều tổ chức xã hội cùng hoạt động vì mục tiêu hỗ trợ người yếu thế, trùng lặp về đối tượng, địa bàn; các cấp Hội đã phải hết sức năng động, luôn có sự đổi mới, phát huy sáng kiến trong phương pháp và nội dung vận động để thu hút tài trợ. Với nhà tài trợ mới, Hội chủ động xây dựng các chương trình, Dự án với số liệu cụ thể, minh chứng rõ ràng, có tính thuyết phục cao. Với nhà tài trợ lâu năm, Hội thuyết phục họ tiếp tục hợp tác bằng chất lượng hoạt động của các Dự án tài trợ cho đối tượng; tính minh bạch và hiệu quả mà Hội đã mang lại cho NKT, TMC và các đối tượng yếu thế khác; bằng cung cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn.

 

Trong quá trình hoạt động, Hội cũng đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế để đề ra các phương thức vận động, hợp tác cho phù hợp. Trong năm 2015, điều đặc biệt đáng ghi nhận là việc nhiều Hội thành viên cũng như Trung ương Hội đã mở rộng sự vận động, phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động từ thiện như mổ mắt, tặng quà, tặng học bổng, xe đạp, xe lăn... Hoạt động phối hợp này đã nâng cao thêm chất lượng hoạt động của Hội cũng như của các tổ chức tôn giáo, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, phát triển đất nước.

 

Các hoạt động mà Hội đặt ra đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên tình hình thực tế và kinh nghiệm 24 năm hoạt động của Hội. Tuyên truyền, bảo trợ, vận động Quỹ, phát triển tổ chức, tham gia xây dựng chính sách, mở rộng quan hệ đối ngoại đều là những công tác được Hội coi trọng và đẩy mạnh thực hiện. Công tác vận động Quỹ năm 2015 và những năm trước đó có được kết quả đáng mừng như vậy là nhờ cả một quá trình Hội phát triển, xây dựng tổ chức, hoạt động không chỉ trên địa bàn có tổ chức Hội mà còn mở rộng phạm vi các tỉnh, thành trong cả nước; nhờ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng; nhờ hiệu quả của các chương trình bảo trợ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước; nhờ quá trình nắm bắt, tham mưu, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, xây dựng và phản biện chính sách về NKT, TMC một cách kịp thời; nhờ vào việc Hội đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm hỗ trợ đối tượng… Như vậy, có thể thấy, mỗi mặt hoạt động đều phát huy vai trò của mình, có tác động tương hỗ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung mà Hội đề ra.

 

Phóng viên : Công tác trợ giúp NKT, TMC nói riêng và người yếu thế nói chung đã và đang được chuyến hướng sang xu thế tiếp cận dựa trên quyền. Hội Bảo trợ NTT&TMC đã có bước chuyển hướng trong hoạt động bảo trợ như thế nào để đảm bảo quyền cho đối tượng, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu: Hiện nay, phương thức trợ giúp dựa trên quyền đã được phát triển và trở thành xu thế trong công tác trợ giúp người yếu thế nói chung và NKT, TMC nói riêng, đặc biệt là khi Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của NKT và Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Với vai trò là tổ chức bảo trợ cho hai nhóm đối tượng NKT, TMC, Hội cũng đã rất trăn trở để tìm ra phương thức tiếp cận vừa đảm bảo quyền cho đối tượng, nhưng vẫn phát huy được tinh thần thiện nguyện, truyền thống nhân ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.

IMG 6204

Chủ tịch TW Hội Nguyễn Đình Liêu thăm hỏi đối tượng được mổ mắt thay thủy tinh thể miễn phí tại Vĩnh Phúc

Hoạt động đánh dấu bước chuyển về phương pháp tiếp cận dựa trên quyền của Hội chính là hoàn thiện và mở rộng mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT và chương trình hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới. Đây là hai lĩnh vực Hội tập trung thực hiện trong năm năm qua và đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng, góp phần tích cực nâng cao năng lực tự an sinh của đối tượng.

 

Đi vào hỗ trợ cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới là cách Hội hỗ trợ đối tượng được tham gia và hưởng thụ thành quả các chính sách Nhà nước, được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cần thiết, tối thiểu và góp phần giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm qua, thông qua nhiều hoạt động của Hội, trên 26.000 lượt NKT, 9.500 TMC tại 226 xã xây dựng nông thôn mới đã được hỗ trợ các phương tiện trợ giúp, làm đường tiếp cận, nhà ở, nước sạch, nhà tắm, công trình vệ sinh, học bổng, các dịch vụ y tế, được đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vốn chăn nuôi… với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, Quỹ Hội, vận động ủng hộ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân, đóng góp của gia đình, dòng họ. Qua một giai đoạn thực hiện, chương trình đã ngày càng hoàn thiện, đa dạng các hình thức hỗ trợ mở ra hướng tếp cận nhiều chiều đối với NKT, TMC thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã nói chung, xã xây dựng nông thôn mới nói riêng.

 

Đối với NKT, ý nghĩa sâu sắc của phương pháp tiếp cận dựa trên quyền là nhằm đầu tư vào các năng lực của người khuyết tật hơn là coi họ như những người bất lực và phải sống trong sự bảo trợ mang tính từ thiện của xã hội. Việc làm và thu nhập chính là sự đánh giá và thừa nhận năng lực lớn nhất mà NKT cần từ xã hội, cộng đồng. Vì lý do đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được Hội hết sức quan tâm và coi đây là một trong 6 chương trình trọng tâm của Hội.

 

Trong năm qua, các tổ chức Hội đã đào tạo nghề cho 3.300 NKT, khoảng 70% được tạo việc làm, có thu nhập, với tổng kinh phí 13,2 tỷ đồng. Hội xác định quan tâm đến đào tạo nghề cho NKT tại cộng đồng, lấy nông thôn và doanh nghiệp nhỏ làm địa bàn hoạt động chủ yếu. Nét mới trong công tác đào tạo nghề năm 2015 là Hội tập trung hơn vào NKT tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, bãi ngang ven biển... Chọn hướng đi mới, táo bạo và đầy khó khăn này, Hội đã cân nhắc rất kỹ vì đây chính là cách để Hội vươn hoạt động của mình đến được với đối tượng khó khăn nhất, đang cần sự trợ giúp nhất.

 

Với trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, cùng với các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho bản thân và gia đình đối tượng, Hội còn đặc biệt quan tâm đến việc góp phần đảm bảo quyền học tập của các em thông qua các chương trình tặng học bổng, xe đạp, góc học tập, hỗ trợ học đường. Trong năm qua, Hội đã tặng 14.500 suất học bổng với kinh phí 12 tỷ đồng, 4.000 xe đạp với kinh phí 5,4 tỷ đồng; nhiều tỉnh, thành Hội đã triển khai chương trình học bổng dài hạn cho HSSV mồ côi, khuyết tật nghèo với cam kết từ nhà tài trợ sẽ hỗ trợ kinh phí cho các em đi hết con đường học vấn, đáp ứng nhu cầu học lên cao của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Phóng viên: Thưa Chủ tịch, những thành quả đã đạt được trong năm 2015 là hết sức ý nghĩa, Hội sẽ phát huy và tiếp tục tập trung cho các hoạt động nào trong năm 2016?

 

Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu : Năm 2016 chúng ta bước vào giai đoạn mới (2016 - 2020) của nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, là năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như Nghị quyết của BCH Đảng bộ các cấp, trong đó có những điểm mới về bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng và phát huy kết quả thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội đã và đang đặt ra cho Hội nhiều nhiệm vụ mới. Hội phải tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; đưa ra những cách làm mới, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong các hoạt động của mình.

 

Hội cần tiếp tục đổi mới các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, phát huy tính chủ động , năng động của cán bộ, hội viên. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến NKT, TMC do Nhà nước giao, tiếp tục triển khai các hoạt động trợ giúp theo 6 chương trình trọng tâm của Hội mang tính bền vững đối với NKT, TMC. Trong đó tập trung hơn vào công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT theo hướng mở rộng tổ chức thành viên tham gia; thí điểm mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT trên địa bàn cấp huyện gắn với cơ sở SXKD. Mở rộng việc thực hiên mô hình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế đối với NKT, TMC nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới; tiếp tục duy trì, phát triển bền vững chất lượng cuộc sống đối với NKT, TMC tại các xã mà Hội đã hỗ trợ trong giai đoạn 2011 - 2015.

 

Chú trọng thực hiện các chương trình can thiệp phục hồi chức năng như mổ mắt, phẫu thuật chỉnh hình, dịch vụ y tế... Bên cạnh đó, Hội sẽ phát huy hiệu quả các hình thức vận động xây dựng Quỹ Hội; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, biểu dương, tôn vinh gương điển hình ; quan tâm đến việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, trợ giúp pháp lý… đối với NKT và TMC ; nâng cao đời sống tinh thần của NKT, TMC; quan tâm đối tượng trẻ tự kỷ, tổ chức tự lực của NKT, trẻ mồ côi tới tuổi trưởng thành; tiếp tụccủng cố, phát triển tổ chức Hội, kiện toàn tổ chức, bộ máy các tổ chức Hội thành viên, đặc biệt quan tâm phát huy vai trò người đứng đầu...

 

Nhân dịp này, trong không khí đón Xuân Bính Thân 2016, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới, nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới toàn thể anh chị em khuyết tật, các cháu mồ côi, các nhà bảo trợ và đội ngũ những người làm công tác Hội trong cả nước. Tôi xin được bày tỏ sự khâm phục tinh thần nỗ lực vượt khó, tự tin khẳng định mình trong cuộc sống của rất nhiều tấm gương NKT, TMC; xin được tri ân những tấm lòng nhân ái và sự chia sẻ của các tổ chức, cá nhân đã, đang và sẽ đồng hành cùng Hội; cảm ơn sự cố gắng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ Hội đã cùng chung sức cho sự phát triển của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Hy vọng rằng, trong năm mới 2016 và trên chặng đường tiếp theo, Hội sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nữa để tiếp tục phấn đấu hoàn thành sứ mệnh bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng yếu thế khác.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!


 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi